Báo Đồng Nai điện tử
En

Tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai: Cùng phá cỗ đêm rằm

09:09, 12/09/2008

Ghé Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật Đồng Nai (xã Hóa An, TP. Biên Hòa) vào những ngày cận rằm tháng tám này, chúng tôi được chứng kiến cảnh cả thầy và trò cùng tất bật chuẩn bị cho ngày phá cỗ.

Ghé Trung tâm nuôi dạy trẻ em khuyết tật Đồng Nai (xã Hóa An, TP. Biên Hòa) vào những ngày cận rằm tháng tám này, chúng tôi được chứng kiến cảnh cả thầy và trò  cùng tất bật chuẩn bị cho ngày phá cỗ.

 

* Rộn ràng tiếng nhạc, lung linh ánh đèn...

 

Mỗi người một việc: thầy chuẩn bị dàn dựng sân khấu, chuẩn bị dụng cụ làm lồng đèn; trò phụ làm việc theo hướng dẫn. Nhìn đôi tay thoăn thoắt cắt giấy, dán hình làm đèn lồng, rồi nhìn những đôi bàn chân nhanh nhẹn vào đội hình tập múa tập hát, dễ khiến mọi người quên đi các em là những đứa trẻ kém may mắn: mất những giác quan quan trọng của con người bình thường.  Ấy thế mà các em đã luôn cố gắng hoàn thiện mình để tạo ra không khí sôi động này. Em nào khiếm thị thì tập hát, còn những em khiếm thính thì đảm nhận vai trò múa phụ họa, làm lồng đèn...

 

Tổ chức một đêm trung thu cho các em khuyết tật là cả một vấn đề đối với cán bộ, giáo viên ở trung tâm này để làm sao mang được bầu không khí rộn ràng tiếng nhạc, lung linh ánh đèn đến với các em vốn không nghe, không thấy được. "Tất cả những gì chúng tôi làm chỉ mong bù đắp lại phần khiếm khuyết mà tạo hóa đã bất công khi lấy đi những giác quan quan trọng của mỗi con người. Thông qua các cuộc chơi đó, các em thấy mình có thể trở thành những công dân hữu ích, tự tin hơn trong cuộc sống. Đó cũng là động lực giúp các em vượt qua những khiếm khuyết của mình hòa nhập vào cộng đồng" - cô Nguyễn Thị Ba, quyền giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai chia sẻ.

 

* Ngôn ngữ của tình thân ái

 

Chính vì được sự quan tâm tổ chức của ban giám đốc, trung thu nào cũng đã trở thành ngày hội lớn của 175 trẻ ở đây. Mùa trung thu này cũng thế! Từ mấy ngày trước, các em đã được đi chơi, gần thì ở chùa Thiên Ân, xa hơn thì vui chơi trung thu tại huyện Vĩnh Cửu. Song, đặc sắc nhất chính là "Đêm hội trăng rằm" được tổ chức ngay tại trung tâm. Các em đem ra thi thố, nào là lồng đèn, nào là lời ca tiếng hát, có cả chương trình biểu diễn hóa trang, đố vui kiến thức... Qua giải thích từ ngôn ngữ ký hiệu của một cô giáo, em Trịnh Duy Phúc, học sinh khiếm thính, cho chúng tôi biết: "Đây là lần thứ ba em được tham dự Tết Trung thu tại trung tâm. Năm nay nhóm của em gồm 5 bạn. Chúng em đã tự chuẩn bị và cùng nhau làm rất kỹ lồng đèn quả cầu để thi. Em rất vui và hồi hộp chờ đợi lúc ban giám khảo công bố giải thưởng lồng đèn."

 

Có lẽ, giải thưởng chỉ là những món quà nhỏ,  là chiếc bánh trung thu, cái đèn lồng giấy xinh xinh..., nhưng đó lại là những món quà vô cùng quý giá và đầy ý nghĩa, dành cho các em. Và chính những đôi mắt hồn nhiên, ẩn chứa trong ấy bao niềm mơ ước, với những gì hết sức bình dị là được hòa mình vào cuộc sống như bao người bình thường khác của các em, đã thôi thúc mọi người làm công tác từ thiện, tạo thêm nguồn lực để không ngừng chung tay góp sức, chắp cánh cho những ước mơ rất đáng trân trọng này.

 

Mùa trung thu này, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai rộn ràng và nhộn nhịp hơn vì có các anh chị sinh viên, học sinh trên địa bàn Biên Hòa đến chung vui ngày phá cỗ. Tay trong tay, ngôn ngữ của các em bây giờ không còn là lời nói, là ánh mắt nữa mà là một thứ ngôn ngữ chung: tình thân ái.

 

Lâm Viên

 

 

Tin xem nhiều