Báo Đồng Nai điện tử
En

Trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa":
Xuất hiện những mô hình mới

09:09, 01/09/2008

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) là một phong trào mang tính cộng đồng rộng lớn, bao trùm lên mọi phong trào. Phong trào này ngày càng bén rễ nhưng cũng còn không ít khó khăn.

Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) là một phong trào mang tính cộng đồng rộng lớn, bao trùm lên mọi phong trào. Phong trào này ngày càng bén rễ nhưng cũng còn không ít khó khăn.

 

* Phong trào ngày càng bén rễ

 

Mới đây, Ban chỉ đạo phong trào DĐKXDĐSVH của tỉnh đã tổ chức kiểm tra, đánh giá phong trào trên địa bàn toàn tỉnh (giai đoạn 2006 - 2008), qua đó đề ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn. Công tác kiểm tra tiến hành trên hai khía cạnh: công tác chỉ đạo, điều hành của Ban chỉ đạo các cấp và kết quả thực tế ở cơ sở...

Đoàn kiểm tra ghi nhận, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhưng phong trào này vẫn ngày càng bén rễ sâu trong đời sống cộng đồng. Ban chỉ đạo tỉnh và các huyện, thị, thành phố đều đã được củng cố, bổ sung nhân sự, có nghị quyết chuyên đề về phong trào TDĐKXDĐSVH. Các xã, phường, thị trấn, ấp, khu phố trong quá trình triển khai hoạt động đều có văn bản, sổ sách, biên bản họp bình xét, báo cáo đánh giá... Nhiều thành viên Ban chỉ đạo xã, phường và Ban vận động ấp, khu phố đã tỏ ra tâm huyết gắn bó với phong trào. Tiêu biểu như là cán bộ và nhân dân phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) đã xây dựng phong trào khá toàn diện, vững chắc, tất cả các chỉ tiêu đều đạt cao... Đến nay, toàn tỉnh đã có 100% ấp, khu phố đăng ký xây dựng ấp, khu phố văn hóa, trong đó trên 80% ấp, khu phố đạt chuẩn. Nhiều điểm sáng đã xuất hiện như các xã: Phước Bình, Tân Hiệp (Long Thành), Thanh Sơn (Tân Phú), Phú Lý (Vĩnh Cửu).

 

Một tiết mục biểu diễn tại liên hoan văn nghệ ấp, khu phố văn hóa của TX.Long Khánh năm 2008.

 

Điều đáng nói là chất lượng khu phố, ấp văn hóa đã được nâng lên do các địa phương đều thắt chặt quy chế bình xét. Những địa bàn có tệ nạn mại dâm, ma túy tăng hoặc để xảy ra trọng án đều bị rớt danh hiệu. Các huyện, thị, thành phố đều có tỷ lệ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa trên 90%. Văn hóa ứng xử trong gia đình đã từng bước được coi trọng, người dân ý thức hơn trong việc giữ gìn danh hiệu gia đình văn hóa. Các hộ chưa nuôi dạy con tốt, vi phạm chính sách kế hoạch hóa gia đình, không chịu khó làm ăn, nghiện ngập... đều không được công nhận gia đình văn hóa. Một số nơi như xã Gia Tân 2 đã bình xét gia đình văn hóa bằng hình thức bỏ phiếu kín nhằm đảm bảo khách quan và công bằng. Phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị có đời sống văn hóa tốt do Liên đoàn lao động tỉnh triển khai cũng được đa số các đơn vị chấp hành tốt, trong đó đáng chú ý là sự hưởng ứng tích cực của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

 

Qua kiểm tra Ban chỉ đạo của tỉnh cũng ghi nhận sự xuất hiện của nhiều mô hình mới, tiêu biểu là mô hình CLB gia đình hạnh phúc ở Thống Nhất, Trảng Bom, Long Thành, Vĩnh Cửu; mô hình nuôi gà an toàn sinh học ở xã Vĩnh Thanh, nuôi cá sặc rắn ở xã Phước Khánh (Nhơn Trạch) v.v... Riêng TP.Biên Hòa có mô hình chợ văn hóa, đường phố văn hóa, chung cư văn hóa. Tuy vẫn còn là thử nghiệm nhưng bước đầu những mô hình trên đã tỏ rõ tác dụng tích cực trong đời sống cộng đồng.

 

* Những khó khăn cần tháo gỡ

 

Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường tốt để khôi phục, giữ gìn, phát huy truyền thống văn hóa, giảm bớt tệ nạn xã hội, hủ tục lạc hậu... trong đời sống. Diện mạo các khu dân cư sạch đẹp hơn, hầu hết đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, giảm dần hộ nghèo, các gia đình chính sách được quan tâm chăm sóc. Phong trào đã tạo động lực tinh thần mới để toàn tỉnh tiếp tục thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng bộ tỉnh.

 

Tuy nhiên, phong trào này cũng đang đối diện với những vấn đề khó khăn, bức xúc trước tình trạng: mại dâm, ma túy, trẻ em bỏ học, ô nhiễm môi trường... có xu hướng gia tăng. Ở nhiều địa phương, thành viên Ban chỉ đạo thường xuyên thay đổi, khiến cho việc chỉ đạo cơ sở thiếu tính liên tục và ổn định. Việc duy trì đủ 7 chương trình ở cấp xã và sự chồng chéo quá nhiều tiêu chí, nhiều danh hiệu cũng làm gia tăng sự phức tạp cho cơ sở. Thực tế cho thấy, thời gian qua hoạt động của các chương trình không đồng đều, cần thiết phải cắt giảm một vài chương trình cho phù hợp với thực tiễn.

 

Đội ngũ cán bộ ấp, khu phố - những người giữ vai trò then chốt của phong trào - chưa được hưởng chính sách chế độ đãi ngộ phù hợp. Bên cạnh đó, trình độ của đội ngũ này còn bất cập, chưa tương ứng với nhiệm vụ. Kinh phí 1 triệu đồng/ấp/năm đã trở nên lỗi thời, cần được điều chỉnh theo hướng tăng thêm. Tình trạng thiếu quỹ đất khiến chỉ tiêu xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở chưa đạt được...

 

Sau đợt kiểm tra, Ban chỉ đạo tỉnh sẽ có những giải pháp tháo gỡ tích cực, trước mắt là giữ nguyên chỉ tiêu về số lượng (85% khu phố, ấp đạt chuẩn khu phố, ấp văn hóa; 93% gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa) để nâng cao chất lượng của phong trào...

 

Hồng Ngọc

 

 

Tin xem nhiều