Báo Đồng Nai điện tử
En

Công viên 17-3 (huyện Định Quán): Bao giờ mới thực sự là điểm đến của người dân?

11:09, 10/09/2008

Một công viên vinh dự mang tên ngày giải phóng của địa phương, được đầu tư kinh phí lớn, có khuôn viên rộng hàng ngàn mét vuông, lại nằm ngay trung tâm thị trấn Định Quán, thế nhưng Công viên 17-3 vẫn chưa thực sự là điểm đến của người dân địa phương...

Một công viên vinh dự mang tên ngày giải phóng của địa phương, được đầu tư kinh phí lớn, có khuôn viên rộng hàng ngàn mét  vuông, lại nằm ngay trung tâm thị trấn Định Quán, thế nhưng Công viên 17-3 vẫn chưa thực sự là điểm đến của người dân địa phương...

 

* Cỏ dại mọc đầy, dân ngại đến

 

Trên tuyến xe buýt đi từ Biên Hòa đến Định Quán, khi nghe chúng tôi hỏi, cả bác tài lẫn tiếp viên - những người được coi là "người chỉ đường trên xe" - cũng đành chịu, không biết Công viên 17-3 nằm ở đâu trên địa bàn thị trấn miền núi nhỏ bé này. Và đến khi đứng trước cổng Công viên 17-3 - gần trụ sở của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của huyện - chúng tôi vẫn còn cảm thấy khá bất ngờ trước những gì mắt thấy tai nghe.

 

Một góc hoang tàn của Công viên 17-3.

 

Đập vào mắt chúng tôi là một quang cảnh hoang vắng. Các mái che, nhà lồng rách trơ sườn sắt. Cỏ dại mọc dày đặc nhiều nơi, che  khuất  tầm nhìn. Rác thải cũng có mặt ở khắp nơi. Trong công viên có CLB patin và khu vui chơi giải trí cho thiếu nhi với các trò chơi như: xích đu, xe lửa, thú nhựa... nhưng cũ kỹ, chưa được đầu tư  mới. Đặc biệt, ngay tại cổng ra vào công viên, cỏ dại đua nhau mọc lên che khuất tên công viên. Nổi bật trong khuôn viên Công viên 17-3 là một tòa nhà mới được xây dựng khang trang xong để làm... nhà dịch vụ!

 

Quang cảnh nhếch nhác đã đành, điều khiến chúng tôi e ngại hơn khi thấy ngay giữa ban ngày mà một nhóm thanh niên nằm ngủ ngay tại nhà lều của công viên. Thấy có người đến, nhóm thanh niên này vẫn ngang nhiên cởi trần nằm nhìn chúng tôi, rồi lại tiếp tục... ngủ.

 

Nói về tình hình an ninh trật tự tại công viên, chị Phạm Thị Ngọc Liên, ngụ tại khu phố 3, ấp Hiệp Tân, thị trấn Định Quán, cho chúng tôi biết: "Thường vào công viên này là mấy cặp tình nhân, học sinh trốn học hoặc thanh thiếu niên đi bụi, hoặc đối tượng tệ nạn xã hội, hút chích. Công viên hoang vắng, cỏ mọc dày nên người dân bình thường ngại đến đây. Tôi ở gần, muốn đến nơi này tập thể dục nhưng cũng còn ngại".

 

Trước tình trạng này, điều người dân địa phương không muốn đến, và họ càng không muốn cho con em mình lui tới công viên. Và cũng chính bởi địa phương có rất ít nơi vui chơi giải trí lành mạnh, nên một số trẻ em lại phải tìm đến game online, đi tắm sông, tắm hồ, hoặc tham gia những trò chơi không phù hợp với lứa tuổi để rồi dễ tiêm nhiễm các thói hư tật xấu. Chị Hồ Thị Hoài, ngụ tại khu phố 3, ấp Hiệp Tân 1, tâm sự: "Gia đình tôi có hai con nhỏ. Mặc dù nhà nằm ngay sát công viên nhưng gia đình không dám cho chúng vào chơi vì ở đây tệ nạn xã hội nhiều, nhất là vào ban đêm. Thêm vào đó, phía sau công viên lại không có điện nên rất tối và nguy hiểm".

 

* Để là một công viên đúng nghĩa

 

Việc từ khi xây dựng xong cho đến nay, Công viên 17-3 không giữ đúng chức năng công viên văn hóa đã được bà con địa phương phản ánh từ lâu. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn chưa  được  cải thiện. Trước đây công viên thuộc sự quản lý của Phòng Văn hóa - thông tin huyện. Nhưng trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, bà Mai Thị Liên, Trưởng phòng Văn hóa - thông tin huyện chỉ cho biết:  "Từ đầu tháng 9 -2008,  đơn vị của tôi không còn quản lý công viên này nữa!".

 

Thanh thiếu niên nằm ngủ tại nhà lều của công viên.

 

Chúng tôi đành mang "thắc mắc không biết hỏi ai" đến UBND huyện Định Quán. Ông Võ Văn Phước, Phó chủ tịch UBND huyện đã cho biết rõ hơn: Khi xây dựng xong công viên này, Phòng Văn hóa - thông tin được giao nhiệm vụ quản lý. Công viên có 4 nhân viên bảo vệ làm nhiệm vụ. Vừa rồi, huyện đầu tư xây dựng nhà dịch vụ trong công viên và đã tiến hành đấu thầu. Kết quả, Trường đại học Hồng Bàng (TP.Hồ Chí Minh) trúng thầu. Địa phương đã bàn giao trách nhiệm quản lý công viên cho trường. Trường sẽ đưa nhà dịch vụ vào kinh doanh, cũng như phục vụ sinh viên của trường đi dã ngoại v.v... Nhưng công viên này sẽ vẫn tiếp tục được củng cố, mở rộng cửa để nhân dân địa phương đến vui chơi giải trí. Ông Phước cho biết, dĩ nhiên cần phải có thời gian để công viên được củng cố và đi vào hoạt động hiệu quả.

 

Một địa điểm vui chơi giải trí, sinh hoạt tập thể lành mạnh cho bà con địa phương là vấn đề đòi hỏi các ngành, các cấp không thể không quan tâm. Điều người dân địa phương mong mỏi là trong thời gian sớm nhất, công viên này sẽ được củng cố, chấn chỉnh các hoạt động để  thực sự là điểm đến an toàn, bổ ích của mọi người...

    Lâm Viên

 

 

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích