Báo Đồng Nai điện tử
En

Chùa cô hồn

08:08, 04/08/2008

Chùa cô hồn là tên người dân Biên Hòa thường dùng khi nói đến Bửu Hưng tự. Đây là một ngôi chùa nằm trên đường Phan Đình Phùng, thuộc địa bàn phường Quang Vinh. Di tích tọa lạc trên khu đất vốn là một ngọn đồi thấp, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

Chùa cô hồn là tên người dân Biên Hòa thường dùng khi nói đến Bửu Hưng tự. Đây là một ngôi chùa nằm trên đường Phan Đình Phùng, thuộc địa bàn phường Quang Vinh. Di tích tọa lạc trên khu đất vốn là một ngọn đồi thấp, xung quanh là khu dân cư đông đúc.

 

So với các ngôi chùa ở Biên Hòa, chùa cô hồn có quy mô nhỏ, kiến trúc được xây theo lối chữ nhị. Phía trước là gian chánh điện được bày trí hệ thống tượng thờ Phật khá phong phú. Chùa được xây dựng bằng vật liệu kiên cố; bốn bên là tường gạch, mái lợp ngói vẩy cá. Giá khung kiến trúc của chùa bằng gỗ, phía trên bàn thờ chính được tôn cao tạo nên khoảng lầu trống thông thiên.

 

Năm 1920, chùa cô hồn được xây dựng. Nguyên thủy của chùa vốn là một ngôi miếu nhỏ mà người dân địa phương lập nên để thờ những nghĩa sĩ của  Lâm Trung trại.

 

Năm 1861, thực dân Pháp đánh chiếm Biên Hòa và xây dựng chính quyền thuộc địa. Trước cảnh nước mất nhà tan, người dân Biên Hòa đã liên tục đứng dậy kháng chiến. Một tổ chức hội kín yêu nước với tên gọi là Lâm Trung trại được thành lập ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ XX. Mục đích của hội kín Lâm Trung trại là tập hợp nhân dân, xây dựng lực lượng để chống Pháp. Trại có căn cứ đóng tại xã Thiện Tân - Vĩnh Cửu, do nhiều nhân vật yêu nước, tinh thông võ nghệ như: Tư Hy, Tư Hổ, Ba Hầu, Hai Lực, Ba Vạn, Bảy Đen... tổ chức, ngày đêm luyện tập võ nghệ, trang bị vũ khí để mưu cầu đại sự cho quê hương.

 

Vào tháng 2-1916, sau một thời gian chuẩn bị, trại tổ chức trận tấn công vào các công sở của chính quyền thực dân ở Biên Hòa. Do vũ khí thô sơ, lực lượng không nhiều nên cuộc tấn công không thành công. Sau sự kiện này, quân Pháp tổ chức truy lùng và tìm  cách bắt các vị chỉ huy của Lâm Trung trại. Chúng dùng nhiều thủ đoạn như bắt người thân của các người chỉ huy và dựa vào bọn tay sai chỉ điểm, đã bắt được nhiều trại viên Lâm Trung. Tháng 6-1916, thực dân Pháp xử bắn 9 người lãnh đạo trại Lâm Trung tại địa điểm Dốc Sỏi (xóm Bình Thành) trước sự chứng kiến của người dân địa phương. Những trại viên của hội kín yêu nước anh dũng hy sinh. Cảm khái trước lòng yêu nước của các nghĩa sĩ Lâm Trung trại, nhân dân địa phương xây ngôi miếu thờ ở ngã ba Dốc Sỏi. Đến năm 1920, ngôi miếu chuyển về tại khu đồi cao, chính là nơi chùa Bửu Hưng tọa lạc hiện nay.

 

Di tích chùa cô hồn còn gắn liền với một sự kiện cách mạng quan trọng của thời kỳ khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945.  Đó là vào tháng 6-1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Minh Châu, hội nghị cán bộ Đảng ở Biên Hòa đã được triệu tập ở gian phía sau chùa. Hội nghị đã quyết định những vấn đề quan trọng về chủ trương, chuẩn bị cho nhân dân Biên Hòa nổi dậy giành chính quyền trong cách mạng tháng Tám; thành lập ủy ban khởi nghĩa; lấy tổ chức Thanh niên Tiền phong để tập họp đông đảo các tầng lớp công nhân, nông dân, trí thức, người lao động sẵn sàng nổi dậy khi có thời cơ, vận động binh lính của Pháp ngả theo cách mạng giao nộp vũ khí... Đây chính là cơ sở để Đảng lãnh đạo quần chúng Biên Hòa đứng lên giành lấy chính quyền.

 

Di tích chùa cô hồn là nơi thể hiện sự hòa quyện tốt đẹp giữa đạo và đời, vừa gìn giữ Phật pháp, vừa ghi nhớ công lao những người xả thân vì nước. Đồng thời, đây là một địa điểm gắn chặt với sự kiện quan trọng của Đảng bộ và nhân dân Biên Hòa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nguyễn Mỹ Đình

Tin xem nhiều