Báo Đồng Nai điện tử
En

Minh Anh - người "mê" lịch sử Trường mỹ thuật trang trí

10:09, 17/09/2008

Căn phòng riêng của Nguyễn Minh Anh trong ngôi nhà rộng rãi, tĩnh lặng nằm sâu trong một con hẻm ở phường Hố Nai khá lạ. Ở đó có đầy những hình ảnh, nhưng không phải hình các ngôi sao bóng đá hay thần tượng âm nhạc, điện ảnh như các bạn trẻ khác, mà là hình của... các thầy giáo ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Gian phòng khoảng 20m2 ấy đang chứa đựng cả lịch sử hơn 100 năm của trường bá nghệ đầu tiên ở Đông Dương.

Căn phòng riêng của Nguyễn Minh Anh trong ngôi nhà rộng rãi, tĩnh lặng nằm sâu trong một con hẻm ở phường Hố Nai khá lạ. Ở đó có đầy những hình ảnh, nhưng không phải hình các ngôi sao bóng đá hay thần tượng âm nhạc, điện ảnh như các bạn trẻ khác, mà là hình của... các thầy giáo ở Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Gian phòng khoảng 20m2 ấy đang chứa đựng cả lịch sử hơn 100 năm của trường bá nghệ đầu tiên ở Đông Dương.

 

* Bén duyên với... gốm

 

Cái "duyên" của Minh Anh với Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí đến khá trễ. Năm 2003, Minh Anh mới đầu quân vào khoa gốm của trường. Không phải là sinh viên xuất sắc của khoa, càng không phải là người giỏi trong nghề, nhưng những gì biết về lịch sử phát triển, cùng những thăng trầm của gốm Biên Hòa đã cuốn hút Minh Anh một cách kỳ lạ. Cậu sinh viên khoa Gốm bắt đầu nhen nhóm niềm đam mê sưu tập gốm Biên Hòa từ đó.

 

Minh Anh bên số sản phẩm gốm Biên Hòa đã sưu tập được.

 

Những chiếc bình, vò, dĩa, tượng, đồ trang trí thuộc dòng gốm Biên Hòa với màu men xanh đồng trổ bông đặc trưng, những chi tiết chạm khắc tỉ mỉ, tinh xảo cứ khiến cho chàng thanh niên trẻ mê mẩn đến quên ăn, quên ngủ. Với Minh Anh, đồng lương của một chuyên viên thiết kế và vẽ trang trí ở một công ty gốm không dư dả để có thể thực hiện ước muốn "gom" hết những sản phẩm gốm yêu thích về nhà. Vì vậy, để thỏa mãn niềm đam mê sưu tập này là điều không dễ dàng.

 

Những sản phẩm gốm Biên Hòa lừng lẫy một thời hiện nay không còn nhiều, giá trị của chúng vì thế càng tăng thêm khiến Minh Anh lắm phen phải "méo mặt" bởi túi tiền eo hẹp. Nhưng có những sản phẩm không phải có tiền là mua được bởi chúng gần như là "hàng độc", hoặc chủ nhân của chúng vì những lý do riêng mà không muốn bán, Minh Anh phải năn nỉ ỉ ôi, tới lui lên xuống rất nhiều lần mà rốt cuộc cũng đành bó tay.

 

Hiện Minh Anh đang lưu giữ một số sản phẩm gốm Biên Hòa rất có giá trị như chiếc dĩa gốm tinh xảo có đường kính 40cm, được sản xuất khoảng thập niên 1940 - 1950; hay chiếc bình lọc nước được vẽ tay và trang trí rất công phu, cầu kỳ và mỹ thuật, vốn được dành cho các gia đình giàu có thời trước.

 

* Bộ sưu tập quý giá

 

Đầu năm 2007, một bước ngoặt lớn khác đến với Minh Anh khi được gặp thầy Nguyễn Văn Thông, nguyên trưởng khoa gốm của trường. Ngoài lòng yêu mến thiết tha với nghề gốm, thầy Thông còn là một "kho" tư liệu về lịch sử của trường. Những câu chuyện kể của thầy đã tạo ra một cái nhìn khác hẳn về ngôi trường mà Minh Anh từng theo học.

