Báo Đồng Nai điện tử
En

Vòng bán kết cấp tỉnh hội thi "Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" tại huyện Định Quán:
Học Bác để vận dụng vào thực tiễn

10:06, 20/06/2008

Những bài học về giáo dục, về ứng xử, về tình thương yêu bao la, về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... của Bác Hồ vẫn mãi là những cẩm nang quý báu cho mỗi người để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đó chính là những nội dung mà các thí sinh thi vòng bán kết cấp tỉnh tại huyện Định Quán đã gửi đến mọi người. Đó là các thí sinh Bùi Thị Lan Anh, đến từ Đảng bộ xã Phú Ngọc; Hoắc Công Sơn, đến từ Huyện ủy Định Quán và Nguyễn Trường Tiến đến từ Đảng bộ xã Thanh Sơn.

Khám bệnh cho người nghèo ở huyện Định Quán.(Ảnh: Hải Thi)

Những bài học về giáo dục, về ứng xử, về tình thương yêu bao la, về đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư... của Bác Hồ vẫn mãi là những cẩm nang quý báu cho mỗi người để vận dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đó chính là những nội dung mà các thí sinh thi vòng bán kết cấp tỉnh tại huyện Định Quán đã gửi đến mọi người. Đó là các thí sinh Bùi Thị Lan Anh, đến từ Đảng bộ xã Phú Ngọc; Hoắc Công Sơn, đến từ Huyện ủy Định Quán và Nguyễn Trường Tiến đến từ Đảng bộ xã Thanh Sơn.

 

* Học Bác về quy tắc ứng xử

 

Hoắc Công Sơn, Bí thư Đoàn trường THPT bán công Định Quán đem đến với hội thi câu chuyện "Nước nóng, nước nguội" kể về việc Bác giáo dục một cán bộ quân đội khi ứng xử với chiến sĩ thường hay cáu gắt, nóng nảy. Lấy hình ảnh ly nước nóng để mời đồng chí cán bộ quân đội giữa trưa hè nóng bức làm bài học giáo dục người cán bộ ấy. Qua câu chuyện, bài học về quy tắc ứng xử được Bác dạy chúng ta: bất kỳ tình huống nào cũng phải nắm rõ nguyên tắc "dĩ bất biến, ứng vạn biến" để giải quyết công việc. Việc giáo dục con người cũng thế, nếu dùng nguyên tắc mà không có tình người thì thật khó giáo dục. Vì thế, khi chỉ bảo, hướng dẫn người khác sửa sai cần phải kết hợp và nắm vững quy tắc ứng xử giống như lạt mềm buộc chặt. Qua câu chuyện, anh Sơn đã đưa đến hội thi bài học lớn về việc dụng cách ứng xử của Bác khi tiếp xúc với học sinh, đoàn viên thanh niên và phụ huynh học sinh của trường để làm sao vừa dạy người nhưng đồng thời phát huy được sức trẻ của tổ chức Đoàn trong việc xây dựng nhà trường vững mạnh về mọi mặt. Những quy tắc ứng xử đó đã giúp anh cùng tập thể giáo viên, đoàn viên thanh niên trong trường mang về những thành tích thiết thực như được công nhận có môi trường văn hóa tốt, được UBND tỉnh tặng bằng khen; được nhận Huân chương lao động hạng 3, là nơi có phong trào hoạt động Đoàn tích cực của huyện Định Quán và đặc biệt có nhiều phong trào Đoàn sáng tạo, phù hợp với một trường học khu vực miền núi. Cũng nhờ học tập tấm gương ngời sáng của Bác mà anh được nhận khá nhiều giải thưởng của Huyện đoàn,  Tỉnh đoàn và Trung ương đoàn... Không chỉ vậy, qua câu chuyện, anh còn rút ra: học tập Bác từ bài học rèn luyện, tu dưỡng bản thân. Chỉ có chịu tu dưỡng, rèn luyện, học hỏi, con người mới khá được. Chi tiết về cái đuôi Tôn Ngộ Không mà Bác đã kể cho cán bộ khi đến dự lớp chỉnh Đảng Trung ương, khi kể xong bác nói: "Người cán bộ cách mạng phải không ngừng tu dưỡng rèn luyện, nếu không tu dưỡng rèn luyện thì cũng có phen cái đuôi ấy, dù nhỏ cũng gây hậu quả rất lớn..." để minh chứng cho bài học về tinh thần rèn luyện mà mỗi chúng ta hôm nay phải học tập.

