Nhà văn Sơn Nam đã qua đời vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 13-8 tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, thọ 83 tuổi. Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ tối nay. Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ sáng nay (14-8-2008) tại Nhà tang lễ Thành phố, 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Lễ truy điệu diễn ra và lúc 5 giờ 30 sáng thứ 7 (16-8-2008), lễ động quan vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày.
Nhà văn Sơn Nam đã qua đời vào lúc 12 giờ 30 phút ngày 13-8 tại Bệnh viện nhân dân Gia Định, thọ 83 tuổi. Lễ nhập quan sẽ diễn ra vào lúc 20 giờ tối nay. Lễ viếng bắt đầu từ 10 giờ sáng nay (
14-8-2008) tại Nhà tang lễ Thành phố, 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP.Hồ Chí Minh. Lễ truy điệu diễn ra và lúc 5 giờ 30 sáng thứ 7 (16-8-2008), lễ động quan vào lúc 6 giờ sáng cùng ngày.
Nhà văn Sơn Nam tên thật là Phạm Minh Tày, sinh năm 1926 tại Kiên Giang. Hơn nửa thế kỷ nay, từ thập niên 50, nhà văn Sơn Nam được giới văn học cả nước biết đến như một tài năng của văn chương Nam bộ. Ông không những là một nhà văn, mà còn được đánh giá cao như một nhà Nam bộ học, một nhà văn hóa. Ông được ví như một pho sử liệu sống về văn hóa, lịch sử, con người vùng đất phương Nam thời khẩn hoang.
Nhà văn Sơn Nam đã có nhiều tác phẩm rất có giá trị cho việc tìm hiểu về vùng đất Nam bộ, như: Ấn tượng 300 năm, Bến Nghé xưa, Cá tính miền Nam, Danh thắng miền Nam, Đất Gia Định xưa, Đồng bằng sông Cửu Long - Nét sinh hoạt xưa, Giới thiệu Sài Gòn xưa, Lịch sử An Giang, Lịch sự khẩn hoang miền Nam, Người Sài Gòn, Tiếp cận đồng bằng sông Cửu Long, Tìm hiểu đất Hậu Giang, Văn minh miệt vườn... Ở thể loại sáng tác, ông cũng có khoảng 20 sáng tác gắn liền với bối cảnh miền Nam rất có giá trị. Ông thành công ở nhiều thể loại với những tác phẩm tiêu biểu là: Bà Chúa Hòn (tiểu thuyết), Xóm Bàu Láng (truyện dài), Hình bóng cũ, Chuyện tình một người thường dân, Âm dương cách trở, Ngôi nhà mặt tiền... (các truyện vừa). Đặc biệt ở truyện ngắn, ông có hàng trăm truyện ngắn, có thể kể như : Bác vật xà bông, Bắt sấu rừng U Minh Hạ, Bốn cái ngu, Bức tranh con heo, Cây huê xà, Chuyện rừng tràm, Con heo khịt, Con rắn ri voi, Con sấu cuối cùng, Con trích ré, Cô Út về rừng, Đại chiến với thầy Chà, Đảng cánh buồm đen, Hai viên Ngọc, Hát bội giữa rừng, Hòn Cổ Tron, Hội ngộ bến Tầm Dương, Hồn người trong li rượu, Hương rừng, Miễu Bà Chúa Xứ, Mối tình... đầm lai, Một cuộc biển dâu, Một kiểu anh hùng, Mùa len trâu, Ông Bang cà ròn, Ruộng Lò Bom, Sông Gành Hào, Tháng chạp chim về... (trong "Hương rừng Cà Mau"); Cấm bắt rùa, Con bà Tám, Con cá chết dại, Đường về quê, Hai cõi U Minh, Kéo trúm, Lũ trẻ chăn trâu, Mây trời và rong biển, Một chuyện khó tin, Một người hàng xóm, Ngày hội ba khía, Ngày xưa tháng Chạp, Ngó lên sở Thượng, Người đi đêm, Trong lòng bàn tay, Tục lệ ăn trộm, Vẹt lục bình, Vọc nước giỡn trăng... (trong "Biển cỏ miền Tây"). Đặc biệt, 4 tập hồi ký về cuộc đời của ông gắn liền với bối cảnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng Sài Gòn, Gia Định gây tiếng vang là: Từ U Minh đến Cần Thơ, Ở chiến khu 9, Hai mươi năm giữa lòng đô thị, Bình an.
Nhà văn Sơn Nam cũng có nhiều tác phẩm được dựng thành phim, tiêu biểu như: Mùa len trâu, Cây huê xà. Đặc biệt, bộ phim Mùa len trâu chuyển thể từ tác phẩm Mùa len trâu và Một cuộc biển dâu trong tập truyện Hương rừng Cà Mau của ông đã đạt giải Bông sen bạc trong LHP VN lần thứ 15 và rất nhiều giải thưởng điện ảnh quốc tế như giải FIPRESCU tại Liên hoan phim Palm Springs, đạo diễn xuất sắc tại Liên hoan phim Chicago (Mỹ) và tại Liên hoan phim Cape Town (Nam Phi), Kỳ Lân Vàng - giải thưởng cao nhất cho phim truyện nhựa tại Liên hoan phim Amiens (Pháp), giải Đặc biệt tại Liên hoan phim Amazonas (Brazil) và giải quay phim hay nhất tại LHP châu Á Thái Bình Dương lần thứ 50.
P.V