Báo Đồng Nai điện tử
En

Đọc tạp văn Ngày mai của những ngày mai:
Yêu thương từ trong cuộc sống

09:05, 07/05/2008

Nếu nói rằng chỉ cần "thương hiệu" Nguyễn Ngọc Tư đã đủ để cho Ngày mai của những ngày mai "ăn khách", thì thật oan uổng dù rằng số lượng 1.000 bản in của quyển sách đã hết vèo sau khi phát hành.

Nếu nói rằng chỉ cần "thương hiệu" Nguyễn Ngọc Tư đã đủ để cho Ngày mai của những ngày mai "ăn khách", thì thật oan uổng dù rằng số lượng 1.000 bản in của quyển sách đã hết vèo sau khi phát hành.

 

* Ngày mai của những ngày mai, tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư, Nhà xuất bản Phụ Nữ ấn hành.

Không phải là tiểu thuyết với những tình huống gay cấn, cũng không phải là những truyện ngắn cô đọng, Ngày mai của những ngày mai là những ghi chép, có khi rất ngắn mà tác giả tự nhận là tạp văn. Toàn bộ tập sách chưa đến 200 trang viết có thể ví như phút rong chơi của Nguyễn Ngọc Tư sau vụ  ồn ào của Cánh đồng bất tận. Cứ xem cách Tư nhìn lại "sự cố" của mình: "Tôi chưa ra khỏi nó, chưa khép lòng, và trong lúc mọi người (cả bạn nữa) đang chăm chăm vào vết thương thấy được bằng mắt thường thì tôi đau quặn, đau buốt vì một vết thương khác, đó là sự cô đơn khi đi giữa đám đông mà đám đông chẳng thấy mình, chẳng hiểu mình". Chính vì nỗi cô đơn đó mà tác giả đã viết, viết mà dường như không nhằm mục đích nào, viết chỉ để cho riêng mình nên Ngày mai của những ngày mai mang giọng văn nhẹ nhàng, thủ thỉ, tâm tình, tự sự.

Nhưng dẫu tim có nghẹn lại đau đớn hay "đổ quạu" vì "vụ án văn chương", trên hết, Ngày mai của những ngày mai vẫn tràn đầy tình yêu thương cuộc sống quanh mình. Đó là nỗi đồng cảm với những "Thu Cúc Cà Mau" chân lấm tay bùn chắt bóp từng buồng chuối, mớ rau để đi kiện đòi công lý (Đường chân trời thì xa), với lão nông ôm nỗi buồn thấy ruộng lúa cứ mất dần bởi những đìa tôm (Đất cháy), với anh công chức lần đầu thử tập làm dân đã bị thủ tục "hành" cho lên bờ xuống ruộng. "Con đường mà anh vừa đi, con đường ngày ngày nhiều người dân đất nước này phải đi sao mà gập ghềnh, trúc trắc đến vậy, sao mà phải lộn ngược lộn xuôi, vòng vèo xa ngái đến vậy. Không một ngả nào đơn giản, dễ dàng cho dân mà tệ như một viên chức quèn như anh cũng có thể" (Người mỏi chân chưa...).

 Có yêu mới buồn, mới đau trước sự vô tình, tàn nhẫn của thiên nhiên với con người, và của con người với con người. Nỗi buồn thì đằm thắm, da diết như vậy, nhưng niềm vui trong cuộc sống lại thật giản dị, và cứ rực lên như màu đỏ của hàng bông bụp, màu vàng của hàng sao nhái trước sân. Vui vì có người yêu quý vùng đất cực Nam quê mình: "Trời ơi, sao lại có người đồng cảm với mình đến vậy. Gọi tên những miền đất đã đi qua, tôi cũng hay nhớ người ở đó trước tiên. Những con người sống động trên cái nền phong cảnh đã mờ nhòe. Chị nói, chị đến với mảnh đất này để hiểu biết và yêu" (Còn gì khi vẫy chào nhau). Vui vì chợt nhận ra vẻ đẹp của đất và người quanh mình: "Anh thảng thốt khi phát hiện ra vẻ đẹp của chị như lúc nhận ra vẻ đẹp của sông. Và bỗng dưng anh thấy day dứt, cồn cào. Chị thui thủi đi qua tuổi xuân xanh của mình chỉ vì còn lắm người như anh, chỉ nhìn chị như một anh hùng mà quên chị là phụ nữ. Quên có những con sông chỉ muốn làm sông, bình thường, suốt đời trôi lặng lẽ" (Làm sông). Hay đơn giản hơn, là niềm vui của sự bận rộn đón Tết của ngày ba mươi (Khúc ba mươi). Không nhân danh một điều gì cao cả, chỉ là sự rung động rất người trước những vận động, đổi thay trước mắt mình, quanh mình, mà sao lại thấm đẫm yêu thương.

