Báo Đồng Nai điện tử
En

Đền thờ anh hùng dân tộc Nguyễn Tri Phương

10:06, 09/06/2008

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai, thuộc địa phận phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa (nguyên trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên). Xung quanh ngôi đình là cảnh sông nước hữu tình, phía trước có rừng dương liễu ngày đêm vờn gió vi vu, phía trên có đường thiên lý Bắc Nam (quốc lộ 1 cũ) vượt qua sông Đồng Nai bằng cầu Gềnh, bao bọc phía sau là cả vành đai khu dân cư với vườn cây trái sum xuê.

Đền thờ Nguyễn Tri Phương tọa lạc bên bờ hữu ngạn sông Đồng Nai, thuộc địa phận phường Bửu Hòa, TP.Biên Hòa (nguyên trước kia là làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên). Xung quanh ngôi đình là cảnh sông nước hữu tình, phía trước có rừng dương liễu ngày đêm vờn gió vi vu, phía trên có đường thiên lý Bắc Nam (quốc lộ 1 cũ) vượt qua sông Đồng Nai bằng cầu Gềnh, bao bọc phía sau là cả vành đai khu dân cư với  vườn cây trái sum xuê.

 

Nguyên thủy di tích là ngôi miếu thờ thần thành hoàng của làng Mỹ Khánh. Đầu thế kỷ 19, dân làng xây dựng mở mang thêm, miếu trở thành ngôi đình lớn. Từ đó đến nay, di tích này đã trải qua nhiều lần trùng tu. Năm 1873, khi nghe tin danh tướng Nguyễn Tri Phương mất tại Hà Nội, để tỏ lòng ngưỡng mộ vị anh hùng đã từng ở Biên Hòa lãnh đạo nhân dân chống Pháp, dân làng Mỹ Khánh tạc tượng và tôn thờ ông như vị phúc thần của làng xã. Ngôi đền ngoài tên thường gọi Mỹ Khánh đình còn được gọi là Đền thờ Nguyễn Tri Phương. Di tích được Nhà nước xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 21-1-1992.

Nguyễn Tri Phương tự Hàm Trinh, hiệu Đường Xuyên. Ông sinh ngày 9-9-1800 (tức 21-7 năm Canh Thân) tại tổng Chánh Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Thời niên thiếu, ông có tên là Nguyễn Văn Chương. Nguyễn Tri Phương là tên vua Tự Đức cải cho ông với sự đề cao về một con người dũng mãnh và tài trí. Hai chữ Tri Phương trong câu "Dõng thả tri phương" - Dũng mãnh mà lắm mưu chước. Tên xưng Nguyễn Tri Phương được gọi từ năm 1850.

Một phần cuộc đời của Nguyễn Tri Phương gắn liền với đất Biên Hòa - Đồng Nai. Tháng 2-1861, khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, đại bộ phận quân đội triều Nguyễn rút về lập tuyến phòng thủ ở Biên Hòa. Nguyễn Tri Phương đã lập những chốt chặn, phòng thủ trên vùng đất Biên Hòa, trong đó, ông cho đắp những cản đá trên sông Đồng Nai để ngăn chặn tàu giặc. Trong khi chuẩn bị cho cuộc kháng Pháp ở Biên Hòa, Nguyễn Tri Phương được triều đình phái đi trấn giữ thành Hà Nội. Tại đây, trong một trận quyết chiến với kẻ thù, Nguyễn Tri Phương bị thương, con trai ông là Nguyễn Lâm hy sinh, thành Hà Nội thất thủ. Hòng mua chuộc ông, quân Pháp đưa ông điều trị nhưng Nguyễn Tri Phương cự tuyệt, chấp nhận cái chết để tỏ rõ khí phách, tấm lòng trung trinh của người dân nước Nam. Ông mất ngày 20-12-1873 (tức ngày 1-11 năm Ất Dậu).

Kiến trúc di tích theo lối chữ công (I), gồm ba phần: tiền đình, chánh điện và nhà khách, tọa lạc trên một khu đất rộng, khá bằng phẳng, in bóng xuống dòng sông Đồng Nai giữa những cây cổ thụ và khu dân cư đông đúc. Mặt trước của đền nhìn ra sông Đồng Nai. Bờ bên kia, Cù lao Phố sầm uất với những vườn cây trái xanh tươi. Trước sân đình, hai bên có bàn thờ Thần Nông và Đài chiến sĩ. Thập niên 90 của thế kỷ XX, họ tộc Nguyễn Tri cùng dân làng Mỹ Khánh dựng bia khắc ghi công trạng của Nguyễn Tri Phương dựng trước sân đình.

Trong chánh điện, có nhiều bao lam bằng gỗ được điêu khắc rất công phu. Các bức liễn và hoành phi khắc chữ Hán, sơn son thếp vàng treo khắp cột và xà ngang. Trên hương án thờ thần, sự hiện diện của bộ áo mão tương truyền vua ban cho Nguyễn Tri Phương khi đi kinh lược cùng bộ bát bửu bằng đồng đặt thẳng hai bên hàng cột chính làm tăng thêm sự trang nghiêm nơi tôn thờ. Điện thờ có tượng Nguyễn Tri Phương được tạc khắc bằng gỗ. Tương truyền, một bô lão ở địa phương nằm mộng thấy Đức ông Nguyễn Tri Phương hiện về với áo mão lẫm liệt, vũ khí trong tay oai hùng, bèn chặt cây mít trước nhà tự tay tạc như hình trong mộng.

Hàng năm, tại ngôi đền có tổ chức lễ Kỳ yên rất long trọng. Lễ được tổ chức vào ngày 16 và 17-10 âm lịch. Lễ Kỳ yên được chuẩn bị rất chu đáo. Trước khi hành lễ, các vị hương chức lớn nhỏ đều hội tại đền để yết kiến thần thánh. Đến tối lễ bắt đầu từ lúc trăng lên cũng là khi con nước bắt đầu lớn. Lễ kéo dài trong hai ngày với những nghi thức tiến thần, diễn hành lễ bộ, tống phong... rất độc đáo và đẹp mắt. Dân trong làng cùng các nơi xa gần cùng các ban quý tế đình, đền trong vùng đến dự.

Đinh Huyền Phan

Tin xem nhiều