Báo Đồng Nai điện tử
En

Di tích Nhà Xanh

10:07, 22/07/2008

Di tích Nhà Xanh gắn liền với sự kiện đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, di tích tọa lạc trong khuôn viên Trường cao đẳng nghề Đồng Nai thuộc TP.Biên Hòa.

Di tích Nhà Xanh gắn liền với sự kiện đấu tranh cách mạng của quân dân Biên Hòa những năm đầu kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay, di tích tọa lạc trong khuôn viên Trường cao đẳng nghề Đồng Nai thuộc TP.Biên Hòa.

 

    Từ năm 1912 đến năm 1945, Nhà Xanh là một biệt thự Pháp xây dựng làm văn phòng của Công ty kỹ nghệ và lâm nghiệp Biên Hòa (gọi tắt là BIF: Bien Hoa Industrielle et Forestière). Năm 1907, Nhà máy BIF được thành lập trên cơ sở trại cưa của Blonded (Blông-den) - là một cơ sở công nghiệp đầu tiên ở tỉnh Biên Hòa. Đây là một kiến trúc kiểu Pháp có hai tầng. Toàn bộ khung kiến trúc được xây dựng bằng vật liệu kiên cố; mái lợp ngói mới móc vảy cá; sơn tường toàn màu xanh nên người dân địa phương đặt tên là Nhà Xanh.

 

    Trong giai đoạn 1945 - 1954, Nhà Xanh được quân Pháp sử dụng làm Sở chỉ huy tiểu khu Biên Hòa. Chính quyền Sài Gòn sử dụng biệt thự Nhà Xanh làm cư xá cho đoàn cố vấn quân sự Mỹ (MAAG: Mission Army American Group) tại Biên Hòa vì chúng cho rằng đây là địa điểm được bảo vệ kỹ.

 

    Từ năm 1954, chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành nhiều hoạt động khủng bố phong trào cách mạng miền Nam. Đặc biệt, tháng 5-1959, khi luật 10/59 "đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật" được ban hành, phong trào cách mạng được xem như "bị dìm trong biển máu". Đế quốc Mỹ đã lộ rõ bản chất xâm lược ở miền Nam, tăng cường viện trợ kinh tế, quân sự và đưa cố vấn quân sự làm nhiệm vụ huấn luyện quân đội Sài Gòn.

 

    Trước tình hình đó, Liên Tỉnh ủy miền Đông quyết định tổ chức mặt trận tập kích vào đoàn cố vấn Mỹ đóng tại Biên Hòa. Qua gợi ý của Thị ủy Biên Hòa, mục tiêu được chọn để tấn công vào địch là Nhà Xanh, cư xá đoàn  cố vấn quân sự Mỹ (MAAG).

 

    Công tác điều nghiên mục tiêu, chuẩn bị mọi mặt cho trận đánh được tiến hành chu đáo. Thực hiện trận đánh là phân đội đặc công gồm 6 đồng chí: Hoa, Huề, Phú, Bé, Sắc, Hưng, do đồng chí Nguyễn Văn Hoa (Năm Hoa) - Đại đội phó Đại đội C250 chỉ huy. Địa điểm ém quân tại Gò Me, cách khu cư xá hơn 200 mét. Ngày tiến công được chọn là 7-7-1959 - ngày Ngô Đình Diệm tổ chức lễ kỷ niệm 5 năm chấp chính.

 

   19 giờ ngày 7-7, phân đội đặc công hóa trang lính đi tuần từ Gò Me tiến về khu cư xá. Sau khi diệt tên gác cổng, phân đội chia làm ba mũi (mỗi  mũi 2 đồng chí) tấn công vào khu biệt thự. Cuộc tấn công diễn ra chớp nhoáng khiến những cố vấn quân sự Mỹ trong khu biệt thự trở tay không kịp. Trong trận đánh, đồng chí Huề chấp nhận hy sinh, ôm quả mìn lao vào trong để đồng đội kích điện cho nổ tiêu diệt địch. Đội biệt động thị xã Biên Hòa kịp thời phối hợp khống chế kho súng và trại gia binh.

Năm đồng chí trong phân đội sau trận đánh chớp nhoáng được cơ sở cách mạng giúp đỡ đã rút về căn cứ an toàn. Kết quả trận đánh táo bạo này, lực lực võ trang  cách mạng diệt hai cố vấn Mỹ là thiếu tá Bael Buis và trung sĩ Chester Ovmand, bắn bị thương đại úy Howard B. Boston.

 

    Trận đánh Nhà Xanh đã gây tiếng vang trong và ngoài nước, khiến báo chí Sài Gòn, báo chí phương Tây đưa tin. Chính quyền Sài Gòn tung lực lượng cảnh sát, mật vụ truy tìm nhưng vẫn không điều tra được gì. Cố vấn Mỹ Buis và Ovmand là hai người lính Mỹ "đầu tiên chết trong kỷ nguyên Việt Nam". (Từ dùng của nhà báo Staley Karnod đăng trên tạp chí Tribune Internationale Hevald ngày 11-7-1983).

 

    Di tích Nhà Xanh là nơi ghi dấu ấn đậm nét sự can thiệp của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, đồng thời đây còn là di tích thể hiện tinh thần, ý chí cách mạng táo bạo, quả cảm của quân dân Biên Hòa - Đồng Nai  trong công cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược. Người chiến sĩ Nguyễn Văn Huề hy sinh anh dũng trong trận đánh được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng võ trang nhân dân. Đây là trận tấn công đầu tiên của quân ta vào quân đội Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam.

Đinh Huyền Phan

Tin xem nhiều