Báo Đồng Nai điện tử
En

Thương cảng cù lao Phố

08:06, 24/06/2008

Nhìn từ trên cao, cù lao Phố có hình quả chuông, được hai nhánh của sông Đồng Nai ôm trọn trong địa phận của TP.Biên Hòa. Cù lao Phố là một thương cảng danh tiếng khi xưa của đất Nam bộ với tên gọi Nông Nại đại phố, được mệnh danh là "Xứ đô hội". Nay, địa bàn này thuộc đơn vị hành chính xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Người có công đầu trong việc xây dựng thương cảng cù lao Phố là nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu, được chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Đồng Nai năm 1679.

Nhìn từ trên cao, cù lao Phố có hình quả chuông, được  hai nhánh của sông Đồng Nai ôm trọn trong địa phận của TP.Biên Hòa. Cù lao Phố là một thương cảng danh tiếng khi xưa của đất Nam bộ với tên gọi Nông Nại đại phố, được mệnh danh là "Xứ đô hội". Nay, địa bàn này thuộc đơn vị hành chính xã Hiệp Hòa, TP.Biên Hòa. Người có công đầu trong việc xây dựng thương cảng cù lao Phố là nhóm người Hoa do Trần Thượng Xuyên dẫn đầu, được chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Đồng Nai năm 1679.

 

Theo "Gia Định thành thông chí" của Trịnh Hoài Đức: tháng 5 năm 1679, Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch, bầy tôi nhà Minh, không phục nhà Thanh đã dẫn 3.000 người với 50 chiến thuyền nhập cửa biển Tư Dung (Đà Nẵng) xin định cư ở nước ta. Chúa Nguyễn chấp thuận và sai các tướng Vân Trình, Văn Chiêu hướng dẫn cho vào đất Đông Phố. Nhóm Long Môn của Dương Ngạn Địch theo cửa Đại, cửa Tiểu đến định cư tại Mỹ Tho. Nhóm Cao, Lôi, Liêm của Trần Thượng Xuyên theo cửa biển Cần Giờ đến sinh sống ở xứ Bàn Lân (tức Biên Hòa ngày nay). Khi đến vùng cù lao Phố, Trần Thượng Xuyên thấy địa hình này có ưu thế cho việc phát triển nông nghiệp, lại thuận tiện giao thông thủy, bộ; có lợi cho việc buôn bán nên đã xây dựng nơi đây thành một thương cảng. Đường xá ở cù lao Phố được mở mang, phố xá được tạo dựng, chợ búa được thành lập, hàng hóa dồi dào, thường xuyên có nhiều tàu nước ngoài đến buôn bán.

Cảnh phồn vinh, sầm uất của Cảng thị cù lao Phố được sử sách ghi chép: "Trần Thượng Xuyên tướng quân chiêu mộ người buôn nước Tàu đến khai thác. Nông Nại đại phố ở đầu phía Tây cù lao Đại phố được kiến thiết phố xá, mái ngói tường vôi, lầu cao quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới năm dặm. Chia vạch làm ba đường phố: đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, phố nhỏ lót đá xanh, đường rộng bằng phẳng. Kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đều neo liên tiếp nhau, ấy là một chỗ đại đô hội".  Năm 1698, Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn kinh lược vùng đất phương Nam, đã đặt Tổng hành dinh tại cù lao Phố. Với những việc làm trong chuyến kinh lược này như sắp đặt hành chánh, tiếp tục chiêu mộ dân đến khai khẩn..., Nguyễn Hữu Cảnh đã góp công lớn trong việc hoạch định và tạo cơ sở cho việc phát triển cù lao Phố nói riêng, xứ Đồng Nai - Gia Định nói chung.

