Báo Đồng Nai điện tử
En

Hát hò cho đám...

09:05, 21/05/2008

Ngày nay, hát đám đã trở thành nghề mưu sinh của một số người. Hát không chỉ cho những cuộc vui mà cả những khi "hữu sự".

Ngày nay, hát đám đã trở thành nghề mưu sinh của một số người. Hát không chỉ cho những cuộc vui mà cả  những khi "hữu sự".

 

* Hát cho người nằm xuống

 

Biểu diễn tại một đám tang.

 

Nhiều năm qua, ở TP.Biên Hòa đã hình thành các nhóm chuyên hát phục vụ đám tang. Hầu hết ca sĩ - diễn viên trong các nhóm này là nam giới, nhưng từ dáng vẻ đến cách lấy tên lại rất mềm mại như: Kiều Loan, Yến Thanh, Ngọc Mỹ, Hoàng Anh, Ngọc Châu, Linh Vũ v.v... Thành viên các nhóm hát này thường 3 - 4 người. Nếu tang gia có yêu cầu, họ có mặt ngay. Họ có thể ca hát, diễn tuồng, làm trò thâu đêm suốt sáng, miễn tang gia cùng khách phúng viếng còn sức ngồi xem.

 Biên Hòa hiện có hai nhóm được nhiều đám biết đến là nhóm Kiều Loan và nhóm Ngọc Châu. Kiều Loan (ở phường Trung Dũng) cho biết: "Nhóm em có 4 thằng đều ... ẻo lả như nhau. Mỗi khi có sô, tụi em gọi điện cho nhau tới đám. Hát cho đám tang, tụi em không phải trang điểm, chỉ ăn mặc giản dị. Bây giờ tụi em ai cũng đều có điện thoại di động và danh thiếp. Thời gian hát thường từ 10 giờ đêm đến 2 - 3 giờ sáng. Biết được chỗ nào có đám và tang gia có nhu cầu tụi em phục vụ là nhờ thông tin từ các cơ sở dịch vụ mai táng hay anh em trong các dàn nhạc lễ".

Tiền cát-sê cho mỗi sô diễn suốt đêm thường không quá 500 ngàn đồng. Nếu gặp đám có đông khách phúng viếng, nhóm hát hay, diễn tuồng tốt có thể có thêm tiền "bo" từ khách phúng viếng hay tang chủ. Tuy nhiên,  như Yến Thanh,  thành viên nhóm Kiều Loan cho biết: "Tiền sô, tiền "bo" nhận được đâu phải tụi em hưởng hết. Dàn nhạc lễ hưởng 3, tụi em hưởng 7, có lúc còn phải chi tiền... cò cho mấy anh giới thiệu nữa".

 Các nhóm ca hát này hình thành mang tính tự phát. Các thành viên trong nhóm vốn là những người mê ca hát. Nội dung bài hát và các tuồng tích biểu diễn thường phù hợp với quan hệ tình cảm giữa tang gia và người mất, nên tang chủ ít ai từ chối. Đa số họ ca nhạc tài tử, các bài vọng cổ và diễn trích đoạn các vở cải lương. Bà Huỳnh Thị Tư, ngụ phường Bửu Hòa (TP. Biên Hòa) nhận xét: "Công nhận là mấy đứa này hát và diễn tuồng rất hay! Buồn vì mẹ tôi mất, nên khi nghe mấy bài vọng cổ như: Lòng mẹ, Ơn nghĩa sinh thành, thú thiệt không chỉ có tôi mà cả khách đều cầm lòng không đặng! Nhà nghèo, đâu có tiền "bo" cho tụi nó, tôi chỉ đãi cho bữa cháo khuya, vậy mà mấy đứa vẫn nhiệt tình hát tới  2 - 3 giờ sáng!".

Bên cạnh đó cũng đã có không ít đám tang trở thành... đám biểu diễn văn nghệ tạp kỷ. Giải thích chuyện kỳ kỳ này, chị Kim H., một doanh nhân  ngụ phường Bửu Hòa cho rằng: "Sinh thời, mẹ tôi rất mê ca cổ.  Khi mẹ mất, tôi đã mời đoàn cải lương và nhiều nghệ sĩ tên tuổi từ TP.Hồ Chí Minh về diễn trước vong linh mẹ, coi như là trả hiếu vậy. Có gì mà gọi là rình rang?".

 

* Hát để mưu sinh!

