Sau một năm giành “cú đúp” tại cuộc thi Tiếng ca học đường 2007 - cuộc thi đơn ca học sinh toàn quốc do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Công ty Cát Tiên Sa tổ chức, câu chuyện cổ tích của cô bé bán củi Trần Khởi My dường như vẫn đang được viết tiếp một cách có hậu.
Sau một năm giành “cú đúp” tại cuộc thi Tiếng ca học đường 2007 - cuộc thi đơn ca học sinh toàn quốc do Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh và Công ty Cát Tiên Sa tổ chức, câu chuyện cổ tích của cô bé bán củi Trần Khởi My dường như vẫn đang được viết tiếp một cách có hậu.
Có phần thon thả hơn, ra dáng thiếu nữ hơn so với cô bé “voi con” (nickname mà bạn bè thân thiết “ưu ái” đặt cho Khởi My) của một năm trước, nhưng nụ cười và cái mũi rất dễ thương của My thì vẫn y hệt. Không ngần ngại ngồi bệt trên bậc thềm như một cô bé tinh nghịch, Khởi My thoải mái kể từ chuyện học sang chuyện hát, từ chuyện mẹ lúc này hay bệnh đến chuyện Khởi My phấn đấu thi vào Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh vào năm tới.
Thành công tại cuộc thi Tiếng ca học đường, với My, không chỉ là giành được những giải thưởng có giá trị vật chất giúp gia đình cô bé bán củi nghèo ở thị xã Long Khánh thoát khỏi những nợ nần đeo đẳng hầu như không cách gì trả nổi, mà còn là bước đệm đưa My đến với những cơ hội không dễ gì có được, nhất là với một ca sĩ còn quá non trẻ như My. Lọt vào “mắt xanh” của ca sĩ Thanh Thảo - một trong những thành viên của Ban giám khảo cuộc thi - Khởi My được Công ty quản lý và đào tạo tài năng âm nhạc Music Box Entertainment của cô ưu ái dành cho 3 suất học bổng để có thể theo học thanh nhạc một cách bài bản, song song đó là những cơ hội được biểu diễn, được đứng trên những sân khấu ca nhạc của làng showbiz thành phố. Sau khi bàn bạc, 2 mẹ con My quyết định về sống ở TP.Hồ Chí Minh để My có thể phát triển toàn diện hơn, dù với những người cả đời chỉ quẩn quanh ở làng quê như mẹ con My, đó là cả một vấn đề.
Thuê một căn phòng nhỏ ở tận quận Tân Phú, hàng ngày, buổi sáng My đến trường ở cách nhà 5 cây số để tiếp tục chương trình học phổ thông. Vừa tan học, My lại tất tả chạy sang công ty để học thanh nhạc. Tối nào có show, My lại đi diễn, bởi đó là nguồn thu nhập chính của 2 mẹ con, đồng thời cũng là cách để My tự rèn luyện thêm kỹ năng biểu diễn trên sân khấu. Tất bật như vậy, có ngày tối về đến phòng trọ My mệt lả cả người, nhưng rồi với sức trẻ của tuổi “bẻ gãy sừng trâu” và với niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn từ những nỗ lực hôm nay, My lại cố gắng vượt qua.
Mục tiêu trước mắt của Khởi My, là một ngày nào đó sẽ được bước chân vào Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh - cái nôi đào tạo những ca sĩ chuyên nghiệp của làng âm nhạc. Nhưng rồi My đã phải tạm gác ước mơ ấy đến sang năm, bởi thời gian vừa qua sức khỏe của mẹ em suy yếu nhiều khiến My không thể an tâm đeo đuổi việc học. “Mẹ là tất cả đối với em. Vì vậy, em quyết định sẽ dành một năm để đi làm kiếm tiền vừa để dành dụm cho cuộc sống của 2 mẹ con, vừa có nhiều thời gian chăm sóc mẹ”, Khởi My bộc bạch những suy nghĩ thật già dặn.
Những ngày cuộc thi Tiếng ca học đường lần 2 năm 2008 bắt đầu khởi động, trong lòng Khởi My lại xao động với những kỷ niệm không thể nào quên. Năm nay, My tham gia cuộc thi với tư cách... cổ động viên, bởi My có một số bạn bè cũng đăng ký dự thi. Tưởng My đã quá quen thuộc với không khí thi thố, nhưng My thổ lộ, khi bước chân vào khán phòng của vòng loại, My vẫn thấy hồi hộp xen lẫn náo nức dù chỉ ngồi ở hàng ghế khán giả. “Lúc em đi thi, thật tình em không hề nghĩ mình sẽ đoạt giải, mà chỉ đơn giản suy nghĩ rằng làm gì thì phải làm hết mình. Có thể do em không bị áp lực thắng thua, cộng thêm một phần may mắn, nhưng em cũng muốn nhắn gửi đến các bạn tham gia cuộc thi năm nay rằng hãy cứ thể hiện hết mình, các bạn sẽ là người chiến thắng” - giải nhất cuộc thi Tiếng ca học đường năm 2007 khẳng định như thế.
Thanh Thúy