Báo Đồng Nai điện tử
En

Về đâu những cánh hoa đêm?

09:07, 23/07/2008

Người phụ nữ khá đẹp, 24 tuổi, đưa đôi tay thoăn thoắt đan những dây cói. Chị là một trong số những học viên ở Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai (Trung tâm Xuân Phú).

Người phụ nữ khá đẹp, 24 tuổi, đưa đôi tay thoăn thoắt đan những dây cói. Chị là một trong số những học viên ở Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai (Trung tâm Xuân Phú).

 

Mắt đượm buồn, K.N. (tên của người phụ nữ này) cho biết, cách đây 3 năm, N. được một người quen rủ từ quê ở Phú Yên vào Đồng Nai làm công nhân. Tháng đầu chưa có việc làm, tiền cha mẹ cho không đủ sống, N. tạm thời phụ quán cà phê ở gần nhà trọ. Được 3 tháng, N. tìm được việc làm ở KCN Long Thành. Vì muốn có thêm tiền gửi về giúp đỡ cha mẹ và dành dụm để lấy chồng, N. tiếp tục phụ bán quán cà phê vào buổi tối. Cũng từ lúc đó, cuộc đời của cô gái quê chân chất, mộc mạc này đã bị đánh cắp và N. trở thành gái mại dâm. N. nói: "Gia đình vẫn nghĩ em đi làm công nhân chứ không biết em làm cái nghề đáng hổ thẹn và đã phải tập trung vào trung tâm giáo dục - lao động này. Khi ra khỏi nơi này, chỉ còn cách về nhà làm ruộng em mới mong không trở lại nghề như mấy đứa bạn".

 

Các học viên đan lát tại Trung tâm giáo dục - lao động xã hội Đồng Nai.

 

Tại trung tâm này có gần 200 đối tượng học viên là nữ đang được giáo dục - lao động. Ngoài những đối tượng từng là "má mì" 40-50 tuổi, chuyên "chăn dắt" các cô gái trẻ từ quê lên thành phố tìm việc làm vào con đường mại dâm, còn  hầu hết ở tuổi dưới 30. Trong đó, có cả những người chỉ mới trên dưới 20 tuổi. Chị H.V., phụ trách nhóm nữ cho biết: "Chị em ở đây chủ yếu là gái mại dâm và phân nửa trong số này có sử dụng ma túy. Nhiều người trước khi vào đây không biết chữ, cũng chưa lao động vất vả, nặng nhọc gì. Bây giờ được học chữ, được làm việc, họ cũng thay đổi phần nào. Nhưng chẳng biết sau khi ra trại, họ có "ngựa quen đường cũ" hay không?".

 

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, kinh tế vẫn là nguyên nhân lớn nhất đưa chân các cô gái đến với nghề. Một số trường hợp lại bắt nguồn từ những nguyên nhân thuộc về gia đình như bị sốc khi cha mẹ ly hôn, bỏ đi bụi. Có người hụt hẫng, bất đắc chí sau những cú sốc tâm lý như bị người yêu ruồng bỏ, bị hiếp dâm hay bị khủng bố tinh thần kéo dài, khi có sự rủ rê của người khác, họ đã trượt dốc rất nhanh. Không ít trường hợp do nhu cầu ăn diện, xài sang nên khi hết tiền phải bán thân để sống v.v...

 

Tâm sự với chúng tôi, các học viên cho biết: Theo nghề này, cuối cùng chẳng còn lại gì ngoài thân xác rã rời, đầy bệnh tật, chưa kể là HIV/AIDS, nhưng rất khó để chiến thắng bản thân. Trong khi đi làm công nhân quần quật cả tháng mới được trên dưới 1 triệu đồng, chỉ bằng tiền "đi khách" nửa tuần của các cô. Do đó, phải quyết tâm lắm mới có thể bỏ được "nghề".

 

Để tạo điều kiện cho những đối tượng xã hội có công ăn việc làm sau khi ra trại, trung tâm đã tổ chức cho các học viên học may, đan lát và một số nghề khác như: dệt chiếu, tách vỏ hạt điều v.v... Nhưng theo nhiều chị em, khi ra trại, những nghề này rất khó tìm được việc. Nhiều chị em muốn học thêm các nghề phổ biến ngoài xã hội để có thể kiếm được việc làm ngay, tránh tình trạng "nhàn cư vi bất thiện", dễ vướng vào tình trạng "ngựa quen đường cũ".

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích