Báo Đồng Nai điện tử
En

Gọi bình yên quay về

08:08, 04/08/2008

Đây là quyển tự truyện của bác sĩ chuyên khoa tâm thần Lê Quốc Nam. Vị bác sĩ này cho biết, một trong những lý do viết quyển tự truyện này là bộc bạch những công việc thầm lặng của mình để nhiều người hiểu và đồng cảm hơn với bệnh nhân tâm thần.

Đây là quyển tự truyện của bác sĩ chuyên khoa tâm thần Lê Quốc Nam. Vị bác sĩ này cho biết,  một trong những lý do viết quyển tự truyện này là bộc bạch những công việc thầm lặng của mình để nhiều người hiểu và đồng cảm hơn với bệnh nhân tâm thần. Ra trường, vị bác trẻ được phân công nhiệm sở ở Bệnh viện tâm thần Biên Hòa (nay là Bệnh viện tâm thần Trung ương 2), 5 năm sau chuyển về Bệnh viện tâm thần TP.Hồ Chí Minh. Công việc thăm khám, điều trị và nghiên cứu khoa học về căn bệnh này cho phép tác giả tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân. Chính trong môi trường ấy, tác giả đã nhận ra một điều: "Người ta có thể định đoạt được đời sống, nhưng không ai có thể định đoạt được sự sống! Mỗi con người sẽ có một số phận cho riêng mình. Buông bỏ mình trôi theo số phận hay chống chọi lại sự nghiệt ngã của nó là thái độ sống riêng của từng người...".

 

Chuyện bắt đầu từ câu hỏi: bạn đang làm nghề gì và bạn có yêu nghề của mình không? Thật hạnh phúc cho bạn nếu câu trả lời là "có". Khi bạn yêu nghề, công việc của bạn không chỉ là một hình thức để bạn kiếm sống, mà bạn sẽ còn tìm thấy trong ấy những điều vô cùng thú vị. Với tác giả, bệnh nhân tâm thần không chỉ là những đối tượng mà người thầy thuốc làm việc. "Trong một khía cạnh nào đó, tôi đọc được thấy trong từng phần đời nhỏ nhoi ấy, từng tính cách đặc trưng ấy, từng sự dằn vặt nội tâm ấy của họ những câu chuyện về cuộc sống, về con người, về những phản ứng trước nghịch cảnh và kể cả những bi kịch nặng nề... Mỗi bệnh nhân của tôi sẽ kể cho tôi nghe về một câu chuyện. Những câu chuyện ấy có thể thú vị hoặc nhạt phèo, phức tạp hoặc đơn giản, sâu sắc hoặc hời hợt... Thế nhưng đó là những câu chuyện vô cùng đặc biệt và không có câu chuyện nào trùng lắp với câu chuyện nào, dẫu rằng rất nhiều bệnh nhân mắc phải một căn bệnh".

 

Câu chuyện của bệnh nhân tâm thần không giống câu chuyện bình thường, tư duy của họ không tuân thủ logic, thế giới nội tâm rối rắm, hành vi kỳ lạ. Đó là những câu chuyện về giọng nói chỉ đạo từ đâu đó vọng vào tai, là hình ảnh sinh động y như thật về những sinh vật kỳ lạ chưa từng có, những đau khổ, giằng xé, những ham muốn kỳ dị đến mức một cái đầu có trí tưởng tượng phong phú cũng khó có thể nghĩ ra. Đó là câu chuyện của một chàng trai làm nghề sửa xe máy mắc bệnh hoang tưởng tài năng, của cô gái với những ám ảnh quá khứ, của bà cụ già mắc bệnh nói chuyện một mình vì thường xuyên ở nhà một mình, của cô sinh viên luôn miệng nói từ "muốn chết" khiến người xung quanh lầm tưởng cô muốn tự sát, là câu chuyện bất lực của bác sĩ trong hành trình tìm kiếm số phận cho bệnh nhân... Và những bác sĩ tâm thần rất mất thời gian, thật kiên nhẫn, lắng nghe để hiểu người bệnh, để họ được giải tỏa những ẩn uất và cảm thấy được tôn trọng.

 

Luôn đối diện với thế giới nội tâm của những bệnh nhân, bác sĩ tâm thần Lê Quốc Nam nhận ra thế giới tâm hồn của họ "mênh mang và rợn ngợp hơn cả vũ trụ mà ta đang sống". Có những tâm hồn đã đi lạc trong thế giới mênh mông ấy của chính mình. Và vì lạc lối nên họ rất lo lắng, có khi hoảng loạn và khổ sở. Lại cũng có những người mù mờ trên những con đường đi của tâm hồn họ. Sự mù mờ ấy chẳng khác nào cảm giác của một con người bị bủa vây bởi màn sương mù dày đặc. Khi ấy, những bác sĩ tâm thần đã kiên nhẫn phác thảo một lộ trình dễ hiểu, dễ đi cho những tâm hồn lạc lỏng ấy. Nhưng "đôi khi lực mất tòng tâm, tôi cũng chỉ có thể phát ra một tín hiệu, làm rõ hơn một khúc quanh, một ngả rẽ khó khăn nào đấy hoặc đơn giản hơn là tôi chỉ cần hiện diện bên cạnh người lạc lối, để mong họ có thể tự tìm được về đúng đường chảy trên dòng sông của đời mình" như lời bác sĩ Lê Quốc Nam.

 

B.Trang

(*) Gọi bình yên quay về, tác giả Lê Quốc Nam - NXB Trẻ 2008.

Tin xem nhiều