Nhà văn Trần Thúc Hà đến với Đồng Nai bằng truyện ngắn "Người cùng quê" (in trong tập Bức ảnh - NXB Văn học 2003). Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa nhân vật Tôi trong cuộc sống mới ở đất Đồng Nai - với một người cùng quê đã từng nghe theo lời xúi giục của giặc Pháp tham gia đốt làng, đốt nhà thờ "theo Chúa vào Nam", rồi cả đời phải ăn năn sám hối vì tội lỗi mình đã gây ra cho quê hương.
Nhà văn Trần Thúc Hà đến với Đồng Nai bằng truyện ngắn "Người cùng quê" (in trong tập Bức ảnh - NXB Văn học 2003). Câu chuyện kể về cuộc gặp gỡ giữa nhân vật Tôi trong cuộc sống mới ở đất Đồng Nai - với một người cùng quê đã từng nghe theo lời xúi giục của giặc Pháp tham gia đốt làng, đốt nhà thờ "theo Chúa vào Nam", rồi cả đời phải ăn năn sám hối vì tội lỗi mình đã gây ra cho quê hương. Câu chuyện có cả một phần đời của tác giả với những được - mất của đời người, với nỗi niềm đau đáu nhớ quê và niềm ao ước hướng về cái Thiện, cùng xây dựng một tương lai mới tươi sáng hơn. Ông đã đến với Đồng Nai trong tâm cảnh ấy. Và tập truyện Nẻo khuất đã ra đời trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ sáng tác của Hội Văn học - nghệ thuật Đồng Nai năm như một ghi nhận sự đóng góp của ông cho mảnh đất Đồng Nai.
Nhà văn Trần Thúc Hà từng tâm sự: "Truyện ngắn tôi viết quá nửa đều là thực... Nếu là nỗi đau khi viết cổ tôi không nghẹn, nước mắt không ứa ra thì tôi bỏ. Nói cái xấu, cái ác mà trong người tôi chưa đến độ phẫn nộ, máu không nóng lên thì tôi không viết". Có thể hiểu đó là sự chân thực của tâm hồn ông, một người đã theo kháng chiến từ lúc còn rất trẻ (15 tuổi), rồi dành hơn nửa đời người cho văn chương - nghệ thuật. Những truyện ngắn trong tập Nẻo khuất đã đưa ra những ưu tư của ông về cuộc đời. Đó là những vấn đề nhân sinh, tình người, những câu chuyện hậu chiến và cuộc đấu tranh của nội tâm đã được đặt ra gay gắt, đòi hỏi phải giải quyết tận gốc rễ vấn đề. Chẳng hạn, đó là suy nghĩ của một cô gái từ miền quê ra tỉnh, tham gia những cuộc bãi công bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình nhưng không thành (Hạt thóc lép); hay câu chuyện người chiến sĩ du kích đã nuôi con của kẻ thù, đến tuổi xế chiều ông lại gặp lại con người ấy trong cảnh khốn khó, cô đơn, tật bệnh. Ông đã ứng xử như thế nào trước hoàn cảnh này? (Xế chiều)...
Chính từ những góc cạnh này, cái nhìn của Trần Thúc Hà có biên độ rộng và sâu. Rộng ra nhân sinh mà sâu vào nội tâm, để đánh giá những giá trị cơ bản, cần thiết của cuộc đời. Phần kết truyện ngắn dã sử duy nhất trong tập - truyện Mắt Rồng - khẳng định: Không một ai có thể tìm được Nguyên Khí để mưu lợi cho bản thân, dòng họ, mà "Vượng khí khi thăng khi trầm bởi đức độ người. Nguyên Khí trường tồn. Mắt Rồng khắp cõi chung soi". Vấn đề được nhấn mạnh trong tập là hậu chiến cũng đã đưa ra được cách giải quyết giàu tình người, đối với một người mẹ có hai người con chết trận, nằm chung một mộ, nhưng mỗi người lại thuộc một chiến tuyến khác nhau. Lòng mẹ - Tổ quốc yêu thương như nhau, mất mát như nhau. Đọc truyện ngắn Hai anh em kể trên, chúng ta không thể không liên tưởng đến một truyện ngắn xuất sắc khác của Trần Thúc Hà: truyện ngắn Mẹ (trong tập Bức ảnh), khi mà người mẹ của người chiến sĩ cộng sản đưa người mẹ của tên lính bán nước đi tìm mộ con, rồi mang về những nắm đất tượng trưng cho xương thịt con mình... Càng đọc những truyện ngắn của Trần Thúc Hà, ta càng phát hiện ra những cái nhìn lạ, những đoạn kết lạ nhưng thuyết phục lòng người. Mặc dù tác giả không lên gân, người đọc cũng cảm thấy nhẹ tênh, nhưng ngẫm lại mới thấy đó là gánh nặng của cả cuộc đời chung tác giả mang san sẻ, giãi bày. Ý kiến thẩm định của Hội đồng nghệ thuật về tác phẩm này cũng khẳng định: "Tư tưởng nhân ái thấm đẫm tạo nên cái nền bền vững làm sáng lên các giá trị khác của truyện. Văn phong điềm tĩnh, nhiều đoạn miêu tả đẹp, vốn sống đầy đặn, suy nghĩ sâu sắc, cốt cách giản dị, chân thực, ẩn tàng sức sống của dân tộc..."
Đạt được những điều đó chính là bởi nhà văn đã trung thành với con đường mình đã chọn: Yêu ghét hết mình, sống hết mình cùng với trang viết. Từ cuộc đời riêng nhiều gian nan đến ý thức về cuộc đời chung không kém phần chông gai mà đẹp đẽ, vĩ đại, Trần Thúc Hà luôn khát khao về cái đẹp, về cuộc sống đầy đặn, hạnh phúc. Con đường rất dài, bởi ông luôn âm thầm kiếm tìm, tự học, bền bỉ đi tìm những chân giá trị của cuộc sống mà không đòi hỏi một vầng hào quang cho riêng mình. Ở tuổi bảy mươi, ông vẫn tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới, và chúng ta có quyền hy vọng về những tác phẩm dày dạn hơn của ông trong tương lai.
Trần Thu Hằng