Hai giờ chiều ngày 10-3-1975 (đúng ngày quân ta mở màn đánh Buôn Mê Thuột) có một đoàn cán bộ lặng lẽ rời mảnh đất Bàu Hàm vượt qua những tảng đá ong, xuyên qua những vườn chuối, vườn đu đủ. Tới đêm khuya, dưới ánh trăng bàng bạc, họ đi vào khu vườn chuối ở Hưng Lộc để chuẩn bị vượt lộ I thì bị trúng mìn clêmo (claymore).
Hai giờ chiều ngày 10-3-1975 (đúng ngày quân ta mở màn đánh Buôn Mê Thuột) có một đoàn cán bộ lặng lẽ rời mảnh đất Bàu Hàm vượt qua những tảng đá ong, xuyên qua những vườn chuối, vườn đu đủ. Tới đêm khuya, dưới ánh trăng bàng bạc, họ đi vào khu vườn chuối ở Hưng Lộc để chuẩn bị vượt lộ I thì bị trúng mìn clêmo (claymore). Một số cán bộ đã hy sinh, trong đó có anh Phạm An Đẩu, Trưởng ban kinh tài huyện Thống Nhất. Tôi cũng đi trong đoàn cán bộ đó, sau ba ngày ba đêm lạc đường đã sống sót trở về đơn vị. Có một điều kỳ diệu là sau hơn 35 năm, chúng ta đã tìm thấy được một tập thơ của liệt sĩ ngành tài chính Phạm An Đẩu.
* Một tập thơ nằm dưới lòng đất hơn 35 năm
Một sáng mùa xuân năm 2010, một số người thu nhặt phế liệu trên đất Bàu Hàm đã tình cờ đào bới được một thùng đại liên, trong đó có 6 cục xà bông thơm và một tập thơ vẫn còn nguyên vẹn, tập thơ được viết trên sổ tay với các họa tiết hoa lá, cây trái. Tập thơ với gần 200 bài, chữ viết nắn nót. Chắc hẳn người viết tập thơ này là một người làm công việc không liên quan gì đến thơ ca nhưng rất yêu thơ. Bởi vậy, mở đầu tập thơ tác giả viết: “Từ khi biết yêu đời, tôi càng thêm yêu thơ”. Tập thơ có ghi “Thơ kỷ niệm đường ra trận”. Thời gian viết tập thơ từ tháng 4-1969 đến 1971. Tác giả là Nam An, đó là tên ghép của chữ đầu quê hương Nam Hà và chữ lót của tên anh Phạm An Đẩu. Những người thu lượm ve chai đã trao tập thơ cho gia đình liệt sĩ Phạm An Đẩu: chị Ba Chót - vợ anh và cháu Hà - con anh (hiện đang ở thị trấn Trảng Bom, huyện Trảng Bom). Không rõ anh Phạm An Đẩu chôn giấu tập thơ vào thời điểm nào, nhưng như vậy là sau hơn 35 năm chúng ta đã tìm thấy tập thơ. Và kể từ tháng 4-1969, khi tác giả viết những vần thơ đầu tiên thì hơn 40 năm sau, gia đình, quê hương, bạn bè, đồng đội mới được đọc những bài thơ tâm huyết của anh.
Anh Phạm An Đẩu quê ở huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Hà. Anh học cùng lớp ở trường Đại học Tài chính và cùng xung phong vào chiến trường miền Nam với các anh: Thiều, Việt, Nhượng, Tâm, Hào... Anh được phân công làm Trưởng ban Kinh tài huyện Thống Nhất (thời chiến tranh huyện Thống Nhất bao gồm cả huyện Trảng Bom và huyện Thống Nhất hiện nay). Với tác phong xông xáo, giản dị, chan hòa, cởi mở, anh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, được cán bộ và nhân dân yêu mến. Tiếc thay, anh đã nằm xuống trên mảnh đất Đồng Nai chỉ trước ngày giải phóng miền Nam có 1 tháng 20 ngày. Dẫu vậy, cuộc đời cao đẹp của anh, những vần thơ tha thiết, cháy bỏng của anh gửi lại cho đời là một tài sản vô giá với gia đình, bạn bè, đồng đội, quê hương Đồng Nai và Nam Hà, với thế hệ trẻ.
