Báo Đồng Nai điện tử
En

Giới thiệu sách:
Hồi ký PHOOLAN DEVI - tinh thần bất khuất của một thân phận bị chà đạp

09:08, 20/08/2008

Ngày 21 tháng 2 năm 1994, hàng vạn người Ấn Độ đã tụ tập trước cổng nhà tù Tihar ở Delhi để chờ đón một tù nhân đặc biệt được thả tự do. Đó là Phoolan Devi, nữ tướng cướp lừng danh từng bị chính quyền cả 2 bang Utta Pradesh và Mahya Pradesh truy nã, nhưng lại là người được nhân dân Ấn Độ, nhất là những người thuộc giai cấp tận đáy xã hội tôn sùng như một vị thánh.

Ngày 21 tháng 2 năm 1994, hàng vạn người Ấn Độ đã tụ tập trước cổng nhà tù Tihar ở Delhi để chờ đón một tù nhân đặc biệt được thả tự do. Đó là Phoolan Devi, nữ tướng cướp lừng danh từng bị chính quyền cả 2 bang Utta Pradesh và Mahya Pradesh truy nã, nhưng lại là người được nhân dân Ấn Độ, nhất là những người thuộc giai cấp tận đáy xã hội tôn sùng như một vị thánh.

 

Phoolan Devi là ai mà có cuộc đời đặc biệt đến thế? Quyển hồi ký Phoolan Devi, nữ tướng cướp Ấn Độ sẽ đưa người đọc đến với những số phận bị chà đạp, dập vùi bởi sự thối nát, tham nhũng của chính quyền Ấn Độ thời ấy, bởi những hủ tục độc ác, bất nhân từ hàng ngàn năm hãy còn tồn tại trên đất Ấn.

 

Dân biểu Phoolan Devi (ngồi), người đã bị ám sát vào năm 2001.

Mở đầu hồi ký, Phoolan Devi đã tự nhận "Tôi không biết đọc, cũng không biết viết. Suốt đời tôi đã tự hỏi Thượng đế phải chăng con sinh ra đời là để gánh chịu đau khổ, để sống kiếp nô lệ?". Sinh ra trong gia đình thuộc đẳng cấp Mallah, đẳng cấp nghèo nhất, chịu thiệt thòi nhất và bị khinh rẻ nhất trong xã hội Ấn Độ, suốt cả thời thơ ấu bà chỉ mơ ước được một bữa ăn no. Làm quần quật, nhưng gia đình bà luôn bị bọn nhà giàu, bọn Thakur tham lam bóc lột, hành hạ còn thua cả súc vật. Và đau khổ còn bởi vì Phoolan là người phụ nữ. Cái hủ tục lo của hồi môn cho con gái lấy chồng đã là cái ách đè nặng lên lưng gia đình có đến 4 cô con gái này, hình ảnh bà mẹ của Phoolan hớn hở khi 2 cô con gái sinh đôi chết ngay từ lúc mới lọt lòng đã khiến người đọc không khỏi ngậm ngùi. Rồi hủ tục tảo hôn đã đưa cô dâu 11 tuổi Phoolan rơi vào tay gã chồng độc ác, tàn bạo, bị gã xâm hại ngay khi hãy còn là đứa bé.

 

Thế nhưng "cái tội" của Phoolan là không cúi đầu cam chịu như cha mẹ, như cái cộng đồng Mallah ngàn năm cúi đầu nhẫn nhịn. "Tội duy nhất của tôi là đã dám từ chối cái số phận nghiệt ngã đè nặng lên tôi từ lúc mới sinh ra đời, đã dám bỏ làng, bỏ cộng đồng để trốn đi nơi khác". Mất lòng tin vào xã hội, cả luật pháp cũng không đứng về phía người nghèo khi chính cảnh sát lại là kẻ thủ ác, gieo rắc chết chóc và đau khổ cho mình, cho những người dân thấp cổ bé miệng, Phoolan đã gia nhập một băng cướp và trở thành thủ lĩnh. Nhưng Phoolan Devi không cướp chỉ vì tiền, mà đó là một nữ Robinhood của người Ấn. Hầu như trong tất cả các vụ cướp, đối tượng bị cướp đều là những kẻ bức hiếp dân làng, tài sản cướp được đều đem ra phân phát cho dân chúng, bà lại còn ra tay trừng trị kẻ xấu khiến những kẻ bị áp bức khốn cùng đã xem bà như một vị thánh. "Tôi đã thề với nữ thần Dugra là tôi sẽ không dung thứ những tên cậy thế lực của tiền bạc và uy quyền để bức bách, hãm hại người nghèo. Ngày nào tôi còn cầm vững khẩu súng trong tay, ngày ấy tôi còn cương quyết không cho loài quỷ dữ được tự do làm ác. Ở những nơi mà người Thakur vẫn coi người Mallah là những con vật, tôi tự cho mình cái trách nhiệm mang lại công bằng".

 

Mười một năm trong tù đã trở thành trường học rèn luyện và học hỏi của Phoolan, để khi trở về với thế giới bên ngoài, với xã hội vẫn còn đầy rẫy những ngang trái, Phoolan không quy hàng mà tiếp tục con đường đấu tranh đã chọn: ra ứng cử và trở thành dân biểu. Bà đã đi khắp Ấn Độ, cất lên tiếng nói bảo vệ cho người dân thuộc giai cấp thấp cổ bé miệng. "Tôi đã không còn là tôi của ngày xưa nữa. Tôi không còn là con bé dốt nát tưởng quả địa cầu chấm dứt ở chỗ cuối con sông, và mỗi ngày mặt trời bị chết chìm dưới nước. Tôi không còn là con thú dữ chiến đấu trong rừng với tất cả sự hung hãn của nữ thần Dugra. Lòng tôi đã trút sạch mọi niềm thù oán. Tôi không xem tôi là một người tốt, nhưng cũng không phải là người nhúng tay vào nhiều tội ác. Cuộc chiến đấu mới đã bắt đầu, nhưng nó khác hẳn với cuộc chiến đấu trước kia. Tôi đã cầu xin Thượng đế cho tôi sống sót một lần nữa để tôi có thể giúp đỡ những người đã từng đau khổ như tôi...".

 

Đọc hồi ký của Phoolan, cả một xã hội Ấn Độ còn nhiều bất công và cổ hủ như bày ra trước mắt. Nhưng từ đó đã sáng rực lên một tinh thần bất khuất, đó là tinh thần chống áp bức, chống bất công và cường quyền của Phoolan Devi, người được mệnh danh là nữ hoàng rừng xanh của Ấn Độ.

Trúc Ngọc

 

Tin xem nhiều