Báo Đồng Nai điện tử
En

Làng Bến Cá - cái nôi của phong trào cách mạng ở Biên Hòa

09:09, 15/09/2008

Làng Bến Cá xưa - nay là vùng Tân Triều, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng ở tỉnh Biên Hòa. Nơi đây ghi nhiều dấu ấn, sự kiện của phong trào đấu tranh cách mạng trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Làng Bến Cá xưa - nay là vùng Tân Triều, thuộc xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng ở tỉnh Biên Hòa. Nơi đây ghi nhiều dấu ấn, sự kiện của phong trào đấu tranh cách mạng trước Cách mạng tháng Tám 1945.

 

* Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên

 

Năm 1933, sau một thời gian tạm lánh sự truy lùng của địch, đồng chí Lưu Văn Viết (Tư Chà), quê quận Châu Thành trở về hoạt động, xây dựng cơ sở cách mạng. Tại Bến Cá, đồng chí Lưu Văn Viết đã kết nạp một số thanh niên ưu tú như Huỳnh Văn Phan, Lưu Văn Văn... vào tổ chức Đảng.

 

Đầu năm 1935, đồng chí Hoàng Minh Châu (tự Vỹ) quê ở Tiền Giang, được Liên Tỉnh ủy miền Đông cử về Biên Hòa hoạt động cách mạng. Tại đây, đồng chí bắt liên lạc với Lưu Văn Viết để tiến hành thành lập chi bộ Đảng. Vào tháng 2-1935, tại nhà đồng chí Huỳnh Văn Ngọc (Năm Ông), diễn ra buổi họp thành lập Chi bộ Đảng. Đồng chí Hoàng Minh Châu làm bí thư, Huỳnh Văn Phan làm phó bí thư. Chi bộ Đảng lấy tên gọi là Chi bộ Bình Phước - Tân Triều, vì số đảng viên phần lớn từ địa bàn hai xã này. Đây là chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Biên Hòa, hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng và nòng cốt cho việc thành lập Tỉnh ủy lâm thời Biên Hòa 2 năm sau đó.

 

Trong thời gian từ năm 1936 đến 1939, các tổ chức cách mạng ở Bến Cá có những hoạt động sôi nổi. Ủy ban hành động được thành lập dưới sự chỉ đạo của tổ chức Đảng để tập hợp lực lượng quần chúng. Thư viện bình dân cũng được thành lập tại vùng Bình Ý - là trụ sở của Ủy ban hành động, đồng thời là nơi tuyên truyền, phát hành báo chí cách mạng đến với người dân.

 

* Cuộc mít tinh đầu tiên ở Biên Hòa

 

Tháng 11-1938, cuộc mít tinh đầu tiên của Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa do những người cộng sản lãnh đạo được tổ chức tại vùng Gò Dê, Bình Ý có trên 200 người tham dự. Lần đầu tiên, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa - đại diện Ủy ban hành động Biên Hòa diễn thuyết, kêu gọi nhân dân đòi quyền dân chủ, dân sinh, được tự do làm ăn, hội họp, tự do đi lại, tự do báo chí, bỏ thuế thân, giảm thuế... Lợi dụng dịp kỷ niệm ngày đình chiến và chống phát-xít, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa làm đơn xin tổ chức mít tinh. Chính quyền lúc bấy giờ tìm cách ngăn cấm nhưng cuối cùng cũng không ngăn cản được. Sự phối hợp ngăn cấm của  chính quyền thực dân đương thời rất quyết liệt với việc thống đốc Nam Kỳ yêu cầu Tỉnh trưởng Biên Hòa tìm mọi cách cấm tổ chức mít-tinh. Cuộc mít-tinh đã biến thành một cuộc biểu tình lớn. Cuộc biểu tình kết thúc thắng lợi. Vùng Bình Ý - Tân Triều được chính quyền thực dân thuộc địa Pháp gọi là làng Cộng sản. Đây là cuộc mít tinh, biểu tình đầu tiên trên địa bàn Biên Hòa trong cao trào đấu tranh dân sinh, dân chủ tại Châu Thành - Biên Hòa; góp phần cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh chung của tỉnh Biên Hòa.

 

* Người chiến sĩ cộng sản kiên trung

 

Trong phong trào đấu tranh cách mạng ở Bến Cá nói riêng, của tỉnh Biên Hòa trước Cách mạng tháng Tám 1945 nói chung, nổi lên hình ảnh tiêu biểu của người chiến sĩ Nguyễn Văn Nghĩa. Ông còn có tên là Xượt, sinh năm 1909, tại làng Bình Ý, thuộc xã Tân Bình ngày nay. Nguyễn Văn Nghĩa có điều kiện học hành và tham gia nhiều phong trào yêu nước thời bấy giờ. Sớm giác ngộ, Nguyễn Văn Nghĩa chuyển truyền đơn, cờ búa liềm về Biên Hòa nhằm gây dựng phong trào cách mạng. Nguyễn Văn Nghĩa đã tập hợp được quần chúng nhân dân đấu tranh với kẻ thù. Tiêu biểu là cuộc mít tinh, biểu tình tại Gò Dê - Bình Ý. Khi thực dân Pháp khủng bố gắt gao phong trào cách mạng, Nguyễn Văn Nghĩa là Chủ tịch Ủy ban hành động tỉnh Biên Hòa, bị bắt và đưa đi đày tại Bà Rá. Sau đó, đồng chí bị chính quyền thuộc địa quản thúc.

 

Trước những ngày sôi động của cuộc khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, tại Biên Hòa, với uy tín của mình, Nguyễn Văn Nghĩa huy động hàng  trăm người dân tiến vào Tòa bố Biên Hòa treo cờ đỏ sao vàng. Sau đó, các đồng chí của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh đã buộc chính quyền địch bàn giao chính quyền về tay nhân dân.

 

Bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa được cử làm Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh tỉnh Biên Hòa. Trong một chuyến công tác năm 1946, Nguyễn Văn Nghĩa bị quân Pháp bắt. Biết đồng chí là đảng viên, giữ cương vị cao ở Biên Hòa và là một trí thức, địch dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo, mua chuộc và trấn áp nhưng không được. Cuối năm 1946, thực dân Pháp đưa Nguyễn Văn Nghĩa ra xử bắn tại cầu Ghềnh. Nguyễn Văn Nghĩa hy sinh anh dũng, nêu gương sáng của một người chiến sĩ cộng sản trung kiên. Trong kháng chiến chống Pháp, đơn vị vũ trang huyện Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa bấy giờ vinh dự lấy tên của đồng chí đặt cho đơn vị: đại đội Nguyễn Văn Nghĩa. Hiện nay, tên của đồng chí được đặt tên cho một con đường của Biên Hòa.

 Đinh Huyền Phan

Tin xem nhiều