Báo Đồng Nai điện tử
En

Liên hoan hát ru, hò, lý lần 1:
Ngọt ngào điệu lý, câu hò...

09:05, 20/05/2008

Bước vào Liên hoan hát ru, hò, lý lần I-2008 do Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh tổ chức, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, trưởng ban giám khảo đã khẳng định "tiêu chí": thí sinh nào biểu diễn mà ban giám khảo... ngủ hết thì mới được giải! Nói vậy mà không phải vậy, bởi suốt cả ngày diễn ra liên hoan (16-5-2008), không chỉ ban giám khảo mà cả khán giả đều như được bước lên cỗ xe thời gian trở về với thuở mẹ đưa nôi, miên man lắng nghe những giai điệu tự tình dân tộc...

Mời trầu - tiết mục biểu diễn rất duyên dáng của đội Vĩnh Cửu.

Bước vào Liên hoan hát ru, hò, lý lần I-2008 do Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh tổ chức, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, trưởng ban giám khảo đã khẳng định "tiêu chí": thí sinh nào biểu diễn mà ban giám khảo... ngủ hết thì mới được giải! Nói vậy mà không phải vậy, bởi suốt cả ngày diễn ra liên hoan (16-5-2008), không chỉ ban giám khảo mà cả khán giả đều như được bước lên cỗ xe thời gian trở về với thuở mẹ đưa nôi, miên man lắng nghe những giai điệu tự tình dân tộc...

 

* Sức sống của văn nghệ dân gian

 

Đến với liên hoan lần này, có thể nói người nghe đã được "đãi" một bữa tiệc thịnh soạn và phong phú. Hầu như các làn điệu dân ca, hát ru, hò, lý của cả 3 miền và của các dân tộc thiểu số đều đã được vang lên êm ái trong khán phòng. Vừa mới nghe xong giọng ru Huế man mác đầy ắp tiếng địa phương "Ru em, em thét (ngủ) cho gồi (mùi, sâu). Để mạ đi chợ mua vôi ăn trầu. Mua vôi chợ Quán, chợ Cầu. Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh", khán giả lại có thể nghe giọng bà mẹ miền Nam đầy da diết "Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ. Năm canh chày, thức đủ vừa năm". Đặc biệt, nhiều khán giả lần đầu tiên nghe được những điệu hát ru của các bà mẹ ChơRo, Mạ, Xê Đăng qua các tiết mục Ru em cho mẹ lên nương, Nao nời kòn, Ru em. Các điệu lý cũng có dịp để "tung hoành" thỏa thích, nào là lý ba chi, lý cây đa, lý cây bông, lý con sáo, nào là lý đất giồng, lý cái mơn, lý mười thương, lý kéo chài. Xen vào đó là các làn điệu dân ca như Kiên Giang mình đẹp lắm, Mẹ yêu con, Vọng cổ buồn, Bà rằn bà rí, Úp lá khoai, Còn duyên, Qua cầu gió bay, Người ơi người ở đừng về, Tát nước đầu đình... Hơn 30 tiết mục được công diễn đã cho thấy sức sống của văn nghệ dân gian cứ như dòng chảy ngầm trong lòng dân tộc, chẳng bao giờ khô cạn bất chấp cả sự lấn át của những dòng nhạc hiện đại.

