Báo Đồng Nai điện tử
En

Sách của nhà báo: Hơi thở từ cuộc sống

09:06, 20/06/2008

Dạo một vòng các nhà sách, chúng ta sẽ gặp được rất nhiều cuốn sách mà tác giả chính là những nhà báo. Những cái tên từng quen thuộc với những người đọc báo như: Hữu Thọ, Trần Đăng Tuấn, Trần Ngọc Châu, Binh Nguyên, Huỳnh Dũng Nhân, Võ Đắc Danh và các cây bút trẻ như: Tố Oanh, Nguyễn Tập, Đinh Thu Hiền... xuất hiện trang trọng trên những bìa sách đã thu hút không ít người đọc. Sách của nhà báo có gì đặc biệt? Dù chỉ là tập hợp những bài báo đã từng đăng tải trên các báo hay kết hợp lý luận và thực tiễn thì nội dung những cuốn sách ấy vẫn mang đầy hơi thở cuộc sống.

Dạo một vòng các nhà sách, chúng ta sẽ gặp được rất nhiều cuốn sách mà tác giả chính là những nhà báo. Những cái tên từng quen thuộc với những người đọc báo như: Hữu Thọ, Trần Đăng Tuấn, Trần Ngọc Châu, Binh Nguyên, Huỳnh Dũng Nhân, Võ Đắc Danh và các cây bút trẻ như: Tố Oanh, Nguyễn Tập, Đinh Thu Hiền... xuất hiện trang trọng trên những bìa sách đã thu hút không ít người đọc. Sách của nhà báo có gì đặc biệt? Dù chỉ là tập hợp những bài báo đã từng đăng tải trên các báo hay kết hợp lý luận và thực tiễn thì nội dung những cuốn sách ấy vẫn mang đầy hơi thở cuộc sống.

 

Một số tập sách của các nhà báo.

"Phản biện xã hội" của Trần Đăng Tuấn là tập sách tập hợp nhiều bài, có bài viết theo phong cách chính luận chững chạc, có bài viết theo kiểu tùy bút ngắn, nhưng tất cả đều rõ chất luận, khi là vấn đề rất rộng như chuyện đảng viên làm kinh tế tư nhân, vấn đề phản biện xã hội khi là những việc cụ thể liên quan tới tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Những sự việc tưởng như đơn giản, nhỏ nhặt nhưng dưới góc nhìn của tác giả bỗng trở thành chuyện không nhỏ. Trần Đăng Tuấn rất thành công trong cách thể hiện bút pháp tùy bút kết hợp với ngẫm ngợi và chiêm nghiệm. Anh bàn nhiều lần với các sắc thái khác nhau (Trọng trách, Khi quan chức trở thành "người của công chúng", Gửi bà Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương...). Anh băn khoăn về dân chủ (Dân biết). Anh đặc biệt tâm đắc đến cái gọi là "Văn hóa cầm quyền". Từ một câu chuyện Bác Hồ nghiêm khắc cấm tự tiện ra mệnh lệnh lung tung, anh chiêm nghiệm: "Không thể vì căm ghét cái xấu mà có thể giả định mọi người đều có thể xấu. Và không thể muốn đẩy lùi cái xấu mà vô tình hay hữu ý hạ thấp nhân phẩm...". Cuốn sách tập hợp các bài viết này được nhà báo lão thành Hữu Thọ đánh giá: "Lý luận sắc sảo, có ý tưởng mới và phong cách riêng".

Cũng là tập hợp những bài báo, nhưng Vị đắng những chuyến đi xa là tập ký sự đường xa của Trần Ngọc Châu, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn. 36 ký sự là 36 câu chuyện nhà báo lãng tử này góp nhặt trong hơn 30 năm rong ruổi trên mọi nẻo đường. Độc giả vừa hình dung ra được một Trần Ngọc Châu - tác giả, một người bươn chải những nơi đường dài vạn dặm, vừa như theo chân anh rong ruổi qua những đất nước xa xôi nhất để nhìn lại cho rõ nét chân dung Tổ quốc mình với một niềm yêu thương và cả đau đáu trong mỗi câu chuyện mà tác giả ghi chép. Đó là một thông điệp mãnh liệt của tình yêu đất nước và hy vọng vươn lên, thẳng thắn nhìn vào những tụt hậu của đất nước.

