Liên hoan đờn ca tài tử và cải lương Nam bộ diễn ra trong những ngày cuối tháng 7 vừa qua tại Trung tâm văn hóa - thể thao TP. Biên Hòa. Gần 100 thí sinh đến từ TP. Biên Hòa, huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) và các huyện Dĩ An, Tân Uyên (Bình Dương) đã thể hiện những giai điệu mượt mà, đặc trưng của vùng đất phương Nam...
Liên hoan đờn ca tài tử và cải lương
* Khán giả đội mưa đến xem
Cả ba đêm diễn ra Liên hoan đờn ca tài tử và cải lương
Có lẽ khán giả đến với liên hoan đều có cùng sở thích với thí sinh. Tại các đêm diễn ra liên hoan, chúng tôi để ý thấy có một khán giả tóc điểm bạc, hai ngón tay cứ luôn nhịp nhịp, đầu thì gật gù mỗi khi các thí sinh xuống xề câu vọng cổ. Đôi lúc vị khán giả này lại còn phấn khích, hát theo. Khán giả cao tuổi này bộc bạch: "Biết Câu lạc bộ ca nhạc tài tử huyện Tân Uyên (tỉnh Bình Dương) có tham gia liên hoan, tôi là người ở thị trấn Uyên Hưng (Tân Uyên) nên đến đây để cổ vũ. Không chỉ mê mà tôi rất ghiền đờn ca tài tử hơn bốn mươi năm rồi. Tiếc là nhận thông tin trễ nên tôi không kịp đăng ký dự thi!".
Trong khi chờ đến lượt thí sinh Bạch Lý (56 tuổi) lên thi, chồng của bà là ông Nam Tùng cứ o bế, tập dượt bài bản, lớp lang, phách nhịp cho vợ. Cả hai gần như đứng ngồi không yên. Đến lượt bà lên thi, ông còn kè theo, tiếp tục nhắc tuồng đến tận thềm sân khấu. Ông Nam Tùng, từng là chủ nhiệm một câu lạc bộ đờn ca tài tử ở TP.Biên Hòa. Ông tâm sự: "Lâu lắm rồi vợ chồng tôi mới có dip hâm nóng lại... cái thuở ban đầu lưu luyến nhau vì cùng mê ca vọng cổ, gợi lại cho chúng tôi bao kỷ niệm vui, buồn của một thời hát hò trong những ngày mùa hay các dịp đình đám, họp mặt bạn bè".
* Sân chơi cho những người nặng lòng với âm nhạc truyền thống
Trao đổi với chúng tôi, nhiều thí sinh tham gia liên hoan đều có cùng suy nghĩ: Đến với liên hoan không hẳn để được giải mà chủ yếu là để được đờn ca, được diễn tuồng, được dịp thể hiện niềm đam mê trước công chúng có cùng sở thích. Ông Hồng Thu, 52 tuổi, là nhân viên Bến xe khách Biên Hòa, cho biết: "Liên hoan là sân chơi rất bổ ích cho những người yêu thích ca cổ. Thú thật, sau khi đăng ký dự thi, tôi cứ nôn nao, trông đợi từng ngày, mong cho mau đến ngày được lên sân khấu". Nhờ liên hoan này, họ được dịp gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đờn ca tài tử. Một thành viên ban nhạc tài tử An Bình (TP.Biên Hòa) cho rằng: "Liên hoan là dịp để ban nhạc chúng tôi "quy tụ" lại những cây đờn kìm, cò, tranh, bầu... Anh em cùng nhau luyện lại những ngón đờn, lời ca cho khỏi quên!".
Nói vậy chứ sao mà quên được, nhất là với khán giả và thí sinh có mặt trong các đêm liên hoan. Bởi, suốt thời gian diễn ra, không khí của liên hoan không phải là cuộc so tài, cạnh tranh giữa các thí sinh, các ban nhạc, mà là không khí khi hào hứng, khi lắng đọng của một sân chơi dành cho những người nặng lòng với âm nhạc truyền thống.
Thí sinh Nguyễn Thị Thùy Trang (CLB đờn ca tài tử phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) đoạt giải nhất về ca cải lương. |
Nhận xét về Liên hoan đờn ca tài tử và cải lương
Kết thúc liên hoan, niềm vui của các thí sinh được giải đã làm cho các thí sinh chưa được giải vui lây. Bởi, thành tích này là nỗ lực chung của những người luôn quan tâm, chắt chiu, tích lũy nguồn "tài sản phi vật thể" mà họ đã vun đắp, truyền bá, qua nhiều thế hệ bằng niềm đam mê của chính mình. Bà Chu Thị Cẩm Đào, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP. Biên Hòa phấn khởi: "Nếu có được thêm nguồn kinh phí tài trợ, liên hoan còn thành công hơn nữa!".
Lê Hoàng