Báo Đồng Nai điện tử
En

Mái ấm của những hoàn cảnh khó khăn, mảnh đời bất hạnh

11:09, 05/09/2008

Không phải là một mái ấm tình thương, cũng không phải là một địa chỉ chữa bệnh chuyên nghiệp nhưng nhiều năm qua Tịnh xá Bửu Sơn (xã Ngọc Định, huyện Định Quán) đã như một mái ấm cho những cô nhi và những mảnh đời cơ nhỡ, không nơi nương tựa.

Không phải là một mái ấm tình thương, cũng không phải là một địa chỉ chữa bệnh chuyên nghiệp nhưng nhiều năm qua Tịnh xá Bửu Sơn (xã Ngọc Định, huyện Định Quán) đã như một mái ấm cho những cô nhi và những mảnh đời cơ nhỡ, không nơi nương tựa.

 

Nhìn những nụ cười hồn nhiên trên khuôn mặt của các em, không ai có thể nghĩ rằng các em đang thiếu tình thương của cha mẹ. Bởi, ngày qua ngày, các sư thầy, sư cô tại đây đã nuôi dưỡng và sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh ấy bằng chính tấm lòng của mình.

 

Mỗi một mảnh đời khi được đưa về đây đều là một hoàn cảnh thương tâm: bị cha mẹ bỏ rơi, không còn người thân hay gia đình không đủ khả năng để nuôi dưỡng... Như hai bé Trần Quốc Hòa, Trần Quốc Hảo được tịnh xá nhận nuôi khi mới 6 ngày tuổi. Cả hai bị mẹ bỏ rơi vì không đủ khả năng nuôi dưỡng sau lần lầm lỗi khi tuổi đời mẹ của các bé còn quá trẻ. Với tấm lòng thương yêu và sự chăm sóc tận tình của các sư thầy, sư cô tại đây, nay hai bé đã gần 2 tuổi và rất khỏe mạnh. Nhưng không riêng gì hai bé Hòa và Hảo mà 21 cô nhi tại đây cũng đều nhận được tình thương yêu này.

 

Bên cạnh việc nuôi dưỡng, tịnh xá còn tạo điều kiện để các em học hành đến nơi đến chốn. Gần 20 năm từ ngày nhận nuôi trẻ, đến nay nhiều em đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn quay trở về tịnh xá để cùng sư thầy, sư cô chăm lo cho các em nhỏ, các cụ già và làm nhiều công việc từ thiện khác. Những cụ già cũng được tịnh xá đưa về nuôi dưỡng nhiều năm qua. Họ có những hoàn cảnh thương tâm: con cái không nuôi dưỡng, không có người thân, hoặc là nạn nhân chất độc da cam.

 

Nằm trong khuôn viên tịnh xá là một phòng thuốc nam từ thiện, ra đời đã khá lâu. Từ phòng thuốc nam này, đã có rất nhiều bệnh nhân trong và ngoài huyện được điều trị. Phòng thuốc hiện làm việc vào hai ngày thứ 7 và chủ nhật mỗi tuần. Phòng thuốc có 1 thư ký, 3 thầy bốc thuốc chính và 2 nhân viên gói thuốc. Vào những lúc đông bệnh nhân, có thêm một số phật tử đến giúp. Mỗi ngày mở cửa, nơi đây khám và điều trị cho 300 - 400 bệnh nhân. Anh Đoàn Phi Hùng, một bệnh nhân đến từ huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận) cho biết: "Tôi đã đến đây khám bệnh và bốc thuốc nhiều lần. Bên cạnh việc điều trị có kết quả, tôi còn ấn tượng bởi sự tận tình, chu đáo của nhà chùa".

 

Để duy trì tốt các hoạt động từ thiện tại tịnh xá, các sư thầy, sư cô đã tham gia sản xuất nông nghiệp, đồng thời được sự hỗ trợ từ các mạnh thường quân ở trong và ngoài huyện. Nguồn kinh phí này tuy chưa đủ để trang trải tất cả chi phí, nhưng Tịnh xá Bửu Sơn vẫn cố gắng duy trì tốt hoạt động của mình. Hiện cơ sở vật chất tại tịnh xá tương đối khang trang và đầy đủ. Ngoài nơi thờ cúng, tịnh xá còn xây dựng 6 phòng ở dành cho cô nhi, 10 phòng dưỡng lão và 4 phòng dành cho bệnh nhân lưu trú. Những việc làm đầy ý nghĩa xã hội của Tịnh xá Bửu Sơn đã chung tay góp sức sưởi ấm cho những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh khó khăn...

Tuyết Hải

Tin xem nhiều