Trong khi đó, Một chuyến đi vào lòng đất, Người đi tìm bóng của Binh Nguyên lại mang sắc thái khác. Dương Thành Truyền - Phó tổng biên tập Báo Tuổi Trẻ nhận xét: "Những người quen biết Binh Nguyên đều bảo anh đi nhanh, đi nhiều, đi khỏe, và viết nhanh, viết nhiều, bút lực mạnh mẽ...  Dĩ nhiên chính xác là vậy. Nhưng nói thế không đủ nhận ra sự khác biệt". Thật vậy, cái khác biệt của Binh Nguyên đó chính là khả năng kể chuyện và khai thác tư liệu trong mỗi chuyến đi. Người đọc sẽ dễ dàng nhận ra Binh Nguyên trong vô số những nhà báo viết ký sự đường xa khác bởi bài viết của anh luôn ngồn ngộn thông tin mới mẻ, bất ngờ và thú vị. Điều đó được chứng minh trong tập sách qua: cảnh chợ trong chùa Thiếu Lâm, bụi hồng trần giữa đất chư thiên Tây Tạng, phố thị châu Âu trong lòng châu Phi, huyền thoại Angkor và cuồng vọng Pol Pot, thương trường nay trên chiến trường Trân Châu cảng xưa. Điều làm nên sức nặng cho cuốn sách này chính là câu chuyện của những phận người. Thiên ký sự "Người đi tìm bóng" là câu chuyện giải phẫu của những người chuyển đổi giới tính. Ký sự này đã làm rung động nhiều trái tim và thay đổi cái nhìn của công chúng đối với những người thế giới thứ ba. Cũng vì thế, người đọc nhận diện rõ hơn tấm lòng và trái tim của người cầm bút.

Khác với hai cuốn sách trên, khác hẳn với những cuốn sách từng phát hành trước đó như: Ăn tết trong rừng chó sói, Tôi đi bán tôi..., tập phóng sự "Từ giảng đường đến trang viết" của Huỳnh Dũng Nhân (Tổng biên tập tạp chí Nghề Báo) là cuốn sách gồm cả lý thuyết và thực tiễn.  Đây chính là những kiến thức và kinh nghiệm mà tác giả đã tích lũy trong thực tế 25 năm làm báo cũng như quá trình giảng dạy của mình. Ở đó, người ta sẽ được biết những nhìn nhận, lý giải về thể loại phóng sự và phương thức tác nghiệp để có một phóng sự hay. Cuốn sách là những suy nghĩ đầy tâm huyết, kỳ công, nghiêm túc, những dấu ấn và cả sự trải nghiệm sâu sắc về nghề của tác giả, một cây bút nhiều thành công trong thể loại phóng sự. Đây là một trong những cuốn sách hiếm hoi hiện nay kết hợp nhuần nhuyễn cả hai phần lý thuyết và thực tế của nghề báo. Người đọc còn bắt gặp ở đó một cây bút phóng sự không chỉ mê đi và mê viết mà còn tận tụy truyền hết kinh nghiệm của mình cho những người cùng đam mê.

Những cây bút trẻ như Tố Oanh (báo Tuổi Trẻ) đã có dịp trình làng tập phóng sự Đi ba lô xuyên Đông Dương; Nguyễn Tập với Dặm đường lang thang,... ghi chép về du lịch, dã ngoại "ta balô" chọn lọc từ hàng trăm bài báo, qua thực tế hàng trăm chuyến đi suốt nhiều năm làm báo. Đáng chú ý là tập Đi ba lô xuyên Đông Dương của Tố Oanh ghi lại những chuyến đi qua các nẻo đường Đông Dương, lên rừng xuống biển, vượt thác trèo đèo ngang Tây Bắc - Đông Bắc Tổ quốc... Những phát hiện thuộc loại hàng "độc", tràn ngập xúc cảm của tác giả từ những cảnh quan hoành tráng Angkor, hùng vĩ núi non Tây Bắc, cuồn cuộn dòng Mekong cho đến trảng cỏ nguyên sinh Bàu Lạch (tỉnh Bình Phước), một Đà Lạt mát lạnh ở... Tây Ninh...Tập sách du lịch kiểu balô ngồn ngộn chất sống đầu tiên cả nước của một nữ PV trẻ thực hiện hầu như đi hết những tỉnh, thành của đất nước; vượt biên giới sang Lào, Campuchia bằng đủ phương tiện, trừ... máy bay. Tập sách giống như một cẩm nang thật sự cần thiết trong hành trang những bước chân bạn trẻ muốn thử thách, chứng minh và nhận ra mình từ trên đất - biển - trời quê hương.

B.N

 

Tin xem nhiều