
Thời gian qua, một số doanh nghiệp trên địa bàn Đồng Nai đã xây dựng ký túc xá (KTX) dành cho công nhân (CN). Nhưng có một nghịch lý đang làm đau đầu các nhà quản lý doanh nghiệp: KTX dành cho CN được xây dựng khang trang thì không khai thác hết công suất, trong khi nhiều CN lại ra ngoài thuê phòng trọ dù ọp ẹp, thiếu tiện nghi!
![]() |
Ký túc xá của Tập đoàn Phong Thái. |
* KTX: đầu tư lớn nhưng không hút công nhân
Bà Trần Xuân Khuê Tú, trợ lý Tổng giám đốc Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) cho biết, từ tháng 11-2008 tập đoàn đã khánh thành và đưa vào sử dụng khu KTX có sức chứa 5.300 người với kinh phí xây dựng lên đến 14 triệu USD. KTX được xây dựng đúng chuẩn, chia làm 2 khu dành cho người độc thân và hộ gia đình với các dãy phòng được thiết kế phù hợp, rộng rãi thoáng mát và đầy đủ tiện nghi, như có khu nấu ăn ở mỗi đầu dãy, phòng có nhà vệ sinh riêng. Ngoài ra, ở khu tầng trệt còn có các phòng đọc sách với thư viện khá phong phú, phòng chơi thể thao, phòng tư vấn tâm lý... Ngay sát KTX là trường mẫu giáo khang trang dành cho con em CN, rất tiện lợi. Có thể nói, đây là khu nhà ở "trong mơ" của CN nếu như so với các phòng trọ tư nhân trên địa bàn. Thế nhưng, hơn 1 năm hoạt động, chỉ mới có khoảng 600 CN đăng ký vào ở, tỉ lệ sử dụng chỉ đạt 11,3%.
Một khu nhà ở dành cho CN cũng rất hiện đại, đúng chuẩn không kém, đó là KTX của Công ty
Trước câu hỏi vì sao CN không vào ở KTX tiện nghị mà lại ra ngoài thuê phòng trọ, bà Khuê Tú nói: "Đây vẫn còn là vấn đề khá đau đầu mà Công đoàn các công ty trong tập đoàn đang cố gắng tìm hiểu".
* 1.001 lý do để "chê"
Khi được hỏi vì sao không vào ở KTX, chị Nguyễn Thị Ánh Nguyệt (Công ty Dona Victor) đang thuê nhà trọ ở xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) đưa ra một bài toán so sánh: gia đình chị gồm 2 vợ chồng và 1 đứa con, ở KTX tốn tiền thuê 480 ngàn đồng/tháng, nhưng nếu thuê phòng trọ chỉ khoảng 350 ngàn đồng/tháng (tính cả chi phí điện, nước), tiết kiệm được 130 ngàn đồng. "CN chúng tôi phải tính toán từng đồng. 130 ngàn đồng với chúng tôi là khoản tiền đáng kể. Dù biết ở KTX thoải mái hơn, nhưng chúng tôi vẫn phải chịu sự thiếu tiện nghi để có tiền dành dụm" - chị Nguyệt cho biết.
Chưa lập gia đình, ít có những lo toan như chị Nguyệt, nhưng cô Hồ Thị Thư (Công ty Việt Vinh) vẫn chọn khu nhà trọ ở ấp Tây Lạc (xã Bùi Chu, huyện Trảng Bom). Theo cô, khi đăng ký KTX, Thư không được quyền chọn bạn bè thân thiết hoặc đồng hương để ở chung phòng, mà Ban quản lý KTX căn cứ vào danh sách đăng ký để xếp người ở chung. "Ở chung với nhau suốt năm này tháng kia mà không hợp "gu" với nhau thì khó chịu lắm, ra ngoài để được ở vui vẻ thoải mái hơn" - Thư bộc lộ. Không có xe, mỗi ngày Thư vẫn chịu khó lội bộ về khu nhà trọ để được ở chung với bạn bè của mình.
Còn Nguyễn Thị Lương (Công ty Great Veca) thì bức xúc về quy định không được về sau 22 giờ 30 của KTX. "Bọn em độc thân, cả ngày làm quần quật trong công ty không thấy mặt trời, tối phải có nhu cầu đi chơi, giao lưu với bạn bè để còn tìm hiểu nhau mới có đôi có bạn với người ta. KTX quy định thế, bọn em chỉ có nước... ế chồng" - Lương tâm sự.
Không được nấu ăn trong phòng cũng là một trong những nguyên nhân mà CN không vào ở KTX. Ông Phạm Ngọc Bang, Chủ tịch CĐCS Công ty Formosa cho biết, CN đăng ký vào ở KTX hầu hết là độc thân, còn các hộ gia đình đều ra ngoài thuê phòng trọ cho thuận tiện sinh hoạt, như: nấu ăn, đưa đón con đi học, đón ông bà ngoài quê vào chăm sóc cháu... Bà Khuê Tú kể, lúc xây KTX doanh nghiệp cũng có quy định không được nấu ăn, nhưng qua ý kiến đóng góp của Công đoàn về nguyện vọng của CN là được nấu ăn, vừa rẻ hơn so với ăn căn-tin vừa có không khí ấm cúng của gia đình, nên cuối cùng doanh nghiệp phải dành ra 3 tháng sửa chữa lại KTX, thiết kế thêm khu vực nấu ăn cho mỗi dãy, có bồn rửa, tủ bếp riêng cho mỗi phòng nhằm đáp ứng như cầu CN.
Ngoài ra, quy định không được cho người thân ở quê vào ở KTX cũng khiến CN không thích, bởi là những người phải sống xa quê có khi hàng mấy năm trời, nhu cầu gần gũi người thân với CN là rất lớn. Thế nhưng ở các KTX hiện nay, nhu cầu này đang bị bỏ qua...
Thanh Thúy