Đồng Nai là vùng đất được khai phá sớm ở Nam bộ. Trong đó, một số làng cổ là nơi đứng chân cho công cuộc khẩn hoang lập nghiệp. Dọc theo sông Đồng Nai, những vùng đất như Bến Gỗ, cù lao Phố, Bến Cá được những lớp cư dân Việt, Hoa đến khai phá, xây dựng thành những vùng trù phú mà những dấu tích của một thời vẫn còn bảo lưu cho đến tận hôm nay. Trong dòng chảy của lịch sử, những làng cổ đã đóng một vai trò quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa của vùng đất Đồng Nai.
Đồng Nai là vùng đất được khai phá sớm ở
Làng Bến Gỗ thuộc xã An Hòa, huyện Long Thành, cách thành phố Biên Hòa khoảng 7 km theo đường chim bay. Tên Bến Gỗ được dùng chỉ cho nhiều nơi như làng, chợ, họ đạo, nhà thờ... trên một vùng có lẽ thuộc Bến Gỗ xưa, nay là địa giới hành chính của phường Long Bình Tân (TP. Biên Hòa), các xã An Hòa, Long Hưng, một phần xã Phước Tân, Tam Phước (thuộc huyện Long Thành).
Trong lòng đất Bến Gỗ, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được nhiều di vật của lớp cư dân cổ từng sinh sống. Mảnh đất này được các tộc người của nhiều nền văn minh đến định cư, lập nghiệp xuyên suốt cả một thời kỳ lịch sử từ thời đại đồng thau cách nay hàng ngàn năm. Sách "Đại
Khu vực Bến Gỗ xưa là vùng đất có nhiều đền, chùa, miếu nhưng qua nhiều biến động của xã hội, một số bị phá hủy nay không còn dấu vết. Họ đạo Bến Gỗ là một trong những họ đạo ra đời sớm trên đất Biên Hòa - Đồng Nai, vào năm 1882. Làng Bến Gỗ hiện tại có nhiều đình, chùa, miếu, thánh thất và mỗi di tích thường gắn liền với những câu chuyện kể dân gian đầy màu sắc huyền bí, như: bà Mụ Trời, miễu bà Khoanh, chuyện ông Tượng...
Đình An Hòa là di tích lịch sử cấp quốc gia, còn bảo lưu nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật chạm khắc độc đáo. Năm xây đình được ước đoán vào năm 1792. Kiến trúc đình xây theo lối chữ nhị, mặt hướng ra sông. Đình bề thế với những hàng cột gỗ quý to, chắc được trùng tu, tôn tạo nhiều lần kể từ khi khởi dựng. Nét đặc sắc của di tích là nghệ thuật chạm khắc nơi chánh điện. Nhiều cặp liễn đối, hoành phi với các hoa văn tinh xảo được sơn son thếp vàng, treo dài từ các hàng cột từ trong ra ngoài. Toàn bộ các đầu đao, trụ đỡ, xà ngang... của đình được các nghệ nhân chạm trổ thể hiện các đề tài: lưỡng long triều nhựt, cúc liên chi, mây sóng nước, ngũ phúc lâm môn... một cách hài hòa, tinh tế, sắc sảo. Đáng chú ý là hình ảnh lưỡng long triều nhựt được cách điệu hóa: đầu rồng, thân xương cá đao với các họa tiết mà các nhà nghiên cứu cho là sự thể hiện ước mơ thịnh vượng, lòng khao khát về lễ nghĩa, phản ánh nghề chài lưới của cư dân cổ trên vùng đất này.
Đất Bến Gỗ còn nổi tiếng về đua thuyền. Tương truyền, từ thời Minh Mạng, dân Bến Gỗ đã thành lập đội đua để tham gia vào cuộc đua tổ chức ở Biên Hòa. Ngày nay, đội đua thuyền ở Bến Gỗ còn duy trì dù là tự nguyện nhưng đã giật được nhiều giải cao trong các kỳ thi trên toàn quốc. Lễ hội ở Bến Gỗ cũng rất đa dạng. Đặc biệt, tại đình An Hòa và chùa Ông, đáo lệ ba năm được tổ chức lễ hội kéo dài nhiều ngày với các hình thức diễn xướng dân gian độc đáo như hát bội, xô giàn, đua thuyền... với sự tham dự của đông đảo người dân.
Trong nhịp sống hiện nay, Bến Gỗ xưa - An Hòa nay có nhiều thay đổi, song những giá trị di sản vẫn được bảo tồn.
Phan Đình Mỹ