Quê tôi ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định - một vùng nước trũng, thế mới có câu nói: "Nơi chiêm khê, mùa thối", đói rét triền miên. Sau những năm 30 của thế kỷ trước, cha mẹ tôi phải phiêu bạt để kiếm kế sinh nhai. Năm 1937, tôi cất tiếng khóc chào đời ở Viêng Chăn - thủ đô nước cộng hòa dân chủ nhân dân Lào ngày nay.
Quê tôi ở huyện Ý Yên, tỉnh
Một thời gian sau đó, thực dân Pháp nổ súng tái xâm lược Đông Dương, cha mẹ tôi lại tiếp tục theo đoàn người di tản sang Xiêm La (Thái Lan bây giờ), sinh sống tại tỉnh U Đon. Ở đây dân nhập cư rất đông, chủ yếu là bà con các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và một số tỉnh phía Bắc. Họ sống đoàn kết, đồng cam cộng khổ và dường như có cả chi bộ Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động, bí mật tổ chức lãnh đạo nên ánh sáng cách mạng chiếu rọi, làm thức tỉnh tinh thần yêu đất nước, quê hương và lòng căm thù giặc sâu sắc, đặc biệt là với lớp thanh niên. Vì thế mà các sự kiện nổi bật ở Việt Nam và cả quốc tế, thông qua cán bộ cách mạng hoạt động bí mật, được dân che chở nuôi giấu truyền đạt lại, nên mọi người biết được rất nhanh.
Sau này các cụ - trong đó có cha mẹ tôi - kể lại: Vào năm 1946 hay 1947, từ chiến khu Việt Bắc, Bác Hồ có lần trở lại Thái Lan, ghé thăm, gặp gỡ một số bà con Việt kiều, Người đã căn dặn nhiều điều thấm thía. Đặc biệt, khi tới bản Chích, Noọng Ôn thuộc tỉnh U Đon, Bác động viên bà con đoàn kết, tích cực tăng gia sản xuất để tự nuôi sống gia đình mình và giúp đỡ cho cuộc kháng chiến. Bác tự tay cuốc đất và trồng một luống khoai lang để tặng lại cho bà con. Hình ảnh ấy được lưu giữ và truyền tụng khắp vùng làm ai nấy đều hết sức cảm động. Lúc ấy tôi chỉ mới là một cô bé 10-11 tuổi thôi, nhưng theo năm tháng cứ lớn dần trong ký ức về hình ảnh giản dị, chân thành của vị lãnh tụ vĩ đại.
Năm 1960, khá đông bà con Việt kiều đang sinh sống ở Lào và Thái Lan lần lượt hồi hương. Gia đình tôi chọn Hà Nội để định cư và tạo điều kiện cho các con lao động lập thân, lập nghiệp. Sau khi về nước ít lâu, cả gia đình vào HTX thủ công nghiệp sản xuất giấy viết và đóng sách. Được trở về Tổ quốc, tham gia lao động, góp phần dựng xây đất nước là trách nhiệm cao cả của mỗi công dân. Ý thức được điều ấy, 7 thành viên trong gia đình đều hăng hái lao động và sáng tạo không ngừng.
Điều thiêng liêng và cảm động là khi nghe tin có một gia đình Việt kiều cả 7 người đều được bầu là kiện tướng sản xuất, riêng tôi có thêm danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", Bác Hồ đã gửi tặng bằng khen với nội dung: "Cả gia đình có thành tích thi đua yêu nước". Rồi vào tầm tháng 10-1963, một vinh dự đặc biệt nữa đến với tôi là được đi dự Hội nghị thanh niên tiên tiến thủ đô Hà Nội và được gặp Bác Hồ. Trong buổi gặp mặt tuổi trẻ thủ đô ấy, Người căn dặn: "Thanh niên là rường cột nước nhà, các cháu không chỉ khỏe về thể chất, tinh thần mà còn phải sáng tạo trong lao động, học tập và chiến đấu để nêu gương sáng cho đàn em noi theo...". Nói đoạn, Bác hỏi: "Các cháu có làm được không?". Tất cả hội trường đồng thanh hô lớn: "Kính thưa Bác, chúng cháu làm được ạ...!".
Bác vỗ tay, cười và cùng đại biểu hát bài ca kết đoàn. Rồi Bác vẫy chào đàn cháu thân yêu ra về trong ánh nắng chan hòa giữa một ngày cuối thu Hà Nội.
Tháng 5-1964, tôi tình nguyện đi khám tuyển rồi gia nhập quân đội. Đó là ước mơ ấp ủ bấy lâu đã thành hiện thực. Sau 3 tháng huấn luyện chiến sĩ mới, biết tôi là một Việt kiều thông thạo tiếng Lào và tiếng Thái Lan, cấp trên đã bố trí cho tôi về phục vụ học viên quân sự cấp cao nước bạn Lào do ta đào tạo tại Bạch Mai, Hà Nội. Và cuối năm ấy, tôi được điều về làm cấp dưỡng tại bếp ăn Bộ Tư lệnh Công binh cho tới khi nghỉ hưu. Chồng tôi - Kim Ba - là một sĩ quan quân đội với cấp bậc đại tá. Chồng tôi đã qua đời. Chúng tôi có hai cô con gái đều là đảng viên và tốt nghiệp đại học, phát huy tốt truyền thống cách mạng vẻ vang của ông bà, cha mẹ và gia đình.
Giờ đây tuy tuổi tác đã cao, sức khỏe giảm nhưng trên vị trí là một người mẹ, người bà, tôi vẫn luôn phấn đấu sống vui, sống khỏe để nêu gương cho con cháu, làm đúng như lời căn dặn ân tình của Bác mấy mươi năm trước, đặc biệt là giữa lúc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hưởng ứng cuộc vận động lớn: Thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Phạm Thị Năm (kể)
Nguyễn Quốc Hoàn (ghi)