Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỷ niệm 63 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9
Hà Huy Giáp - Người chỉ đạo Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Biên Hòa

09:08, 18/08/2008

Có một con đường rất đẹp ở trung tâm TP. Biên Hòa, chạy dài từ bùng binh Biên Hùng, ngang qua trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, đến ngã ba Hãng Dầu được mang tên Hà Huy Giáp. Đó là tên của người đã chỉ đạo tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Biên Hòa cách đây 63 năm...

Có một con đường rất đẹp ở trung tâm TP. Biên Hòa, chạy dài từ bùng binh Biên Hùng, ngang qua trụ sở Tỉnh ủy Đồng Nai, đến ngã ba Hãng Dầu được mang tên Hà Huy Giáp. Đó là tên của người đã chỉ đạo tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám tại Biên Hòa cách đây 63 năm...

 

* Tổ chức hai hội nghị quan trọng tại Biên Hòa

 

Trong cuốn Lịch sử Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tỉnh Đồng Nai giai đoạn 1930 - 1995 (Nhà xuất bản Đồng Nai - 1997, tập 1, trang 89) có đoạn: "Tháng 7 năm 1945, tại chùa Tân Mai, đồng chí Hà Huy Giáp đại diện Xứ ủy Nam Kỳ đã họp với các đồng chí Hoàng Minh Châu, Huỳnh Văn Hớn, Phạm Văn Búng, Đặng Nguyên phổ biến chủ trương của Xứ ủy là gấp rút xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng cả lực lượng chính trị và vũ trang để chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền". Đây là cuộc họp quan trọng, là cơ sở đoàn kết các đảng viên cộng sản trong các nhóm khác nhau, tạo ra sự hành động trước thời cơ mới. Từ cuộc họp chỉ đạo này, ngày 23-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa được thành lập (do đồng chí Hoàng Minh Châu làm Chủ tịch) và quyết định tiến hành cuộc khởi nghĩa ở trung tâm tỉnh lỵ Biên Hòa.

Tại Biên Hòa thời điểm ấy, tổng số đảng viên cộng sản chỉ có 40 đồng chí. Một số chi bộ Đảng được khôi phục và phát triển, nhưng chưa thành lập Đảng bộ tỉnh. Chính nhờ sự chỉ đạo của Xứ ủy Nam Kỳ thông qua đồng chí Hà Huy Giáp, các chi bộ đã lập ra được Ủy ban khởi nghĩa, tạo sự thống nhất trong các đảng viên về quan điểm, phương hướng chuẩn bị lực lượng, tập hợp quần chúng và phát động nổi dậy. Đây là yếu tố quyết định cho cuộc khởi nghĩa ở Biên Hòa diễn ra nhanh chóng, kịp thời.

 

Duyên nợ gắn bó giữa đồng chí Hà Huy Giáp với Biên Hòa không chỉ có thế. Tối 23-9-1945, tức sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, nhưng thực dân Pháp vẫn ngang nhiên gây hấn, nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, một lần nữa đồng chí thay mặt Xứ ủy Nam Kỳ triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh Biên Hòa tại nhà Hội Bình Trước (nay là Bảo tàng TP.Biên Hòa, trên đường 30-4)). Biên Hòa lúc ấy còn độc lập, quân đội Pháp chưa đánh chiếm lại nên nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong thời điểm ấy là Đảng và chính quyền phải ra sức củng cố tổ chức, chuẩn bị về mọi mặt để đánh địch khi chúng kéo đến Biên Hòa.

 

Hội nghị đã bầu ra Ban chấp hành Tỉnh ủy lâm thời gồm 11 đồng chí, đồng chí Trần Công Khanh làm Bí thư. Hội nghị cũng đề ra những nhiệm vụ quan trọng như: củng cố UBND cách mạng lâm thời tỉnh, trong đó đồng chí Hoàng Minh Châu làm chủ tịch; cử các đoàn cán bộ tỉnh về thành lập các quận ủy gồm Châu Thành, Tân Uyên và Long Thành; xây dựng Mặt trận Việt Minh tỉnh do đồng chí Hồ Hòa làm Chủ nhiệm; tổ chức trường huấn luyện quân sự để xây dựng lực lượng vũ trang kháng chiến. Song song đó, UBND tỉnh Biên Hòa cũng ban hành một số chủ trương nhằm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân, như: bãi bỏ thuế thân, thuế chợ và những thứ thuế bất hợp lý do Pháp đặt ra; tịch thu ruộng đất của địa chủ, đồn điền của tư bản chia cho dân nghèo; giảm thuế, giảm tô 25% để khuyến khích sản xuất. Những chủ trương cấp bách này đã đáp ứng được nguyện vọng bao đời của dân nghèo, khiến người dân càng thêm tin tưởng vào cách mạng, ủng hộ kháng chiến.

 

* Hà Huy Giáp - một chiến sĩ cách mạng kiên cường

 

Sinh ngày 4-4-1907 tại xã Sơn Thịnh, huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh), Hà Huy Giáp đã sớm giác ngộ và tham gia cách mạng khi còn là học sinh trường Bưởi (Hà Nội). Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3-2-1930), đồng chí được cử làm Bí thư Đặc ủy Hậu Giang, ủy viên Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ.

 

Đồng chí Hà Huy Giáp cần mẫn làm việc, dù cuối đời nhiều bệnh tật do lao tù thực dân để lại.

Đồng chí là người thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của cả miền Tây Nam bộ tại đồn điền Cờ Đỏ (Cần Thơ). Thông qua việc xuất bản tờ báo Lao Nông của Đặc khu ủy Hậu Giang, đồng chí đã đóng góp tích cực vào việc phổ cập chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ trương, đường lối chính sách của Đảng trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Hà Huy Giáp còn tham gia phát động và lãnh đạo những cuộc mít tinh và biểu tình của nông dân diễn ra ở một số địa phương, kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh kinh tế, nêu lên những yêu sách bức xúc để bảo vệ những quyền lợi thiết thân như: đòi bỏ sưu, giảm và hoãn thuế, chống cướp ruộng...

 

Tháng 4-1931, đồng chí bị bắt tại Sài Gòn. Bị thực dân Pháp kết án chung thân đày ra Côn Đảo, đồng chí đã bước vào cuộc chiến đấu mới, thực hiện lời dạy của V.I. Lênin vĩ đại: "Biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng". Hà Huy Giáp góp sức tích cực vào việc xây dựng và củng cố sự vững mạnh của tổ chức cơ sở Đảng tại nhà lao Côn Đảo, tham gia công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý luận và văn hóa cho các bạn tù...

 

Tháng 3-1945, Nhật đảo chính Pháp, đồng chí Hà Huy Giáp lúc ấy đã tự tổ chức vượt ngục Trà Kê. Từ Phú Yên, đồng chí về Biên Hòa để từ đây tìm cách lọt vào Sài Gòn. Thời gian ở Biên Hòa, đồng chí được một cơ sở cảm tình cách mạng ở khu vực ga xe lửa cưu mang - là người bà con của cơ sở mai táng Mai Phùng Xuân hiện nay. Chính người này đã giấu đồng chí trong xe chở hàng của mình và đưa vào Sài Gòn trót lọt. Tại đây, đồng chí bắt liên lạc được với đồng chí Trần Văn Giàu là Bí thư Xứ ủy Nam kỳ, cử đồng chí Lý Chính Thắng bắt liên lạc với Trung ương xin tài liệu và chỉ thị về thời cơ cách mạng trong tình hình mới. Trên cơ sở này, đồng chí đã đại diện cho Xứ ủy Nam kỳ tổ chức cuộc họp chỉ đạo Tổng khởi nghĩa tại Biên Hòa. Từ đó cho đến khi Hiệp định Genève về Đông Dương được ký kết vào tháng 7-1954, với trọng trách là Ủy viên Xứ ủy Nam kỳ, Ủy viên Trung ương Cục miền Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Hà Huy Giáp là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu cuộc kháng chiến chống Pháp trên mảnh đất "Thành đồng Tổ quốc".

 

Trải qua 9 năm tiến hành cuộc kháng chiến chống Pháp toàn dân, toàn diện và trường kỳ, đồng chí là người cầm quân một trong những mặt trận xung yếu của cuộc kháng chiến - "Kháng chiến về văn hóa". Chịu trách nhiệm trước Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục miền Nam trong lĩnh vực công tác tuyên huấn, đồng chí đã hoàn thành tốt những nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên truyền, văn hóa - văn nghệ, huấn luyện và giáo dục để phục vụ đắc lực cho nhu cầu của cuộc kháng chiến.

Rồi đồng chí giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa - thông tin, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III. Sau năm 1975, đồng chí chuyển sang làm việc tại Ban nghiên cứu lịch sử Đảng cho đến khi mất vào năm 1995.

 

Trong tác phẩm "Hà Huy Giáp - một chiến sĩ mác-xít nhiệt tình, một nhà tư tưởng kiên định", Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (lúc ấy là Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh) đã viết: "Hà Huy Giáp là người có "ơn sâu, nghĩa nặng" đối với đồng chí và đồng bào Nam bộ. Đồng chí là một trong những nhà lãnh đạo hàng đầu của Xứ ủy Nam kỳ, của Đảng bộ thành phố Sài Gòn - Gia Định từ lúc Đảng ta mới khai sinh và cách mạng còn đang ở trong thời kỳ trứng nước. Đồng chí đã mãi mãi để lại cho đời tấm gương cao đẹp của người đảng viên cộng sản "tận trung với nước, tận hiếu với dân", sống chân thành, trung trực, thẳng thắn, chan hòa, gần gũi và yêu thương đồng chí, đồng bào, giản dị và cần kiệm".

 

Hà Huy

 

Tin xem nhiều