Báo Đồng Nai điện tử
En

Chuyện tích về Thủ Huồng

09:06, 04/06/2008

Trên địa phận Biên Hòa hiện nay có ba địa điểm gắn với tên Thủ Huồng: từ con rạch, chiếc cầu bên phường Bửu Hòa đến ngôi chùa ở vùng cù lao Phố. Trong dân gian cũng lưu truyền về chuyện Thủ Huồng và gắn với cách giải thích địa danh ngã ba sông Nhà Bè. Chùa Thủ Huồng (còn có tên là Chúc Đảo, Chúc Thọ) ở xã Hiệp Hòa với câu chuyện mang nhiều nét huyền tích về một nhân vật có tên Võ Thủ Hoằng (đọc trại thành Huồng) trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa.

Trên địa phận Biên Hòa hiện nay có ba địa điểm gắn với tên Thủ Huồng: từ con rạch, chiếc cầu bên phường Bửu Hòa đến ngôi chùa ở vùng cù lao Phố. Trong dân gian cũng lưu truyền về chuyện Thủ Huồng và gắn với cách giải thích địa danh ngã ba sông Nhà Bè. Chùa Thủ Huồng (còn có tên là Chúc Đảo, Chúc Thọ) ở xã Hiệp Hòa với câu chuyện mang nhiều nét huyền tích về một nhân vật có tên Võ Thủ Hoằng (đọc trại thành Huồng) trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai xưa.

 

Vào đầu thời Nguyễn, cách nay khoảng hai thế kỷ, Võ Thủ Hoằng làm thư lại đất Trấn Biên. Thời còn làm quan, bằng nhiều thủ đoạn xảo trá, ông ta vơ vét được nhiều tiền của, chiếm đoạt khá nhiều ruộng đất, trở nên giàu có. Ông không có con nối dõi. Khi vợ chết, ông làm ma chay linh đình. Qua sự mách bảo, Thủ Huồng tìm đến một ngôi chợ mà ở đó trong một đêm của năm, khi âm dương giao hòa, người sống và người chết có thể gặp nhau. Tại đây, ông gặp người vợ và được vợ dẫn xuống xem cõi âm ty. Thủ Huồng sợ hãi khi thấy bao cảnh hãi hùng ghê rợn của những người có tội ở dương thế bị trừng phạt. Tới kho gông, Thủ Huồng thấy vô số gông, trong đó có một chiếc to và dài. Một tên gác cổng cho ông ta biết chiếc gông khác lạ đó dành cho tên Võ Thủ Hoằng nào đó gian tham khét tiếng, tội lỗi tày trời. Ông ta hỏi: nếu người đó hối cải thì có thoát khỏi cái tội gông với bao hình phạt không? Và Thủ Huồng vui mừng khi nghe trả lời: tội sẽ nhẹ nếu tên Thủ Huồng kia  đem của cải bất nhân bố thí chuộc tội. Từ cuộc gặp này, Thủ Huồng về đất Trấn Biên ra sức giúp đỡ người nghèo khó, mạnh tay bố thí, cúng ruộng và tiền cho chùa, cho làng, chia cho thôn xóm... Ông ta lại lên đường đi gặp vợ và thấy cái gông dành sẵn cho mình bé lại.

Thời bấy giờ, từ Đồng Nai đi Gia Định chỉ có đường sông là thuận tiện, vì đường bộ còn lắm cọp beo, rắn rết... Tại ngã ba sông Đồng Nai và sông Sài Gòn lúc đó rất hoang vu, chưa có người ở. Ghe thuyền qua lại gặp lúc ngược nước phải dừng lại chờ, lắm lúc thiếu nước uống và lương thực rất bất tiện. Thủ Huồng quyết định bỏ tiền kết một chiếc bè lớn, trên bè dựng nhà có đủ chỗ nghỉ ngơi, sẵn nồi niêu, củi, gạo, mắm, muối... Những người nghèo khó lỡ bộ đường có thể tạm trú đôi ba bữa mà không phải tốn tiền. Ngã ba sông có chiếc bè từ thiện đó được gọi là ngã ba Nhà Bè. Võ Thủ Hoằng sống những ngày cuối đầy thanh thản và được xa gần ca ngợi.

Sau đó khá lâu, tương truyền vua Đạo Quang nhà Thanh khi sinh ra, giữa lòng bàn tay có hàng chữ: Đại Nam, Biên Hòa, Thủ Hoằng. Triều đình nhà Thanh cử sứ giả qua tìm hiểu lai lịch và tiến cúng chùa Chúc Đảo (nay là chùa Chúc Thọ) ba tượng Phật bằng gỗ quý. Dân gian cho rằng, nhờ vào lòng phục thiện, công đức nên Thủ Huồng đã đầu thai được làm vua.

Chuyện tích xưa vẫn được lưu truyền, ngôi chùa tương truyền do Thủ Huồng dựng lên ở cù lao Phố vẫn vọng tiếng chuông, mõ kinh kệ; rạch, cầu Thủ Huồng và chốn Nhà Bè nước chảy vẫn còn đó như gợi về một con người của lòng hướng thiện... Chuyện Thủ Huồng mang  màu sắc cổ tích dân gian, theo mô típ du địa phủ và thuyết nhân quả của đạo Phật chắc chắn sẽ sống lâu dài vì đó là một bài học về lòng nhân ái, hướng thiện và lẽ nhân nghĩa của cuộc đời.

Phan Nguyễn

Tin xem nhiều