Nhân vật chính trong Khuôn mặt người khác, với danh xưng là Anh - là chủ nhiệm phòng nghiên cứu hóa chất cao phân tử tại một viện khoa học quan trọng. Chuyện bắt đầu khi anh bị bỏng nặng trong lần thực hiện một thí nghiệm khoa học.
Nhân vật chính trong Khuôn mặt người khác, với danh xưng là Anh - là chủ nhiệm phòng nghiên cứu hóa chất cao phân tử tại một viện khoa học quan trọng. Chuyện bắt đầu khi anh bị bỏng nặng trong lần thực hiện một thí nghiệm khoa học. Vết bỏng làm biến dạng và hủy hoại hoàn toàn khuôn mặt anh. Cố giữ bề ngoài một dáng vẻ bình thản nhưng từ đó trong anh luôn chất chứa nhiều tâm trạng: dằn vặt, đau khổ, ràng buộc, mặc cảm, hoài nghi. Anh đã hoài nghi mọi thứ xung quanh, từ công việc, cuộc sống, hạnh phúc, kể cả người vợ chung thủy vẫn ân cần chăm sóc anh sau khi bị nạn. Những hoài nghi cuộc sống khiến anh hành xử đôi khi rất vô cảm, thậm chí cay độc. Nhưng người đọc vẫn cảm nhận sâu thẳm trong anh là khát khao tìm lại hạnh phúc. Âm thầm và kiên trì, vùi đầu trong phòng nghiên cứu, cuối cùng anh chế tạo thành công bộ mặt nạ hoàn toàn giống mặt người, có khả năng biểu cảm linh hoạt như gương mặt thật. Anh tuyệt đối giữ bí mật và quyết định dùng bộ mặt nạ thử thách tình yêu của người vợ.
Với bộ mặt nạ mới thay thế khuôn mặt kỳ dị của mình, anh kinh hoàng nhận thấy mình đã biến thành một người khác - từ hành động, suy nghĩ, nói năng và cả nhu cầu tình cảm, sinh lý... Những hành xử, đòi hỏi của anh bộc lộ sự chi phối bởi một "khuôn mặt vô hình khác". Những tính cách anh định hình khi xác định cho bộ mặt nạ ấy đã can thiệp vào cuộc sống của anh. "Khuôn mặt người khác" đã biến anh thành một con người khác, xa lạ với chính mình. Với chiếc mặt nạ - "khuôn mặt người khác" - anh mất lý trí, thậm chí quá tàn nhẫn khi rắp tăm dùng bộ mặt khác để cố tình quyến rũ vợ mình. Để sau đó, anh chợt đau khổ nhận ra rằng, người vợ đã hoàn toàn bị "người khác" chinh phục và dần dần rời xa anh. Cay đắng hơn, người vợ đã quyết định ra đi vì khi nhận lời đến nơi hẹn hò do anh bố trí sẵn, đã nhận biết được tất cả, từ suy nghĩ, mưu mô, kế hoạch khủng khiếp do chính anh ghi chép.
Lá thư để lại của người vợ càng khiến người đọc bàng hoàng nhận ra một sự thật phũ phàng: chính bộ mặt nạ "khuôn mặt người khác" mới là bản chất, bộ mặt thật của anh, còn bộ mặt trước kia chỉ là mặt nạ. Người vợ phẫn uất khi thú nhận rằng cô thừa biết và đã giữ thái độ im lặng, đồng tình với kế hoạch của anh vì cho rằng "màn kịch" do chính anh đạo diễn với thiện chí tạo nên những điều bất ngờ nhằm mang lại hạnh phúc cho cả hai. Nhưng "chiếc mặt nạ" anh buông ra cùng những ghi chép khủng khiếp của anh đã khiến cô không thể nào tha thứ cho sự cay độc và lòng hoài nghi của anh.
Kết thúc tác phẩm là hình ảnh anh cô đơn trong bất lực, dày vò và căm ghét bản thân, căm phẫn cùng cực đối với xã hội và cuộc sống xung quanh. "Cái mặt nạ không đúng, nhưng cũng không sai. Không thể tìm ra câu trả lời thích hợp cho mọi trường hợp. Như mọi xiềng xích, anh ra đường phố đêm..." là những dòng kết thúc tác phẩm chắc hẳn người đọc sẽ khó quên khi gấp sách.
282 trang - một tập sách không quá dày - nhưng câu chuyện lại có sức hấp dẫn mạnh mẽ bởi sự sâu sắc đầy trí tuệ xuyên suốt những trang suy tư giàu chất triết lý, được trình bày dưới dạng các trang viết của người chồng "tự thú" với vợ về tất cả sự việc diễn ra trong bi kịch cá nhân của mình. Các khía cạnh tâm hồn con người được mổ xẻ cực kỳ tinh tế và phô bày ở trạng thái sống động tất cả các dạng vẻ phức tạp của nó và qua từng nét suy tư của nhân vật, là những vấn đề về cuộc sống tự nhiên và xã hội rộng lớn - những vấn đề mà người đọc phải suy nghĩ. Gấp sách lại, nỗi ám ảnh khôn cùng về vấn đề con người về cuộc sống của một xã hội đầy rẫy những mâu thuẫn, đối nghịch, dằn vặt... của yêu thương và thù hận, của hoài nghi và khát khao hạnh phúc, của niềm tin và sự thất vọng, của những hoang mang và định kiến. Chính vì thế, "Khuôn mặt người khác" qua bản dịch của Phạm Mạnh Hùng đã trở thành một ám ảnh văn chương - có thể nói khá đại diện cho văn học Nhật Bản đối với những ai đã từng đọc nó, dù chỉ vài trang.
B.Trang
* Tác giả Kôbô Abê, Phạm Mạnh Hùng dịch, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn ấn hành.