* Một tâm hồn, một lý tưởng cao đẹp
Đọc tập thơ, chúng ta thấy rõ trái tim anh luôn rung động với quê hương, gia đình, mái trường, bè bạn ở miền Bắc. Trong bài thơ “Lời thề quê hương” anh viết:
Giã từ đất mẹ yêu thương
Ta đi băng thác vượt đèo Trường Sơn
Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tình quê mãi mãi sắt son bên lòng
Quê hương thúc giục anh ra trận. Anh viết lá đơn tình nguyện vào chiến trường có lời thiết tha nhắn gửi của quê hương. Rời quê hương, rời mẹ hiền, anh xin nguyện:
Mẹ hiền ơi! Cho con hôn mảnh đất
Lần cuối cùng trước lúc ra quân
Để nuôi lớn trong con dòng bất khuất
Xả thân mình giành non nước mùa xuân.
(Mẹ hiền Nam Hà)
Anh hứa với cha sẽ vững vàng trong bão tố để cha vui lòng:
Cha ơi ! chim non bước vào đời
Bay trong bão táp hỡi cha ơi
Con nguyện vững vàng lao vút tới
Để chốn quê nhà cha mãi vui.
Khi đã vào chiến trường miền Nam, anh vẫn luôn nhớ tới miền Bắc, quê hương, gia đình, mái trường xưa. Anh mơ tới ngày Bắc Nam sum họp:
Vì sao nhỉ ? Ước mơ miền Bắc
Anh yêu em chưa trọn giấc mơ
Mỗi bước đường xa trái tim thầm nhắc
Ngày chung vui
Non nước đẹp bóng cờ
Anh nhớ tới trường Quang Trung - mái trường quê hương nơi anh học. Mái trường cũng là nguồn tiếp thêm cho anh sức mạnh:
Ôi trường cũ thương yêu, mong nhớ
Quang Trung ơi! Giờ đã xa rồi
Bước trường chinh vạn ngàn gian khó
Hướng về trường sức mạnh nguồn vui
Ngày 3-1-1971, ở chiến trường anh nhận được tin mẹ mất. Nỗi đau xé lòng xé ruột vì từ đây không còn được nghe tiếng mẹ ru hời, tiếng ngâm Kiều, đọc thơ, không còn nghe tiếng cháu bi bô gọi bà:
Mẹ! Ngày ấy với tôi không còn nữa
Bên nôi tre bỗng bặt tiếng ru hời
Mẹ! Ngày ấy với tôi không còn nữa
Một câu Kiều hay một áng thơ vui
…Mẹ! Từ ấy với tôi lòng nức nở
Nghe cháu gọi bà quặn xé vết thương đau
(Nhớ mãi)
Tập thơ còn thể hiện một lý tưởng cao đẹp của tầng lớp thanh niên lúc bấy giờ: đi ra chiến trường, xả thân vì nghĩa lớn theo tiếng gọi của miền Nam ruột thịt:
Tiền tuyến gọi rồi
Chào quê hương
Chào người thương
Tôi lên đường ra trận
Một chiếc gậy
Một ba lô trĩu nặng cả giang san
Một cây súng cha anh trao lại
Một chân lý ngời ngời sáng mãi
“Không gì quý hơn độc lập tự do”
(Bài ca lên đường)
Là một cán bộ kinh tài huyện với khẩu súng ngắn, chiếc bòng đựng dăm bộ quần áo, anh Phạm An Đẩu đã xông xáo khắp nơi. Vừa lo khai thác nguồn tiền, lo cuộc sống cho cán bộ và bà con trong huyện. Dù khó khăn gian khổ trong anh vẫn luôn tràn ngập niềm vui được hòa vào dòng người đánh Mỹ:
Xuống đường! tiếng gọi của quê hương
Vui lắm bạn ơi được xuống đường
Ta nguyện xin làm con sóng nhỏ
Trong chùm sóng lớn chở yêu thương
(Niềm vui chiến thắng)
Anh yêu cuộc sống thiết tha, yêu dòng Đồng Nai, yêu hương bưởi Biên Hòa:
Đồng Nai ơi! Nước bao giờ lặng sóng
Biên Hòa ơi! Hương bưởi chẳng tàn
Hỡi cuộc sống! Ta mến yêu người không nói được
Khi cuộc đời đã nặng gánh giang sang.
(Cuộc sống ơi! Ta mến yêu người)
Anh kể một câu chuyện cảm động về tình dân:
Thì thầm tiếng má dặn con
Nhớ đi cảnh giác chúng còn hay không
Mấy ngày nay nó lục sùng
Nằm bờ bụi định mưu hòng diệt ta
Khi đoàn quân trở về trong tình yêu, bà má bưng nguyên một hũ gạo cho các con giải phóng:
Chúng con đi giặc chạy rồi
Trở về thăm má đẹp lời đẹp thơ
Lưng còng bê hũ gạo to
Nhà nghèo yêu nước bao giờ nghèo đâu
(Tình dân)
Người đồng đội Nguyễn Minh Chiêu- cùng học một lớp, cùng vào chiến trường một đợt - hy sinh, anh làm mấy bài thơ thương nhớ bạn, sự ra đi của bạn làm anh thấy hụt hẫng, trống vắng.:
Vui xuân thơ thiếu bạn hiền
Rượu nồng để lạt, ca quên nhạc vần
Đời người biết mấy ái ân
Cảnh nghèo, nghèo cả bạn thân tâm tình
(Nhớ bạn)
Và chính trên chiến trường gian lao ấy, anh Đẩu- người thanh niên Nam Hà đã nẩy nở mối tình với người con gái Thanh Hóa là chị Ba Chót- y sĩ xã Cây Gáo. Phút gặp gỡ bồi hồi, xao xuyến:
Em đến tìm anh một buổi chiều
Tóc xanh - nương rẫy thắm thương yêu
Em ơi có hiểu vì sao nhỉ
Mắt đắm nhìn nhau chẳng nói nhiều
…Em đến tìm anh một buổi chiều
Nắng hồng theo dấu bước thân yêu
Em ơi! Nhớ trọn ngày mai nhé
Về sống êm đềm với biển thương yêu
(Em đến)
Họ đã nên duyên vợ chồng và có một cháu trai. Hạnh phúc tràn đầy giữa chiến trường ác liệt nhưng anh vẫn nghĩ đến có thể một ngày nào đó mình sẽ hy sinh, nếu thế thì:
Nếu dù anh ngã xuống
Em nhớ nhé đừng buồn
Đường về không lạc hướng
Biển ân tình yêu thương
(Gửi em)
Bài thơ làm năm 1971 đến ngày 10-3-1975 anh hy sinh. Dường như bài thơ là một lời tiên tri, sau những năm tháng vợ con anh trở về quê hương Thanh Hóa, được linh hồn thấm đẫm tình yêu thương của anh che chở, được sự giúp đỡ của Huyện ủy, UBND huyện Trảng Bom, được bạn bè đồng đội của anh góp sức, vợ con anh đã trở về sống và làm việc ngay trên mảnh đất mà anh nằm xuống. Đó là một đoạn kết có hậu.
* Đôi lờI đề nghị
Trong khuôn khổ hạn hẹp của một bài báo không thể nào nói hết ý tình, mà chúng tôi chỉ làm được công việc điểm một số nét trong gần 200 bài thơ của tác giả.
Đọc cả tập thơ, chúng ta thấy hiện lên lý tưởng, tâm hồn cao đẹp của cả một thế hệ, đó là một thế hệ vàng, những đứa con yêu của quê hương Tổ quốc, gia đình. Bên cạnh nhật ký của Nguyễn Văn Thạc, Đặng Thùy Trâm và bao anh hùng liệt sĩ khác, tập thơ là một tài sản vô giá để giáo dục truyền thống cách mạng.
Chúng tôi - những bạn bè đồng đội của liệt sĩ Phạm An Đẩu kính mong Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện để tập thơ sớm được ra đời, để mau chóng đến được tay bạn đọc.
Bùi Quang Tú