 Những con người - nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư trong tập sách cũng vẫn lại là những gương mặt, hình ảnh quen thuộc mà người đọc thường thấy qua cái nhìn của tác giả. Hãy nghe Nguyễn Ngọc Tư kể về bà ngoại mình: "Bà ngoại ta, mấy nhà hoạt động xã hội vì sự tiến bộ của phụ nữ hay giải phóng phụ nữ gì gì đó, gặp một lần là khóc chết luôn". Một bà ngoại "ghét cay ghét đắng tất cả những gì liên quan đến chưng diện, trong chén còn mấy hột cơm cũng phải vét cho sạch, ổi, khế nhóc (nhiều) ngoài vườn cũng đừng hòng cạp nửa bỏ nửa. Ngoại tiện tặn giặt từng cái bọc ni lông cũ, súc rửa từng cái chai sành, nâng niu từng cọng dây thun. Nhưng đối đãi với xóm giềng, họ hàng, nhất là người nghèo, người làm mướn cho nhà mình thì mướt rượt. Ngày mấy bữa cơm, cà phê, thuốc hút đầy đủ. Thợ gặt, ngoại bưng nước uống, khoai luộc ra tận ngoài đồng. Ngoại không dám may áo mới, nhưng con cháu thì quần áo đủ đầy". Ngồi buồn nhớ ngoại ta xưa đã vẽ lên đầy đủ hình ảnh một bà mẹ quê nghèo "khó thấy ớn" nhưng cũng vô cùng nhân ái, đầy tình yêu thương, "nhiều khi cũng cực đoan, phong kiến, cũ kỹ nhưng nền nếp, tử tế", một hình ảnh mà người đọc có thể bắt gặp đâu đó ngay trong ký ức của mình, xung quanh mình. Rồi một bà mẹ - trẻ con có thể tìm thấy hình mẫu ở bất kỳ xóm lao động nào, một ông bạn già mê văn chương, một ông già lẩm cẩm cứ sắp Tết lại lụi hụi vỡ đất gánh nước trồng bông như món quà Tết duy nhất ông có thể làm cho con cháu... Ấy thế mà âu yếm, mà trìu mến thương yêu tràn đầy trong văn chương của Tư.

Và cả giọng văn nữa. Một chất giọng vừa rất chung của ruộng đồng Nam bộ, mà lại thành rất riêng của Nguyễn Ngọc Tư, không thể lẫn vào ai khác. Ngon dã man, la dậy động, mới cái độp đây mà, chửi tan nát, toàn những từ ngữ rặt bình dân, vậy rồi "nhảy" vào trang sách của Tư lại nghe hợp đến lạ. Thấp thoáng đâu đó tiếng cười của Tư trong khi nghịch những ngôn từ của văn chương "bà hay nói ăn xài hủy (phá) của sau này lúc cần hỏng có mà ăn, lời ngoại như tiên tri vậy, đúng là bây giờ bỗng dưng thèm trái ổi chát ngầm ngày xưa, kiếm được chết liền".

Vậy đó, cũng vẫn là một Nguyễn Ngọc Tư mộc mạc, chơn chất, viết như nói của những ngày đầu "mang nợ" với văn chương...

Thanh Thúy

 

Tin xem nhiều