Trong lịch sử phát triển, cù lao Phố được hình thành như một cảng sông sâu trong nội địa nên đã có ưu thế tối ưu như một trung tâm thu mua hàng hóa được từ nhiều nguồn, đa dạng và thương mại phát triển của một khu vực được khai phá sớm. Ngay từ vùng cù lao Phố là nơi sớm tập trung các ngành nghề thủ công: dệt chiếu, làm tơ lụa, làm gốm, mộc, đúc đồng, làm pháo hay chăn nuôi tằm, trồng mía, nấu đường... Đặc biệt, những sản phẩm của cù lao Phố được xem như những hàng đặc sản nhiều nơi đặt mua. Ngoài nguồn hàng cung cấp tại chỗ, thương cảng cù lao Phố còn tiếp nhận các nguồn hàng hóa từ nơi khác trên vùng Đồng Nai lúc bấy giờ như Phước Thiền, Bến Gỗ, Bến Cá... nơi có một số người Hoa thạo nghề buôn bán sinh sống. Cù lao Phố trở thành "phố chợ thương mại, giao thông với người Tàu, người Nhật Bản, Tây Dương, Đồ Bà (Java), thuyền buôn tụ tập đông đảo...". Sử sách ghi chép vắn tắt, song qua đó phản ánh sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của cù lao Phố, nhất là về giao thông hàng hóa, đó chính là một trung tâm thương mại và giao dịch vào loại nhất của Nam bộ vào thời bấy giờ.

Nông Nại đại phố vào cuối thế kỷ thứ XVIII đã trở thành một thương cảng lớn, một trung tâm thương mại sầm uất nhất ở Nam bộ nói chung và Đồng Nai - Gia Định nói riêng. Thế nhưng, kiến trúc phong quang của cù lao Phố bị ảnh hưởng và tàn phá nặng nề qua cuộc bạo loạn của thương nhân người Phước Kiến là Lý Văn Quang vào năm 1747; trong cuộc tranh chấp giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh, đặc biệt vào năm 1776, cù lao Phố  bị tàn phá "... từ đấy chỗ này biến thành gò hoang, sau khi trung hưng, người ta tuy có trở về, nhưng dân số không được một phần trăm lúc trước". 

Với vị thế của một thương cảng, sầm uất, cù lao Phố còn là nơi được xây dựng những kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng đồ sộ lúc bấy giờ. Chắc chắn, những công trình kiến trúc được xây dựng trong thời kỳ lịch sử bấy giờ không chỉ đáp ứng cho nhu cầu tâm linh của cư dân tại chỗ mà còn cho các khách của vùng lân cận, vùng xa đến chiêm ngưỡng hay trong dịp mua bán hàng hóa.  Hiếm có vùng đất nào với vị thế đơn vị hành chánh cấp xã ở Nam bộ có mật độ của nhiều cơ sở tín ngưỡng như trên vùng đất này. Cù lao Phố có đến 5 ngôi chùa, 3 tịnh xá và 11 ngôi đình, 1 biểu tòa  Cao Đài, nhiều ngôi miếu... Trong đó, có 4 di tích được xếp hạng: đình Bình Kính (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh), miếu Quan Đế (chùa Ông/ Thất phủ cổ miếu) chùa Đại Giác, đình Bình Quan. Trên vùng đất cù lao Phố này còn có nhiều công trình kiến trúc gắn liền với những truyện cổ, tích xưa của những lớp cư dân thời khai phá.

Thương cảng cù lao Phố đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình trước những diễn tiến thời cuộc lịch sử. Trong những chặng đường phát triển, cù lao Phố xưa - Hiệp Hòa nay gắn liền với lịch sử của xứ Biên Hòa,  địa bàn có phong trào cách mạng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Cù lao Phố còn là một vùng sinh thái khá hấp dẫn. Trong định hướng phát triển, vùng cù lao Phố đã có những chuyển biến tích cực, sẽ trở thành khu du lịch sinh thái khá hấp dẫn trong lòng đô thị công nghiệp Biên Hòa.

Phan Đình Dũng

Tin xem nhiều