 

Ban đầu Minh Anh chỉ dự định tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của một số họa sĩ từng là giáo viên của trường, như: Đan Hoài Ngọc, Lê Văn Mậu, Nguyễn Văn Thận. Nhưng sau đó, trong quá trình tìm kiếm các tư liệu, Minh Anh phát hiện ra một điều: những thầy cô thuộc lớp tiền bối, những người gắn liền với lịch sử hơn 100 năm của trường nay đã quá lớn tuổi, có người đã xấp xỉ ngoài 90 như thầy Đỗ Văn Trầm, thầy Nguyễn Văn Hai. Nếu không kịp thời lưu giữ thì những thông tin, tư liệu vô cùng quý giá có nguy cơ sẽ mất đi vĩnh viễn. Thế là từ đó, Minh Anh quyết định bắt tay vào nghiên cứu, sưu tầm tất cả những gì có liên quan đến lịch sử của Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

 

Nói thì dễ, nhưng khi bắt tay vào việc thì rất cam go. Qua thời gian, hầu hết các thầy cô ngày xưa đều không rõ tung tích. Phải thật kiên trì, lần mò từng đầu mối một như gỡ cuộn len bị rối tung, hỏi thăm hết người này đến người khác, đi lại rất nhiều lần, Minh Anh mới có được những thông tin, tư liệu cần thiết. Bộ sưu tập của Minh Anh từ lúc ấy ngoài những sản phẩm gốm Biên Hòa, còn có thêm những gì liên quan đến trường như sách, báo, hình ảnh cho đến các văn bản, lệnh bổ nhiệm, bằng Chương Mỹ bội tinh, bút tích của ông hiệu trưởng Balick - người có công phát minh ra màu men xanh đồng trổ bông nổi tiếng, làm nên thương hiệu riêng cho gốm Biên Hòa... Có những tấm ảnh cực hiếm, ngay cả trong quyển kỷ yếu nhân dịp 100 năm thành lập trường cũng không có được, như tấm ảnh chụp ông bà Balick cùng một số giáo viên, nhân viên của trường. Có những hiện vật "độc nhất vô nhị" mà ngay cả Bảo tàng Đồng Nai cũng rất "thèm", như chiếc rương đồ nghề của thầy Đặng Văn Quới, hiệu trưởng người Việt đầu tiên của trường.

 

Minh Anh kể, có những thứ mà chỉ cần đến chậm một ngày sẽ không còn bởi người sở hữu định đem ra vứt bỏ và có những tư liệu vừa được ghi chép xong thì người kể cũng qua đời vì tuổi cao sức yếu. Hồi nghe tin các ông Ba Dữa (Đinh Quang Dữa), Hai Bồi (Nguyễn Văn Hai) - những người gắn bó rất nhiều trong quá trình tìm kiếm thông tin qua đời, Minh Anh cứ bần thần, ngơ ngẩn như mất một người thân. Chính vì thế, Minh Anh càng trân trọng hơn với những gì mình đang cất giữ.

Chỉ riêng về hình ảnh, hiện Minh Anh đang có khoảng 350 tấm ảnh tư liệu về trường, còn về hiện vật và tài liệu ghi chép thì không sao nhớ nổi. Tất cả đều được lưu trữ thận trọng, kỹ lưỡng và rất khoa học. Nhìn Minh Anh say mê "thuyết minh" về những gì nghiên cứu và lưu giữ, ngắm số "tài sản" được sưu tầm, chúng tôi không thể ngờ được đó là chàng trai mới ngoài 20 tuổi.

 

Nói về sở thích, đam mê khá "kỳ lạ" của mình, Minh Anh bảo không thể lý giải được. "Chỉ biết rằng đối với những gì gọi là di sản văn hóa của người đi trước, thế hệ đi sau như mình phải biết bảo tồn, gìn giữ, đừng để đến lúc mất đi rồi mới mới nói câu: tiếc quá… Trong quá trình hình thành và phát triển, Đồng Nai mình có một bề dày văn hóa rất đáng nể. Ước mơ của em là sau này có điều kiện sẽ mở rộng nghiên cứu, sưu tầm những gì thuộc về văn hóa Đồng Nai"- Minh Anh bộc bạch như thế.

 

Thanh Thúy

 

 

Tin xem nhiều
Xem ngay đồ để bàn thờ gia tiên cao cấpShop Tượng decor trang trí ở Hà Nội