Báo Đồng Nai điện tử
En

Chiếc đèn ông sao

11:08, 22/08/2008

"Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca vui đón chị Hằng...". Một sớm mai thức dậy, ta tình cờ chợt nghe những giai điệu thân quen.

"Tết Trung thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường, lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca vui đón chị Hằng...". Một sớm mai thức dậy, ta tình cờ chợt nghe những giai điệu thân quen. Thế là sắp đến Tết Trung thu rồi... Đã hơn mười năm ta bỏ quên chiếc lồng đèn thơ ấu. Ngoài phố người ta bày bán bánh trung thu, cả lồng đèn đủ màu sắc nhưng dường như ta chẳng cảm nhận được gì về không khí của lễ hội mà thời bé thơ ta từng mong, từng ngóng mỗi độ thu về... Sao ngày xưa ta lại mong Trung thu đến thế nhỉ!

 

Ngày ấy, nơi ta ở là một xóm rất nghèo với đa số là dân nhập cư. Con đường đất đỏ ban ngày là nơi ta cùng lũ bạn đi nhặt sỏi làm đạn ná, là nơi ta thả thuyền giấy trên những vũng nước đọng khi những cơn mưa đi qua. Con đường là bạn ban ngày, nhưng đêm xuống nó là nỗi ám ảnh của lũ trẻ con. Chúng thi nhau thêu dệt những câu chuyện ma quái về sự hoang sơ của con đường để dọa nhau, rồi tự lại sợ cả câu chuyện của chính mình, rồi không dám ra đường khi trời tối. Nhưng Trung thu thì khác. Cả xóm nghèo bừng sáng hẳn. Trăng sáng, đường sáng ánh đèn lồng và cả lòng người cũng bừng sáng niềm vui tụ họp đêm rằm.

 

Trung thu nọ, ta cũng chẳng nhớ rõ lúc ấy ta bao nhiêu tuổi nữa, chỉ biết là vẫn còn thích chơi lồng đèn. Được rước lồng đèn đi chơi thì đứa con nít nào thời ấy chả mê. Trong số những chiếc đèn bác Chiến làm để bán, ta mê nhất là chiếc đèn kéo quân. Với ta, nó khác với những chiếc đèn bình thường khác bởi vì ta không thể hiểu tại sao những hình nhân lại có thể di chuyển được khi đèn được thắp sáng. Có lẽ cũng vì "đẳng cấp" đó mà nó là vật sở hữu của con nhà giàu. Buổi chiều ngày rằm tháng Tám, ta thất vọng thực sự khi thấy lũ trẻ con xúm đen xúm đỏ quanh chiếc đèn kéo quân mới toanh của thằng bé kế nhà ta, nhà nó khá nhất xóm. Buổi tối nghe từ xa tiếng hát của bọn bạn, ta đã thấy nao nao... và cả tủi nữa... vì ta thực sự chưa có lồng đèn, kể cả một chiếc lồng đèn bình thường nhất.

 

Nhưng Trung thu năm đó ta cũng có đèn để rước. Một chiếc đèn ông sao nho nhỏ không sơn phết theo kiểu của những chiếc đèn lồng được bày bán mà là những hình cắt dán bằng giấy màu, những bông tua buộc vụng về, tất nhiên nó chẳng giống ai. Nhưng nó là vật vô giá. Chiều hôm đó nếu ta không trốn ra một góc nào đó ngồi khóc một mình vì hay tin chiếc đèn kéo quân đã có chủ, thì có lẽ ta đã nhìn thấy bố cặm cụi làm vội chiếc đèn lồng vì sợ ta không kịp có đèn chơi với chúng bạn. Những kỷ niệm ấy thật may lại là những điều ta không thể quên trong vô vàn điều ta đã quên.

 

Trung thu năm nay, lớp ta rủ nhau đến làng trẻ mồ côi sinh hoạt. Ta không về nhà được - đây cũng là Trung thu xa nhà như mấy Trung thu trước. Nhưng dù vậy, ước gì ta có thể mang đến cho ai đó cái cảm giác tròn đầy kỷ niệm về cái tết của trẻ con, cảm giác tuyệt vời không phải bởi những chiếc đèn sặc sỡ hiện đại, những chiếc bánh nướng đắt tiền mà bởi vì tình yêu thương, san sẻ mà ta đã từng có. Ta cũng ước rằng sâu thẳm đâu đó trong tâm hồn những ai đã từng là trẻ con và đang là trẻ con đều tồn tại một vầng trăng cổ tích "Một vầng trăng tỏ, treo trên đỉnh trời...".

 

Vũ Mai

Tin xem nhiều