Báo Đồng Nai điện tử
En

"Cô đơn" cùng Bùi Anh Tấn

10:08, 13/08/2008

Nhắc đến Bùi Anh Tấn, có thể nói đấy là một tên tuổi không còn xa lạ với giới văn chương. Độc giả chú ý đến anh với những tiểu thuyết về đề tài đồng tính như: Một thế giới không có đàn bà, Les - vòng tay không đàn ông, Không và sắc... Mới đây, khi Một thế giới không có đàn bà được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ 4 tiếp tục thu hút bạn đọc (lần phát hành đầu tiên vào năm 2000), thì Bùi Anh Tấn lại ra mắt tiếp tập truyện ngắn Cô đơn cũng với một đề tài: đồng tính nam.

Nhắc đến Bùi Anh Tấn, có thể nói đấy là một tên tuổi không còn xa lạ với giới văn chương. Độc giả chú ý đến anh với những tiểu thuyết về đề tài đồng tính như: Một thế giới không có đàn bà, Les - vòng tay không đàn ông, Không và sắc...  Mới đây, khi Một thế giới không có đàn bà được Nhà xuất bản Trẻ tái bản lần thứ 4 tiếp tục thu hút bạn đọc (lần phát hành đầu tiên vào năm 2000), thì Bùi Anh Tấn lại ra mắt tiếp tập truyện ngắn Cô đơn cũng với một đề tài: đồng tính nam.

 

Đã có không ít tác phẩm đề cập đến vấn đề khá nhạy cảm này, và mặc dù hiện xã hội Việt Nam đã có những cái nhìn thoáng hơn, cảm thông hơn đối với hiện tượng đồng tính, nhưng trên thực tế, vẫn còn là những quan điểm tranh luận chưa được thống nhất, ngã ngũ giữa các phạm trù về đạo đức, tâm sinh lý, tôn giáo lẫn luật pháp. Riêng với Bùi Anh Tấn, anh không đặt vấn đề ra dưới bất cứ một lăng kính nào. Dường như anh chỉ "bày" ra trước mọi người một thế giới khác, một thế giới nhiều màu sắc cả bi lẫn hài nhưng cũng rất người để con người - độc giả tự nhìn nhận, phán xét hoặc cảm thông. Là những con người mang thân phận gay (đồng tính nam), họ luôn phải dằn vặt với thế giới nội tâm của mình: mình là ai, mình thuộc giới tính nào, mình muốn gì,  mình phải sống như thế nào... Khi phát hiện ra bản thân mình là người đồng tính, họ cũng hoảng loạn, đau đớn, sợ hãi, ra sức che giấu nhưng lại không cam chịu bởi những tình cảm, ham muốn thật của mình để rồi lại rơi vào những bế tắc không thể vượt qua.

 

Bên đời hiu quạnh là một trong những truyện ngắn hay của tập truyện. Câu chuyện về Hoàng - con một gia đình gia giáo nhưng từ nhỏ Hoàng đã biết mình chỉ là người vay mượn hình hài. Cho đến một ngày, Hoàng quyết định chuyển đổi giới tính, bất chấp sự thất vọng của bố mẹ, em gái để có thể đến trọn vẹn với người mình yêu. Một quyết định dũng cảm, một sự đánh đổi đầy đau đớn. Nhưng định kiến xã hội thì khắc nghiệt trong khi lòng dũng cảm của con người thì mong manh, dễ lay động, để rồi dù đã chấp nhận sống trên dư luận, Hoàng vẫn không thoát khỏi sự ray rứt, dằn dặt khổ đau.

 

Nằm trong tập truyện ngắn, nhưng Tình nhớ lại là câu chuyện khá dài. Đó là câu chuyện về người gia sư tên Dũng và cậu học trò tên Lương. Nét mạnh mẽ, rắn rỏi của Dũng đã cuốn hút cậu bé 18 tuổi sớm đã tự khám phá và biết mình là gay. Từ sự gắn bó, khắng khít của tình thầy trò, họ đã dần xuất hiện một tình cảm "lạ" mà cả hai bên đều cố chống lại. Dũng lấy vợ để tỏ thái độ dứt khoát và cũng để quên đi nỗi mặc cảm về mối tình trái tự nhiên, nhưng Lương - kẻ đóng vai trò người khác phái yếu đuối lại bất ngờ mạnh mẽ khi cự tuyệt xuất cảnh cùng gia đình và công khai tình cảm với Dũng. Khi Lương thất vọng trước gia - đình - hạnh - phúc của Dũng và bỏ đi xa, thì chính Dũng lại là kẻ chạy theo Lương...  Những cung bậc thăng trầm của tình cảm được Bùi Anh Tấn dẫn dắt rất tự nhiên và rung động, dù đó là tình cảm phi tự nhiên  nếu xét trên góc độ đạo đức xã hội.

 

Những truyện ngắn khác như Bướm đêm, Bụi đường, Biển cạn, Trái tim tội lỗi, Như một tiếng thở dài, Cô đơn... cũng đã đưa người đọc khám phá thế giới tâm hồn của những người đồng tính, dẫn dắt họ đi vào mê cung ngóc ngách lạ lẫm với suy nghĩ thường tình của con người. Đặc biệt, thế giới đồng tính ấy còn được mở rộng biên độ với sự xuất hiện của yếu tố tình dục đồng tính. Mặt khác, xã hội hiện đại cũng đặt ra nhiều ẩn ức tâm lý mới, trong đó có các khuynh hướng tính dục khác với lẽ thường. Những người mà xã hội gán ghép cho nhận định "bất thường về tâm sinh lý" ấy đã tạo ra một thế giới thứ ba với những bất trắc, bi kịch, day dứt và đầy ám ảnh. Không cổ súy cho những gì trái với lẽ tự nhiên, nhưng cũng không lên gân phê phán, Cô đơn len lỏi vào những câu chuyện tình yêu đồng giới nhưng vẫn rất mượt mà, đầy tính nhân văn và hướng thiện, khơi dậy những tình cảm đẹp trong mỗi con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Và đặc biệt hơn, Cô đơn không phải là một bút ký hay phóng sự xã hội, nên dù dựa vào những câu chuyện, sự kiện có thật trong cuộc sống, nhưng Cô đơn vẫn mang đầy hơi hướng văn học với những tình tiết gay cấn, bất ngờ, với văn phong lãng mạn và bay bổng.

Trúc Ngọc

Tin xem nhiều