Không hào nhoáng màu mè, không biết tận dụng những hiệu ứng sân khấu, có những diễn viên cứ khư khư nắm thật chặt micro như... sợ mất, có diễn viên biểu diễn 3 tiết mục cũng chỉ bộ trang phục duy nhất, nhưng chính sự mộc mạc, chân phương mà đầy tình cảm trong từng câu hò, điệu lý ấy đã chinh phục được khán giả. Duyên dáng làm sao "liền chị" Nguyễn Thị Huyền (huyện Vĩnh Cửu) trong tiết mục Mời trầu, Thái Huỳnh Mộng Ngọc (huyện Tân Phú) ngọt ngào trong vắt với Kiên Giang mình đẹp lắm, Ka Kim Hồng (TX.Long Khánh) giản dị, mộc mạc trong trang phục thổ cẩm Chơ Ro với Ru em khi mẹ lên nương... Không phải là dân chuyên nghiệp, nhưng hầu hết các diễn viên đều chăm chút chu đáo cho trang phục, đạo cụ của mình, nào là áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao cho dân ca Bắc bộ, nào là lưới cá, be rượu cho lý kéo chài... Cô Hồng Vân, 68 tuổi, thành viên Hội Người cao tuổi huyện Vĩnh Cửu, đoạt giải nhất thể loại hò với tiết mục hò Huế, bảo: "Có biết biểu diễn chi mô! Thì ngày thường mình hát sao, lên sân khấu cứ hát như rứa thôi". Anh Ngọc Cư, thợ cắt tóc ở TX.Long Khánh, người biểu diễn tiết mục Lý kéo chài thì thật thà kể, từ hồi nhỏ tới giờ chưa từng đi thi đi cử gì, nay nghe có "sân chơi" dành cho những diễn viên quần chúng nên đăng ký tham gia để được đi ra ngoài cho biết anh, biết em.

 

* Để dòng chảy ngầm chảy mãi

 

Ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao - du lịch cho biết, sau 12 năm "vắng bóng", đây là lần đầu tiên Đồng Nai tổ chức lại liên hoan hát ru, hò, lý. Do đặc điểm có sự giao thoa mạnh về văn hóa, trên địa bàn Đồng Nai tập trung rất nhiều những làn điệu hát ru, dân ca của các dân tộc Kinh, Chơ Ro, Mạ, Hoa, Mường, Chăm, Khơ-me... Vì vậy, việc tổ chức một liên hoan về hát ru, hò, lý là hết sức cần thiết khi nhạc hiện đại lấn át và có nguy cơ lớp trẻ quay lưng với âm nhạc truyền thống. Trong những năm qua, ngành cũng đã có nhiều công trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn văn nghệ dân gian, đặc biệt là của các dân tộc bản địa. Và đây chính là dịp để phổ biến, giới thiệu ra công chúng.

Trừ một vài chi tiết chưa hợp lý như trong bài Lý cây đa có những câu hát nào là "nón ba tằm, áo viền năm tà" nhưng diễn viên lại mặc áo dài hiện đại, hoặc liên hoan đã để "lọt" cả Cô gái Sầm Nưa đi tải đạn (của nhạc sĩ Trần Tiến) - một ca khúc mang âm hưởng của dân tộc Chămpa (Lào) - cũng như trong thể loại hò đã thiếu hẳn mảng hò huê tình (thể loại hò đặc trưng của Nam bộ), theo nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, liên hoan đã thành công bởi sự phong phú, đa dạng bởi những sắc thái, cung bậc của văn nghệ dân gian được bộc lộ rõ nét. Tuy nhiên, điều khiến cho liên hoan chưa được trọn vẹn là trong số 11 huyện, thị, thành chỉ có 5 đơn vị tham gia. Các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Xuân Lộc, Định Quán, Trảng Bom và ngay cả TP.Biên Hòa (nơi diễn ra liên hoan) đều vắng mặt.

Bên cạnh đó, liên hoan tập trung được rất nhiều giọng hát hay, nhưng vẫn là diễn cho "ta với mình" cùng xem. Đây là điều rất đáng tiếc vì trong khi người dân - nhất là  công nhân lao động - đang thiếu những "sân chơi" giải trí tinh thần, lành mạnh thì một liên hoan hay như thế lại chỉ "đóng hộp", thiếu đi sự thưởng lãm của khán giả - những người tiếp lửa cho diễn viên. Bà Dương Ngọc Lan, Phó giám đốc Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh cho biết, rút kinh nghiệm lần này, những lần tới sẽ bố trí vào những tháng mùa khô và diễn lưu động ngoài trời cho người dân thưởng thức.

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều