Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc (VHTNCDT) là một sân chơi cứ 2 năm tổ chức một lần; lần thứ 1 được tổ chức tại Trà Vinh, lần 2 tại Đăk Lăk và lần thứ 3 này, tỉnh Sóc Trăng là địa phương đăng cai tổ chức. Tham gia Liên hoan lần này có 18 đơn vị thuộc khu vực phía Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 3 đơn vị, tỉnh Đồng Nai có mặt 2 Nhà thiếu nhi huyện Xuân Lộc và Long Thành.
Liên hoan Văn hóa thiếu nhi các dân tộc (VHTNCDT) là một sân chơi cứ 2 năm tổ chức một lần; lần thứ 1 được tổ chức tại Trà Vinh, lần 2 tại Đăk Lăk và lần thứ 3 này, tỉnh Sóc Trăng là địa phương đăng cai tổ chức. Tham gia Liên hoan lần này có 18 đơn vị thuộc khu vực phía Nam, trong đó TP. Hồ Chí Minh có 3 đơn vị, tỉnh Đồng Nai có mặt 2 Nhà thiếu nhi huyện Xuân Lộc và Long Thành.
Thiếu nhi Chăm Xuân Hưng (Xuân Lộc) tự tin cùng các thầy cô trên sân khấu hội trường trước giờ biểu diễn. Ảnh: T.Hải |
Chủ trương đưa các em thiếu nhi dân tộc Châu Ro và Chăm ở Đồng Nai đi dự Liên hoan, 2 Nhà thiếu nhi Xuân Lộc và Long Thành, với sự hỗ trợ về chuyên môn của Nhà thiếu nhi tỉnh, đã khá vất vả ngay từ khâu tổ chức đầu tiên là triệu tập các em vào 2 đội văn nghệ. Ở Phước Bình (Long Thành), phải có sự can thiệp của già làng Châu Ro tại đây, cùng sự nhiệt tình tập luyện cho các em của thầy giáo trẻ Dương Văn Củng (người Châu Ro ở Phước Bình, đang công tác tại Trường dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), 25 em thiếu nhi Châu Ro mới được tập hợp, "ăn, tập" ngay tại nhà của thầy Củng suốt hơn một tháng. Tại Xuân Hưng (Xuân Lộc) cũng thế, phải có sự can thiệp của Giáo Cả, 25 em thiếu nhi người Chăm tại đây mới có dịp tập văn nghệ, đi đến tận tỉnh Sóc Trăng vừa xa vừa lạ để biểu diễn. Đoàn Xuân Lộc còn có cả hai cô người dân tộc Chăm cùng đi theo để lo cho các em từ trang phục đến việc ăn uống.
Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, sau hơn một tháng tập luyện, hai đội văn nghệ thiếu nhi đại diện cho thiếu nhi dân tộc ít người của Đồng Nai đã lên đường về miền Tây dự ngày hội lớn Liên hoan VHTNCDT tại Sóc Trăng với sự náo nức xen lẫn tự tin.
Nếu các em thiếu nhi Châu Ro ở Phước Bình với 5 tiết mục ca, múa (chủ đề: Tự hào Châu Ro của em), trong đó các bài hát đều được biểu diễn với cả 2 lời bằng tiếng Châu Ro và tiếng Việt; thì các em thiếu nhi Chăm ở Xuân Hưng cũng đầy hào hứng hát ca lời Chăm và lời Việt trong chủ đề "Hòa chung tiếng hát" gồm 5 tiết mục của mình. Trang phục của các em cũng mang được tính dân tộc rất riêng: thiếu nhi Châu Ro giản dị bên cạnh thiếu nhi Chăm màu sắc với chiếc khăn kama truyền thống và đặc biệt, khăn đội đầu đi học cho nhóm múa do chính một cô người Chăm kết tại chỗ, rất đẹp. Đạo cụ cũng nói lên nét riêng của mỗi dân tộc. Các em ở Phước Bình sử dụng cồng, đàn tre, cây nêu..., còn các em ở Xuân Hưng thì là bình gốm lấy nước...
Ghi nhận đầu tiên của chúng tôi là so với các chương trình của nhiều tỉnh bạn, tuy có nội dung về dân tộc ít người, nhưng các diễn viên lại "pha trộn" cả các em là người dân tộc "gốc" với các em dân tộc khác; thì cả hai nhóm thiếu nhi Châu Ro và Chăm của Đồng Nai đều là con em của hai cộng đồng dân tộc này. Ghi nhận kế là việc hát ca từ bằng tiếng dân tộc (cùng lời Việt) là "đặc sản" của Đồng Nai mà các tỉnh bạn ít chú ý khai thác hơn. Các em cũng "hát thật" trên sân khấu chứ không sử dụng bất cứ kỹ thuật hỗ trợ nào.
Một phụ trách thiếu nhi tỉnh bạn nói với chúng tôi: "Được xem đội Xuân Hưng biểu diễn, chúng tôi "học" được nhiều điều về trang phục cho các em học sinh Chăm. Chắc chắn trong tương lai, chúng tôi sẽ lấy đó mà "bổ sung" cho phần trang phục còn hơi bị xa thực tế của mình".
Biểu diễn tại Liên hoan vào buổi sáng và buổi chiều ngày 9-6, đến tối cùng ngày, hai đội văn nghệ thiếu nhi của Đồng Nai đã đi biểu diễn phục vụ các bạn thiếu nhi địa phương: Nhóm Châu Ro Phước Bình diễn tại Nhà thiếu nhi tỉnh và nhóm Chăm Xuân Hưng diễn tại huyện Châu Thành. Các em đã được các bạn thiếu nhi tại hai nơi này hoan nghênh và dành cho nhiều thiện cảm.
Thiếu nhi Châu Ro Phước Bình (Long Thành) hớn hở trước hội trường sau buổi diễn thành công. Ảnh: T.Hải |
Chiều 10-6, Liên hoan VHTNCDT lần 3 đã bế mạc. Những diễn viên thiếu nhi hai dân tộc Châu Ro và Chăm của Đồng Nai lại lên xe vượt qua hơn ba trăm cây số về lại hai huyện Long Thành và Xuân Lộc, nơi các em sống và học tập quen thuộc; chắc chắn từng em sẽ không quên được lần đi xa vừa "đem chuông đánh xứ người", vừa học tập được nhiều điều hay từ các đội bạn; đồng thời còn biết đường cao tốc, cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, những ngôi chùa nổi tiếng như chùa Dơi... Ở một góc độ khác, chính các em cũng đã gây được ấn tượng mạnh với các bạn mới. Bởi, qua lời ca, điệu múa, các em đã giới thiệu được nét văn hóa riêng của dân tộc mình một cách tự hào và thuyết phục.
Nguyễn Thái Hải