 

* Tình thương yêu con người và đức cần, kiệm

 

Nếu câu chuyện của Hoắc Công Sơn đem đến hội thi về bài học ứng xử thì câu chuyện "Chú làm thế là không được" do thí sinh Nguyễn Trường Tiến kể tại hội thi lại đem đến bài học về tình thương yêu con người của Bác. Bằng chất giọng truyền cảm nhưng mạch lạc, rõ ràng, anh đã làm cả hội trường xúc động, nhất là khi anh thể hiện rõ những chi tiết: Bác không vui khi cử bác sĩ Chánh, người phục vụ Bác đi công tác ở nơi có vợ bác sĩ mà bác sĩ Chánh vì bận việc lại không thể vào thăm. Câu đầu tiên khi gặp bác sĩ Chánh trở về,  Bác hỏi: "Thím ấy có khỏe không?" và nét mặt Bác không vui khi biết bác sĩ Chánh không ghé thăm vợ. Tình thương yêu bao la, sự quan tâm đến tất cả mọi người của Bác không chỉ về vật chất, tinh thần mà còn ngay cả những điều tưởng chừng đơn giản nhất... Tất cả được thí sinh thể hiện xúc tích, mạch lạc qua câu chuyện tại hội thi. Đồng thời, anh còn chinh phục ban giám khảo bằng việc học Bác để vận dụng vào nghề nghiệp của mình (giáo viên). Anh nói: "Đối với một trường miền núi khó khăn như Thanh Sơn, việc vận động được học sinh đến trường đã khó, việc giúp các em ở lại học tốt còn khó hơn nhiều. Nhờ học Bác và vận dụng những bài học của Bác, tôi không chỉ phấn đấu trở thành người giáo viên giỏi chuyên môn, mà còn tu dưỡng để trở thành người giáo viên có cái tâm vì học trò. Nhìn những lớp học trò trưởng thành theo năm tháng chính là vận dụng một cách thuyết phục nhất tấm gương của Bác vào cuộc sống...".

Còn thí sinh Bùi Thị Lan Anh lại đem đến hội thi câu chuyện "Từ đôi dép đến chiếc ô tô" làm cho người nghe hiểu thêm một bài học về đức tính giản dị, tiết kiệm của Bác. Những đức tính ấy thực sự có ích trong cuộc chiến chống nạn tham ô, lãng phí, hối lộ, chống quan liêu, xa dân, chủ nghĩa cá nhân. Với lời kể xúc động, những dẫn chứng phù hợp với bài thuyết trình, nhất là kinh nghiệm rút ra từ câu chuyện để vận dụng vào thực tế công việc của một giáo viên đã khiến cô chinh phục hoàn toàn ban giám khảo cũng như người nghe tại hội trường.

Nhận xét về điểm thi bán kết cấp tỉnh tại Định Quán, đồng chí Nguyễn Văn Long, Phó ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chánh chủ khảo hội thi cho biết: vòng bán kết cấp tỉnh tại Định Quán đã thành công tốt đẹp. Điều đặc biệt ấn tượng đến với mọi người là phần thuyết trình và trả lời câu hỏi của Ban giám khảo được các thí sinh thể hiện khá xuất sắc, mạch lạc và thu hút người nghe. Những thành công tại điểm thi cùng những điểm thi trước sẽ góp phần làm cho vòng bán kết cấp tỉnh có sức lan tỏa mãnh liệt, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp xã hội và là một trong những hoạt động thiết thực để tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đạt kết quả cao trong thời gian tới.

Mai Hà

 

Tin xem nhiều