Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân khai giảng năm học mới: Đọc sách "Các nhà khoa bảng Việt Nam" (*)

10:09, 03/09/2008

Lịch sử khoa cử Việt Nam bắt đầu kể từ khoa thi Ất Mão năm Thái Ninh thứ 4 triều Lý Nhân Tông đến khoa thi Nho học cuối cùng vào đời Khải Định (1919). Trải qua gần 850 năm, nền giáo dục Nho học đã đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Đây chính là tinh hoa của giống nòi, là bộ phận ưu tú nhất, những người tạo nên nền văn hiến của đất nước này.

Lịch sử khoa cử Việt Nam bắt đầu kể từ khoa thi Ất Mão năm Thái Ninh thứ 4 triều Lý Nhân Tông đến khoa thi Nho học cuối cùng vào đời Khải Định (1919). Trải qua gần 850 năm, nền giáo dục Nho học đã đào tạo hàng ngàn nhân tài cho đất nước. Đây chính là tinh hoa của giống nòi, là bộ phận ưu tú nhất, những người tạo nên nền văn hiến của đất nước này.

 

Đây là một cuốn sách công phu và khá đồ sộ với gần 900 trang in. Sách đề cập một cách tổng quan về nền giáo dục Nho học trong lịch sử của dân tộc, bao gồm những định lệ thi cử qua các triều đại từ triều Lý đến triều Nguyễn, cũng như tên tuổi, quê quán, công trạng... của 2.894 vị đỗ đại khoa (từ phó bảng đến trạng nguyên) trong lịch sử, từ người đỗ đầu tiên (Lê Văn Thịnh, 1075, Thái Ninh thứ tư đời Lý Nhân Tông) đến người đỗ cuối cùng trong lịch sử khoa cử Nho học (Hoàng Yến, 1919, Khải Định thứ 4).

 

Qua cuốn sách, người đọc dễ dàng bắt gặp những nhân vật mà tên tuổi của họ đã gắn với vận mệnh của quốc gia, dân tộc; gắn chặt với những thành tựu văn hóa của đất nước. Đó là những tên tuổi vang lừng như: Lê Văn Thịnh - vị thủ khoa khai khoa của nền khoa bảng nước nhà; Nguyễn Hiền - trạng nguyên 13 tuổi; Lê Văn Hưu - nhà sử học nổi tiếng; "Lưỡng quốc trạng nguyên" Mạc Đĩnh Chi; anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi; tiến sĩ Thân Nhân Trung với tuyên ngôn bất hủ "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia"; trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; thần đồng Lê Quý Đôn; Nguyễn Quý Đức - người có công lớn với nền văn hóa của dân tộc; Phạm Phú Thứ - đại thần cải cách; Phan Thanh Giản - vị tiến sĩ đầu tiên của Nam bộ; Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh v.v...

 

Đọc để tự hào và khâm phục ông cha, để hiểu, để yêu đất nước đã sản sinh ra nhiều nhân tài kiệt xuất, để thích thú trước một kỳ thi đình khi cả 3 vị đỗ tam khôi (trạng nguyên, bảng nhãn, thám hoa) mới chỉ là những thiếu niên từ 13 đến 16 tuổi. Đọc để yêu, để hiểu, để lý giải tại sao, cái gì đã tạo nên diện mạo văn hiến, truyền thống hiếu học của một vùng đất, một làng quê, một dòng họ. Đó là vùng Kinh Bắc cổ kính đã đóng góp cho đất nước 645 tiến sĩ và 17 trạng nguyên, chiếm gần 1/3 của cả nước. Đó là một ngôi làng như bao làng quê khác nhưng lại được gọi là "tiến sĩ sào" (tổ tiến sĩ) bởi chỉ riêng làng đã có 36 người đỗ đại khoa, trong đó dòng họ Vũ đã góp mặt tới... 30 người - làng Mộ Trạch (xã Tân Hồng, Cẩm Bình, Hải Dương hiện nay). Đó là những gia đình có truyền thống hiếu học như gia đình học Nguyễn Kim Đôi (xã Kim Chân, Quế Võ, Bắc Ninh hiện nay), chỉ trong 9 năm từ 1466 đến 1475, cả 5 anh em ruột đều đỗ tiến sĩ.

 

Đây là một cuốn sách bổ ích không những chỉ cho những người nghiên cứu, giảng dạy, những người làm công tác văn hóa, học sinh, sinh viên mà còn cho tất cả mọi người. Đọc để hiểu, để yêu, để trân trọng, cảm phục cha ông và rút ra những bài học có giá trị...

 

Vũ Trung Kiên

(*) Sách do Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi biên soạn, Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích