Báo Đồng Nai điện tử
En

"Làng ta ca hát" phát huy hiệu quả

11:09, 19/09/2008

Từ một hoạt động mang tên "Làng vui chơi, làng ca hát" của Đài Truyền hình Việt Nam, năm 2001, Trung tâm văn hóa - thông tin Đồng Nai đã thử nghiệm xây dựng một chương trình văn nghệ do địa phương tổ chức.

Từ một hoạt động mang tên "Làng vui chơi, làng ca hát" của Đài Truyền hình Việt Nam, năm 2001, Trung tâm văn hóa - thông tin Đồng Nai đã thử nghiệm xây dựng một chương trình văn nghệ do địa phương tổ chức.

 

* Thử nghiệm và nhân rộng mô hình

 

Tiến sĩ văn hóa dân gian Huỳnh Văn Tới là người viết kịch bản và trực tiếp chỉ đạo nghệ thuật. Kịch bản đầu tiên có tên là "Làng kháng chiến thi tài". Đơn vị thể hiện là phường Bình Đa (TP.Biên Hòa) và xã Bảo Vinh (TX.Long Khánh). Hai đơn vị này đều là địa danh anh hùng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Trong trò chơi có các loại hình thi tài, đó là: những ca khúc thời kỳ kháng chiến; các trò chơi  dân gian hoặc sáng tạo mới nảy sinh trong hoạt động thời kháng chiến. Mỗi địa phương cử ra một đội khoảng 10 -15 người. Thí sinh phải thể hiện được tài năng qua các hoạt động: vừa hát, vừa cáng võng và xâu kim trên nền tập thể hát nhạc truyền thống cách mạng; leo cây hái trái; đi cầu khỉ, đi cà kheo, bịt mặt vẽ hình...

 

Các đội tham gia "Làng vui chơi, làng ca hát" diễn ra tại huyện Tân Phú.

Cuộc thi tài đầu tiên diễn ra trong khuôn viên ngôi đình cổ ở trung tâm TX.Long Khánh. Khán giả đến xem đông nghẹt. Cuộc đua tài diễn ra thật sôi nổi, hai bên đều "ăn miếng trả miếng". Kết thúc hội thi, hai bên trao đổi kinh nghiệm, tặng nhau khăn rằn, võng, cà kheo làm kỷ niệm...

 

Mô hình "Làng ta ca hát", "Làng kháng chiến thi tài" đến nay đã nhân rộng đến các xã, phường ở Long Khánh, Biên Hòa, Xuân Lộc...

 

Phần kịch bản cũng được rút kinh nghiệm từ thực tế để bổ sung, mở rộng thêm các loại hình theo 4 tiêu chí: Phần văn nghệ gồm những bài hát, diễn tấu nhạc cụ dân gian, khuyến khích dân ca các vùng miền, ca cổ, hát chèo; tấu nhạc thì khuyến khích các nhạc cụ dân tộc như: đàn tranh, đàn cò, đàn môi, khèn, sáo... Đơn vị nào tự sáng tác nội dung mới trên nền ca dao, thơ, ca, hò, vè... đều được thêm điểm. Phần trò chơi, chọn những trò chơi dân gian như bịt mắt bắt vịt, bắn ná, dệt vải, đi cà kheo đá bóng, giã gạo, câu cá. Phần ẩm thực, chọn các trò thi vừa đi vừa nấu cơm (thực đơn có 3 món chính: canh, kho, xào) và xếp mâm ngũ quả. Kết thúc phần ẩm thực có chấm điểm và bình xét mỗi món ăn dự thi. Phần trình diễn trang phục truyền thống, chọn trang phục truyền thống tiêu biểu của các dân tộc Chơ Ro, Mạ, Chăm, Khơ Me, Kinh; các trang phục của nam, nữ trong lao động sản xuất, đi làm, đi chơi. Mỗi lượt trình diễn đều có phần giới thiệu nét đặc sắc của mỗi trang phục...

 

* Để quần chúng có dịp tham gia

 

Hiện nay, cường độ lao động của người dân ngày càng cao. Mức sống xã hội nhìn chung được nâng lên, các phương tiện thông tin, văn hóa - văn nghệ, giải trí ngày càng nhiều. Tuy nhiên, việc tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm lớn của cả nước và của địa phương thường chỉ có đại biểu nhân dân tham dự. Nghi thức lễ là nội dung chủ yếu, các hình thức hội hè vui chơi rất ít, hầu như không có. Trong tình hình đó, "Làng ta ca hát" vừa tạo sinh hoạt hội hè trực tiếp từ nhu cầu của người dân, thể hiện theo cách của dân để vừa vui chơi giải trí, vừa giới thiệu những nét đẹp của văn hóa vùng miền, địa phương, dân tộc, qua đó gợi mở, giúp cho người dân có ý thức sưu tầm, gìn giữ và phát huy văn hóa dân tộc vào cuộc sống đương đại.

 

Các địa phương nên có chủ trương và tạo điều kiện thuận lợi cho hình thức "Làng ta ca hát" được tổ chức thường niên, bài bản, hiệu quả để quần chúng có dịp tham gia sinh hoạt, vui chơi giải trí, giao lưu và có điều kiện gìn giữ, sáng tạo các giá trị văn hóa. Thông qua mô hình này, việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa được mở rộng, tạo thêm nhiều hình thức mới trong sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân. Ngành văn hóa không chỉ đưa các hình thức văn hóa - văn nghệ đã xây dựng sẵn để phục vụ mà nên nghiên cứu, phục dựng lại không gian văn hóa - xã hội, tạo điều kiện cho người dân có điều kiện sinh hoạt, giao lưu, bảo tồn các giá trị văn hóa và thắt chặt tình đoàn kết các dân tộc.

 

Nguyễn Quyết

 

Tin xem nhiều