Báo Đồng Nai điện tử
En

Câu chuyện văn hóa: Ứng xử!

10:08, 13/08/2008

1. Anh Đặng Chiến Thắng, cố vấn pháp lý cho Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu Hoa Kỳ (GCSF) - một người Hà Nội gốc từ cách ăn nói cho đến ứng xử, trong chuyến đi trao tặng xe lăn cho người khuyết tật nghèo với Báo Đồng Nai đã kể câu chuyện như sau: Có một đoàn du khách đến Sapa (Lào Cai), gặp cô gái người dân tộc bán đào.

1. Anh Đặng Chiến Thắng, cố vấn pháp lý cho Quỹ phục vụ cộng đồng toàn cầu Hoa Kỳ (GCSF) - một người Hà Nội gốc từ cách ăn nói cho đến ứng xử, trong chuyến đi trao tặng xe lăn cho người khuyết tật nghèo với Báo Đồng Nai đã kể câu chuyện như sau: Có một đoàn du khách đến Sapa (Lào Cai), gặp cô gái người dân tộc bán đào. Đào Sapa xưa nay vẫn nổi tiếng là ngon, mọi người bèn hỏi "Này em ơi, thế đào của em bao tiền một chục?". Cô gái bán đào thủng thỉnh trả lời "Đào em bán quả. Một nghìn một quả, mười quả thì mười nghìn, chứ tính chục như người Kinh các anh thì em không biết một chục là 10, 12, hay 16 quả đâu".

 

Thỏa thuận giá cả xong, nhóm du khách lấy đào ăn. Một người trong đoàn thấy trong gùi cô gái bán đào có một đĩa xôi, bèn nhón lấy một miếng ăn. Cô gái bán đào không nói gì, thế là người thứ 2, thứ 3, rồi cả đoàn ai cũng "thử một miếng" hết sạch cả đĩa. Khi tính tiền, cô gái cũng vẫn chỉ tính tiền đào, sau đó lại thủng thỉnh nói "Người Kinh các anh lạ thật. Ở đây chúng em cho xôi ăn lông đào (đào Sapa phải lăn qua xôi nếp cho sạch lớp lông tơ ngoài vỏ mới ăn được), sau đó lấy xôi cho lợn ăn. Còn các anh thì ăn đào, ăn lông đào, rồi ăn luôn cả xôi của lợn (!)".

 

2. Trong chuyến đi khảo sát về chương trình nước sạch cho cộng đồng của Quỹ GCSF tại một huyện miền núi, đoàn đi gồm có hai người nước ngoài, một Việt kiều và một phụ nữ làm nhiệm vụ hướng dẫn. Đón tiếp đoàn là một cán bộ cấp trưởng phòng của huyện. Xuống đến một ấp dân tộc Chơ Ro, có rất nhiều trẻ em hiếu kỳ đã chạy theo xem "ông Mỹ". Các em thúc đẩy, thách đố nhau xem đứa nào dám đến sờ vào cánh tay to lớn đầy lông của ông khách. Tuy khác biệt về ngôn ngữ, nhưng hai vị khách nước ngoài cũng đoán được "ý đồ" của bọn trẻ, thế là hai ông ngoắc bọn trẻ đến, sẵn sàng chìa tay cho khắp lượt trẻ con thi nhau sờ vào bắp tay, sờ luôn cả mái tóc hoe vàng lưa thưa của mình. Tất nhiên là bọn trẻ khoái chí vô cùng, chẳng mấy chốc cả hai bên đã tỏ ra rất thân thiết. Người Việt kiều làm nhiệm vụ phiên dịch phải mỏi cả miệng với vô số câu hỏi của bọn trẻ. Tranh thủ lúc rảnh, anh ta quay qua giải thích với các vị chủ nhà: ông M. ở bên Mỹ là hiệu trưởng một trường tiểu học, ông ấy rất yêu quý trẻ con. Vị trưởng phòng bèn xen lời "hỏi giùm xem thế ông ấy có thích phụ nữ không?" (!). Vẻ mặt người phiên dịch hiện lên nét ngỡ ngàng, anh im lặng, không dịch lại câu hỏi ấy. Trên đường về, anh chỉ nói ngắn gọn về "sự cố" trên: hỏi như thế, đã là một điều khiếm nhã. Hỏi trước mặt một người phụ nữ, càng khiếm nhã hơn.

T.N

Tin xem nhiều