Báo Đồng Nai điện tử
En

Cảm xúc về Hà Nội
Vỉa hè Hà Nội

07:06, 03/06/2010

Tôi có một tuổi thơ trải dài trên vỉa hè Hà Nội. Những hòn bi ve óng ánh lăn lăn, những cái lỗ để đánh khăng, con quay bằng gỗ ổi quay tít kêu u u, những nắp chai bia được đập tòe ra thành đồng xèng để chơi đánh xèng, tiếng xèng kêu leng keng nghe rất vui tai.

Tôi có một tuổi thơ trải dài trên vỉa hè Hà Nội. Những hòn bi ve óng ánh lăn lăn, những cái lỗ để đánh khăng, con quay bằng gỗ ổi quay tít kêu u u, những nắp chai bia được đập tòe ra thành đồng xèng để chơi đánh xèng, tiếng xèng kêu leng keng nghe rất vui tai. Đó là những trò chơi của lũ trẻ chúng tôi trên hè phố Bà Triệu. Những buổi trời xám xịt lũ chuồn chuồn bay là là trên vỉa hè báo hiệu cơn mưa sắp tới. Những ngày hè đội hợp xướng ve đậu chi chít trên thân cây cành lá, tấu lên dóng dả, người đi đường có cảm giác như trôi trong tiếng ve. Góc phố Trần Nhân Tông - Bà Triệu có một bà bán xôi và một ông bán bánh mì. Mỗi sáng đi học ở trường Tây Sơn có tiền ăn sáng tôi lại mua xôi lạc thơm phức, bánh mì cặp chả nóng giòn. Những buổi tối đi ra phố Huế tôi hay đứng nhìn chiếc xe bán kẹo bông. Dưới ánh đèn mờ mờ, những thìa đường rót từ từ vào chiếc máy ly tâm, từ máy bay ra lất phất những dải kẹo nông trắng nõn. Trẻ con xúm xít quanh chiếc xe, rối rít kêu mua. Người bán hàng hối hả vấn kẹo bông vào cái que trao cho lũ trẻ. Tôi thường đi dọc vỉa hè phố Nguyễn Du và Hồ Xuân Hương để đổ dế và bắt ve. Phát hiện ra tổ dế nhờ ụ đất đùn lên trong đám cỏ, tôi đổ ộc chai nước vào, chú dế ngột ngạt lóp ngóp ngoi lên, thân cánh ướt rượt, trố mắt nhìn tôi - kẻ đã lôi nó rời khỏi hang sâu ra ánh sáng. Những chú ve bự phấn phồng bụng la inh ỏi, xòe cánh đập giãy giụa khi bị tôi lôi từ trên cao xuống đất, bỏ vào bao diêm...

 

Hà Nội bước vào chiến tranh, tôi cũng bước qua tuổi ấu thơ. Vỉa hè Hà Nội vắng bóng trẻ em nô đùa vì chúng phải đi học sơ tán... Thời chiến các hàng quán cũng vắng vẻ hơn. Các cửa hàng lương thực, thực phẩm, các gánh quà rong cũng ít người lai vãng. Mọi người đều mua vội vàng rồi trở về nơi sơ tán hoặc đi công tác. Các hầm hào đã mọc lên dọc hè phố. Lá rụng tràn ngập cả vỉa hè. Quả sấu vàng rơi nằm ngổn ngang trên các nắp hầm, nắp tăng xê.

 

Sau năm 1975 - thời bao cấp, các vỉa hè Hà Nội đã có thêm nhiều hàng quán. Người Hà Nội đã nhô ra vỉa hè để buôn bán kiếm sống. Tuy nhiên, cái gò bó của một thời khiến cho sự buôn bán không sầm uất, thông thoáng như bây giờ. Người đi lại cũng đông hơn nhưng vẫn vội vã vì công việc, vì mưu sinh. Trẻ em lại giỡn chơi trên hè phố. Có một lần thả bộ trên vỉa hè bỗng thấy mấy đôi dép trẻ con nằm chỏng chơ trên vỉa hè mà không thấy chúng đâu. Tôi rùng mình hốt hoảng. Thời chiến tranh, bom Mỹ đánh vào lớp học, những đôi dép thấm máu vung vãi tung tóe cứ ám ảnh tôi đến tận bây giờ. Tôi nhìn ra xa thấy mấy đứa trẻ đang đá bóng trên bãi cỏ. Lúc ấy tôi mới trấn tĩnh lại.

 

Hà Nội bước vào thời kinh tế thị trường, các vỉa hè mọc san sát những hàng quán bán đủ các mặt hàng. Hàng ăn uống lại bung nở. Chân gà nướng, bún ốc, bún cua, bún chả, ốc luộc, bánh dày, bánh giò, cháo sườn, cháo lươn, cháo đậu, thịt chó, bê thui, lẩu dê v.v... đủ cả. Cái sự khá lên của kinh tế khiến mặt người tươi lên, sự ăn uống hưởng thụ cũng nhiều.

 

Ra Hà Nội tôi thích ngắm nhìn các quán vỉa hè và mỗi lần ra lại ăn một món gì đó để mà về Đồng Nai còn nhớ Hà Nội. Lần thì ăn chân chó xào măng uống với rượu nếp than ở vỉa hè Nhật Tân. Có khi lại sà vào quán ốc luộc ở khu Kim Liên, khều những con ốc béo vàng chấm với nước mắm gừng rồi húp nước ốc luộc có vị lá chanh mà thấy người nhẹ nhỏm, thanh thoát. Nhưng tôi thích nhất là tấp vào các quán chè chén ven đường. Ngồi uống chè chén cũng lượm lặt được khối chuyện hay. Trong một lần ngồi uống chè chén trước cổng bệnh viện, tôi gặp một người đàn ông tóc dài thượt, nói giọng Nam. Anh cho biết, anh là người gốc Bắc sinh tại Sài Gòn. Hiện đang chăm sóc người nhà trong bệnh viện. Anh kể:

 

- Má tôi bị bệnh nặng, đau quá không ngủ được, bác sĩ kê toa cho mỗi ngày uống một viên thuốc ngủ. Nhưng má không uống, cất đi, gom lại để uống một lần rồi ra đi cho khỏe, khỏi phiền cho con cháu. Chúng tôi biết, khi má định lấy vốc thuốc ra uống đã giật lại được ngay. Má khóc nói: "Các con đều nghèo cả, phải làm thuê làm mướn kiếm sống, má bệnh vầy để má đi cho đỡ cực". Chúng tôi trả lời: "Má ơi, chúng con nghèo mấy thì nghèo cũng ráng lo cho má để báo hiếu với má. Má đừng nghĩ bậy nghĩ bạ mà tội cho chúng con". Chúng tôi chăm má được hai năm thì má qua đời, tận tình lo được cho má thấy lòng thanh thản anh à!".

 

Câu chuyện cảm động này có thể thành vở kịch diễn nhân Ngày của Mẹ. Nếu không uống chè chén vỉa hè thì làm sao có thể nghe được một câu chuyện cảm động thấm đẫm tình mẫu tử như vậy được.

Quỳnh Nga

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích