Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (CĐDC) 10-8, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn trong cuộc sống.
Nhân ngày Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam (CĐDC) 10-8, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động giúp đỡ các gia đình nạn nhân có hoàn cảnh hết sức khó khăn trong cuộc sống.
* Chia sẻ với các gia đình nạn nhân
Trong buổi nhận nhà tình thương, bà Điểu Thị Lã (ngụ ấp Đức Thắng 2, xã Túc Trưng, huyện Định Quán) đã khóc khi cầm quyết định bàn giao nhà do Công ty TNHH thương mại - dịch vụ tin học Gia Tuấn ở phường 11, quận Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh tài trợ 15 triệu đồng. Bà Lã có con trai thứ sáu là Điểu Thảo, 14 tuổi, bị bại não, bại liệt vì di chứng từ CĐDC. Khi nằm, Thảo chỉ như khối thịt biết cục cựa. Còn lúc được ẵm bồng, cơ thể em lúc nào cũng chực bổ nhào xuống đất. Chứng kiến cảnh người anh khó nhọc bế đứa em bệnh tật, đại diện đơn vị tài trợ bức xúc cho biết: "Chúng tôi là đơn vị kinh doanh nhỏ, nhưng nhận thấy nạn nhân CĐDC rất cần sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Qua Hội Nạn nhân CĐDC Đồng Nai, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, khi có điều kiện thì sẽ dành một chút quà để giúp đỡ các gia đình nạn nhân đang gặp khó khăn, thiếu thốn".
Ở Đồng Nai, một trong những đơn vị làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ nạn nhân CĐDC, đó là Hội Nạn nhân CĐDC huyện Định Quán. Mặc dù mới thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 4-2008 đến nay, nhưng Hội Nạn nhân CĐDC Định Quán đã thực hiện nhiều đợt đi thăm và tặng quà cho các gia đình nạn nhân trên địa bàn với tổng số tiền trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, Hội còn xây tặng 6 nhà tình thương. Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Định Quán Trương Thị Nguyệt cho biết: "Do không có kinh phí nên để có điều kiện giúp đỡ các gia đình nạn nhân, Hội phải đi "gõ cửa" các mạnh thường quân, các nhà tài trợ. Hầu hết những cơ sở kinh doanh đều có tấm lòng nhân ái nên sẵn sàng hỗ trợ xây nhà tình thương, hoặc giúp vốn để gia đình nạn nhân có điều kiện sản xuất như chăn nuôi, trồng trọt". Chỉ tính riêng số tiền các cơ quan, đơn vị và cá nhân đóng góp, ủng hộ nạn nhân CĐDC ở huyện Định Quán, đến nay đã lên đến hơn 170 triệu đồng. Số tiền này Hội sẽ cân đối để phân bổ đến các gia đình nạn nhân CĐDC đang gặp khó khăn. "Thực ra, tất cả các gia đình có con em bị nhiễm CĐDC đều rất nghèo khó. Họ không có điều kiện phát triển kinh tế; không có tiền bạc để chăm sóc, chữa trị bệnh tật cho con cái. Cho nên, nghèo đói luôn đeo bám những gia đình này. Sự nghèo khó đối với các gia đình nạn nhân CĐDC không thể tính bằng tháng, bằng năm, mà là khoảng thời gian không thể đếm được. Chính vì thế, các gia đình rất cần được sự giúp đỡ cụ thể từ nhiều phía, cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó chính là điểm mà chúng tôi quan tâm, để có kế hoạch công tác cụ thể trong thời gian tới..." - bà Nguyệt nhấn mạnh.
* Tạo điều kiện để gia đình nạn nhân ổn định đời sống
Nói về những tấm lòng nhân ái, Phó chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho rằng, đã có nhiều đơn vị mỗi năm đều đóng góp hàng trăm triệu đồng cho nạn nhân CĐDC. Chẳng hạn như Hội Người Việt Nam tại Bỉ, từ năm 2002 đến nay đều tổ chức quyên góp rồi gửi về Việt Nam hàng chục ngàn Euro/năm để giúp đỡ các gia đình nạn nhân CĐDC. Hay như Công ty liên doanh dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (Anco), mới đây, chỉ trong một tháng phát động trong đội ngũ công nhân viên của mình, đã dành 500 triệu đồng để xây nhà tình thương cho nạn nhân CĐDC ở Đồng Nai và Vĩnh Long. Cũng từ công ty này, chương trình "Vượt khó cùng Anco" ra đời với mô hình thí điểm tặng heo cho nạn nhân CĐDC. Trong 6 tháng đầu năm 2008, Công ty Anco đã giúp 5 gia đình ở các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Trảng Bom và Định Quán mỗi gia đình 4 con heo 12 -15kg. Thức ăn cho heo cũng được công ty cung cấp từ lúc giao con giống đến khi heo xuất chuồng.
Ngoài những đơn vị như Anco, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh còn thường xuyên được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân trong việc giúp đỡ, hỗ trợ các nạn nhân phần nào vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Chỉ riêng trong những tháng đầu năm 2008, đã có 675 gia đình đối tượng được tặng quà với số tiền 232 triệu đồng và 27 gia đình nạn nhân được tặng nhà tình thương. Bên cạnh đó, Hội Nạn nhân CĐDC tỉnh còn phối hợp với Đoàn y, bác sĩ thuộc Trường dạy nghề số 8 (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện đa khoa huyện Trảng Bom tổ chức khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho 650 nạn nhân CĐDC thuộc ba huyện Trảng Bom, Thống Nhất, Cẩm Mỹ.
Từ sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, nhiều gia đình nạn nhân vượt qua được khó khăn về kinh tế; nhiều bậc cha mẹ có con bị CĐDC đã tìm lại được cân bằng về trạng thái tâm lý. "Tôi nghĩ rằng, đối với nạn nhân CĐDC thì nhiều tấm lòng nhân ái sẵn sàng mở ra. Tuy nhiên, hoạt động của Hội Nạn nhân CĐDC ở Đồng Nai chưa đồng đều. Tính đến nay, chỉ mới có 5 địa phương tiến hành đại hội xong, đó là các huyện: Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom và TX.Long Khánh. Rõ ràng, nếu cấp cơ sở không có Ban chấp hành Hội Nạn nhân CĐDC thì chắc chắn những vấn đề liên quan đến nạn nhân CĐDC sẽ khó giải quyết. Điều này dẫn đến chỗ thiệt thòi cho gia đình có con em bị nhiễm hoặc phơi nhiễm CĐDC/dioxin. Trong những tháng cuối năm 2008, chúng tôi tiếp tục triển khai chương trình "Vượt khó cùng Anco" đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa. Mục tiêu của Hội là ngoài chuyện thăm, tặng quà thì mấu chốt vẫn là tạo điều kiện để gia đình nạn nhân phát triển kinh tế, ổn định đời sống!" - bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Tạ Nguyên