 

Có thể khởi đầu các nhóm hát đám chỉ nhằm phục vụ cho tang gia bớt đau buồn. Nhưng ngày càng có nhiều đám chủ động mời các nhóm hát này đến giải buồn cho tang quyến, từ đó, hát đám trở thành nghề và là dịch vụ bên cạnh các dịch vụ nhạc lễ, nhạc tây...

Các "nghệ sĩ hát đám" này cũng đã cùng nhau tìm cách học hỏi, nâng cao "tay nghề". Linh Vũ, thành viên nhóm hát Ngọc Châu, cho biết: "Nhịp điệu, lớp lang, bài bản, tuồng tích tụi em đều nhờ mấy anh, mấy chú trong những dàn nhạc lễ hướng dẫn, tập luyện. Về kiến thức âm nhạc, nhạc lý, tụi em không biết. Tụi em được mọi người khen ca hay, diễn tốt là nhờ có năng khiếu học cách bắt chước ca, diễn theo các ca sĩ, nghệ sĩ chuỵên nghiệp qua băng đĩa". Trưởng nhóm hát Kiều Loan thì nhận xét: "Hiện nay, nghề hát đám của tụi em  sống khá ổn định. Có những đêm nhóm em phải "chạy sô" 2 - 3 đám, nhiều lúc mệt mỏi, thiếu người, phải "tăng cường" người từ nhóm khác! Nhờ vậy em mới có tiền phụ giúp gia đình, nuôi 6 đứa em, lo mẹ già cùng người cha bệnh tật". Còn Yến Thanh tâm sự: "Đúng là nghề chọn em! Thấy "chị" Kiều Loan tối thường đi hát đám cũng vui vui, em xin đi theo hát thử rồi mê hát, theo nghề luôn. Nhờ vậy em mới có tiền phụ giúp gia đình và lo cho 2 đứa em đi học". 

Còn với nhạc công của dàn nhạc lễ tại các đám, ngoài "tiền ngọ" tang chủ phải trả, việc có thêm khoản hát đám là cơ hội họ kiếm thêm thu nhập. Họ sẵn sàng kéo đờn, gõ trống nhiệt tình cho các nhóm hát đám.

 

* Và hát cho tình đôi lứa

 

Hát cho đám cưới thì các nhóm hát cần "nghiệp vụ" hơn: Có băng, có nhóm, có ca sĩ tự phong, có ca sĩ tên tuổi đàng hoàng - thường quen gọi là các ban nhạc sống. Vì hát giúp vui nên cách ăn mặc, trang điểm, phong cách biểu diễn của các ca sĩ cũng rất vô tư. Thời gian phục vụ mỗi sô hát đám cưới thường  không quá 2 giờ. Tiền cát-sê cho mỗi "sô" trên dưới 1,5 triệu đồng. Thù lao cho mỗi ca sĩ khoán hát 1 - 2 bài hát là từ  80 - 100 ngàn đồng. Bài hát thể hiện hầu hết là tân nhạc, thường là các nhạc phẩm có giai điệu vui tươi, đang được giới trẻ ưa thích.

Mùa cưới là mùa chạy "sô". Vào mùa này, cô dâu chú rể có khi phải đăng ký trước mới có trong lịch phục vụ của các nhóm hát. Do nhận quá nhiều "sô", có ban nhạc thiếu ca sĩ nên có lúc ca sĩ phải hát đến 3 - 4 bài. Chị Ph., có gần 10 năm hát cho các đám cưới, nói: "Ngày nay, bốn mùa trong năm đều là mùa cưới cả. Có khi trong một ngày, tôi phải chạy "sô" cả chục đám, hát muốn hụt cả hơi, khàn cả giọng".

 Và, do nhu cầu hát cho đám cưới gia tăng, nhiều nhà hàng phục vụ tiệc cưới còn mở thêm dịch vụ nhạc sống, thông qua hợp đồng giữa nhà hàng và các ban nhạc. Vì không phải là ban nhạc chuyên nghiệp nên mỗi khi có sô, các nhạc công cùng các "ca sĩ" thường thông tin cho nhau, cùng đến điểm diễn. Chị Chu Thị Như Đào, Giám đốc Trung tâm văn hóa - thể thao TP.Biên Hòa cho biết: "Hầu hết các nhóm hát sô đám cưới ở Biên Hòa mang tính tự phát xuất hiện ngày càng nhiều. Ngành văn hóa không thể biết số lượng của các ban nhạc, nhóm hát này nên không "quản" hết".

Lê Hoàng

 

Tin xem nhiều