Báo Đồng Nai điện tử
En

Lăng mộ danh nhân Trịnh Hoài Đức

09:07, 14/07/2008

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức thuộc địa phận phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Người dân địa phương quen gọi là “lăng Ông“. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, xung quanh có vòng thành kiên cố. Trong vòng thành gồm hai phần mộ: của Trịnh Hoài Đức và chánh thất phu nhân. Cấu kết mộ hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Trước mỗi phần mộ có bia đá, khắc chữ Hán, chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương. Bức tường sau phần mộ khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi đức tài của Trịnh Hoài Đức.

Lăng mộ Trịnh Hoài Đức thuộc địa phận phường Trung Dũng, TP.Biên Hòa. Người dân địa phương quen gọi là “lăng Ông“. Nguyên thủy, mộ xây bằng đá ong tô hợp chất, xung quanh có vòng thành kiên cố. Trong vòng thành gồm hai phần mộ: của Trịnh Hoài Đức và chánh thất phu nhân. Cấu kết mộ hình voi phục, xung quanh có gờ hình móng ngựa. Trước mỗi phần mộ có bia đá, khắc chữ Hán, chung quanh trang trí bởi các đường hồi văn, biểu tượng âm dương. Bức tường sau phần mộ khắc các dòng chữ Hán tựa như bài thơ ca ngợi đức tài của Trịnh Hoài Đức.

 

Hiện nay, mộ Trịnh Hoài Đức tọa lạc trên khu đất rộng với cảnh quan được tôn tạo. Phía trước cửa vào mộ có tấm bình phong lớn, ghi khắc tiểu sử và sự nghiệp của Trịnh Hoài Đức. Trên những cột vuông nối các góc bờ vòng thành trước mộ có khắc những câu đối chữ Hán, nội dung chủ yếu nói về sự học, một cách chủ ý đề cập đến sự uyên bác trên bình diện  nghiên cứu của Trịnh Hoài Đức. Năm 1938, Trường Viễn Đông Bác cổ đã liệt mộ Trịnh Hoài Đức là di tích quan trọng ở Nam Kỳ.

 

Trịnh Hoài Đức sinh năm 1765 (Ất Dậu). Ông còn có tên là An, tự Chỉ Sơn, hiệu là Cấn Trai. Tổ tiên ông là người Phúc Kiến, Trung Hoa đã sang cư ngụ ở Việt Nam. Thân sinh Trịnh Hoài Đức là Trịnh Khánh, mẹ là người Việt. Trịnh Hoài Đức mồ côi cha từ khi 10 tuổi, mẹ ông từ Quy Nhơn dời nhà đến vùng Phiên Trấn lập nghiệp. Tại đây, Trịnh Hoài Đức được thụ giáo thầy Võ Tường Toản - một nhà nho thuần hậu, đạo cao đức trọng nổi tiếng thời bấy giờ. Ba người học trò của thầy Võ Trường Toản là Lê Nhân Định, Ngô Nhân Tịnh, Trịnh Hoài Đức đỗ đạt khoa thi của nhà Nguyễn. Trịnh Hoài Đức được bổ nhiệm và lần lượt giữ nhiều chức vụ trong bộ máy của nhà nước đương thời. Con đường thăng tiến của Trịnh Hoài Đức một mặt thể hiện sự sủng ái các triều vua, tín nhiệm của triều đình, đồng thời nói lên tài năng và nhân cách của ông trong thời bấy giờ.

 

Trịnh Hoài Đức sau 40 năm làm quan được xem như bậc khai quốc công thần, là một trong những trụ cột triều đình nhưng sống thanh bạch. Mùa xuân năm 1825, sau một thời gian lâm bệnh, Trịnh Hoài Đức mất, thọ 61 tuổi. Linh cữu Trịnh Hoài Đức được đưa về  làng Bình Trước, Biên Hòa theo ý nguyện lúc ông còn sống. Trên bước đường công danh, Trịnh Hoài Đức đã lên gần tuyệt đỉnh. Ông là một con người tài đức vẹn toàn, được vua tin yêu, quân thần ngưỡng vọng. Dù ở chức quan cao cực phẩm nhưng Trịnh Hoài Đức vẫn sống giản dị, thanh cao, chỉ biết quên mình lo việc ích nước, lợi dân.

 

Về phương diện văn hóa, Trịnh Hoài Đức là nhà thơ, nhà viết sử lỗi lạc hàng đầu của thời Nguyễn trung hưng. Trịnh Hoài Đức để lại cho hậu thế một kho tàng trước tác đồ sộ gồm thơ văn và các công trình nghiên cứu như: Lịch Đài kỷ nguyên, Khương tế lục, Gia Định thành thông chí, Gia Định Tam gia thi tập, Cấn trai thi tập, Bắc sứ thi tập. Công trình khảo cứu Gia Định thành thông chí là bộ địa lý học - lịch sử giá trị trong kho tàng thư tịch cổ của nước ta. Bộ sách này ghi lại đầy đủ nhất, toàn diện nhất diện mạo xứ Đồng Nai - Gia Định trong thời kỳ khai phá, lập nghiệp của cư dân Việt.

 

Những thế hệ con dân xứ Biên Hòa luôn biết ơn và tự hào về Trịnh Hoài Đức, một tài năng lớn, một nhân cách lớn, danh nhân văn hóa đã góp phần đặt nền móng cho một vùng Hào khí Đồng Nai - Văn hóa Đồng Nai. Trịnh Hoài Đức được phối thờ trong Văn miếu Trấn Biên, tên tuổi ông được đặt tên cho con đường trung tâm thành phố ngang qua khu lăng mộ, gắn với những tên trường... sống mãi với người Đồng Nai.

Phan Nguyễn

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích