Trẻ em là hạnh phúc của gia đình và là tương lai của đất nước. Với trên 20 triệu thanh thiếu niên, Việt Nam là quốc gia có dân số trẻ. Tuy nhiên, trẻ em không thể bỗng nhiên trở thành "của để dành" của gia đình và xã hội, nếu không được hưởng sự chăm sóc, giáo đục đầy đủ, đúng hướng.
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình và là tương lai của đất nước. Với trên 20 triệu thanh thiếu niên, Việt
Từ khi chào đời đến lúc trưởng thành, một em bé đòi hỏi phải được đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về vật chất, tinh thần như: ăn, mặc, ở, học hành, vui chơi, sáng tạo, yêu thương v.v... Nếu thiếu hụt hoặc mắc sai lầm trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ, sẽ không thể có một lớp người mới với đầy đủ "trí, đức, thể, mỹ" để kế tục sự nghiệp xây dựng đất nước, chưa kể các em có thể làm trái pháp luật, gây rối trật tự xã hội v.v... Chính vì quá trình phát triển của một con người đòi hỏi đầu tư lâu dài, công phu và khó khăn như vậy nên sinh thời, Bác Hồ kính yêu đã nói: "Vì hạnh phúc trăm năm phải trồng người".
Ở nước ta, công tác "trồng người" thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, thể hiện qua việc hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, khám và chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi... Nhưng bên cạnh đó, tình trạng trẻ em bỏ học, bị lạm dục, ngược đãi, tai nạn thương tích... cũng đang gióng lên những hồi chuông báo động.
Trên địa bàn Đồng Nai thời gian qua, các hoạt động chăm sóc thiếu nhi được thực hiện khá toàn diện: trao học bổng học sinh nghèo vượt khó, tuyên dương học sinh giỏi, khám chữa bệnh miễn phí cho trẻ em nghèo; tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho trẻ em như: hội thi kể chuyện sách hè, hội diễn Hoa Phượng Đỏ, xây dựng các khu vui chơi giải trí, mở các lớp năng khiếu, chiếu phim miễn phí... Chỉ riêng mùa hè năm 2008, với chủ đề "Hè về nguồn", có 38 mô hình hoạt động dành cho thiếu nhi được đề ra. Bên cạnh sự nỗ lực của gia đình và các cấp chính quyền, các ban, ngành, còn có sự chung tay chăm sóc, giáo dục thế hệ trẻ của các tổ chức xã hội...
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh gần đây cũng nổi lên một số vụ việc trẻ em bị ngược đãi, xâm hại. Điển hình nhất là vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa ở phường Quyết Thắng (TP. Biên Hòa) hành hạ các bé ở lứa tuổi mẫu giáo, đã bị tòa án tuyên phạt 18 tháng tù giam. Hay vụ cháu Đinh Trần Quang Khải, 6 tháng tuổi, ở điểm giữ trẻ tư nhân tại TP. Biên Hòa đã tử vong vì bị té ngã. Năm 2007, toàn tỉnh có 173 vụ trẻ em bị tai nạn thương tích và bị xâm hại, trong đó riêng chết đuối có 62 em. Những vụ việc đau lòng trên cho thấy công tác chăm lo cho sự an toàn và phát triển của trẻ em chưa phải lúc nào và ở đâu cũng tốt.
Khách quan mà nói, Nhà nước và xã hội đã nỗ lực tiếp sức cho các gia đình nuôi dạy trẻ, nhưng do đời sống vật chất còn nghèo, trình độ dân trí còn thấp nên trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều trẻ em chưa được hưởng sự ưu ái chăm lo đầy đủ. Vì thế hệ trẻ, người lớn cần phải nỗ lực nhiều...
Hồng Ngọc