Báo Đồng Nai điện tử
En

Đình Xuân Lộc và chùa Xuân Hòa ở thị xã Long Khánh: Giữ văn hóa làng giữa lòng thị xã...

10:05, 09/05/2008

Sáng ngày 11-5-2008, tại cụm đình Xuân Lộc và chùa Xuân Hòa (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Xuân An, TX.Long Khánh) sẽ diễn ra lễ trao bằng xếp hạng di tích đình Xuân Lộc và chùa Xuân Hòa.

Sáng ngày 11-5-2008, tại cụm đình Xuân Lộc và chùa Xuân Hòa (đường Nguyễn Văn Cừ, phường Xuân An, TX.Long Khánh) sẽ diễn ra lễ trao bằng xếp hạng di tích đình Xuân Lộc và chùa Xuân Hòa.

 

* Phát huy tinh thần nhập thế

 

Cụm di tích lịch sử đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa xưa thuộc làng Xuân Lộc, tổng Bình Lâm Thượng, tỉnh Biên Hòa. Đình Xuân Lộc được khởi dựng năm 1912, thờ Thành Hoàng - vị thần của làng xã. Ban đầu đình chỉ được làm bằng tranh tre, vách lá. Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình mới có diện mạo như ngày nay.

Năm 1917, vua Khải Định sắc tứ phong thần và thông báo cho làng Xuân Lộc tổ chức lễ rước trọng thể vào ngày rằm tháng hai năm sau (1918) an sắc tạo đình và lưu giữ đến nay. Đồng thời, dân làng Xuân Lộc lấy ngày nhận sắc để tổ chức lễ Kỳ yên hàng năm.

Năm 1925, dân làng Xuân Lộc phát nguyện dựng một ngôi chùa bằng cây, tranh tre, vách lá trên khu đất trống của làng - liền kề với đình Xuân Lộc - để thỏa lòng kính Phật. Năm 1937, dân làng cùng phật tử chung sức dựng lên một căn nhà ba gian bằng cột gỗ căm xe, lợp ngói móc (vảy cá), vách gạch, nền lót gạch tàu, nhân dân quen gọi chùa dưới, là chánh điện của chùa Xuân Hòa ngày nay.

Năm 1962, do chùa liên tục bị pháo kích của Mỹ - ngụy bắn phá, dân làng đóng góp tiền của xây thêm một căn Niệm Phật Đường kiên cố ở phía trước để bảo vệ cho ngôi chùa cổ, tạo nên diện mạo của chùa như hiện nay.

Trong quá trình tồn tại của mình, cụm di tích đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa đã trở thành chứng nhân cho nhiều sự kiện lịch sử. Đêm 27-8-1945, tại đình Xuân Lộc, Chi bộ Đảng quận Xuân Lộc và một số cơ sở cách mạng đã tổ chức một cuộc họp quan trọng thống nhất kế hoạch khởi nghĩa cướp chính quyền tại khu vực Xuân Lộc - Long Khánh. Cuộc họp diễn ra đến rạng sáng. Và cuộc khởi nghĩa đã được tiến hành thành công theo đúng dự định, giành được chính quyền về tay nhân dân, thành lập nên Ủy ban hành chính kháng chiến Xuân Lộc.

Chùa Xuân Hòa cũng là một cơ sở cách mạng quan trọng, là nơi cất giữ lương thực, thực phẩm và thuốc men cung cấp cho cách mạng. Đặc biệt, nhiều nhà sư trụ trì của chùa đã trực tiếp tham gia các hoạt động chiến đấu. Nhà sư Ký Thừa và nhà sư Ba Sậy là đội viên Tổ công tác đặc biệt nội ô Xuân Lộc, được phân công nhiệm vụ hoạt động trong lòng địch. Khi cơ sở bị lộ, giặc Pháp khám xét thấy chùa có chứa vũ khí (lựu đạn) nên đã bắt giữ, tra tấn dã man nhưng các nhà sư đều giữ vững khí tiết, không hề khai báo. Biết không thể lay chuyển ý chí các nhà sư - chiến sĩ cách mạng này, giặc đã chặt đầu thị uy, xác bỏ xuống giếng Lạng trên đường vào mật khu Bảo Vinh. Nhân dân thương tiếc và cảm phục sự hy sinh anh dũng của các nhà sư nên đã thành kính gọi chùa là Chùa Việt Minh.

Sau khi hai nhà sư Ký Thừa và Ba Sậy bị giặc giết hại, các phật tử đã mời thầy Thiêm Nam Hưng về  trụ trì. Thầy cũng tham gia hoạt động cách mạng và bị giặc bắt giữ. Bị tra tấn dã man trong một thời gian dài, cộng thêm bệnh già yếu nên thầy đã qua đời đầu năm 1951 và được chôn cất tại chùa. Thầy Thiên Nam Hưng đã được công nhận liệt sĩ năm 1997. Sự hy sinh của các nhà sư trụ trì chùa Xuân Hòa minh chứng cho truyền thống đấu tranh anh dũng, tinh thần nhập thế của tầng lớp tăng lữ khi không chịu sống trong cảnh đất nước chưa được độc lập.

 

* Giữ trong mình những nét cổ xưa

 

Ngoài những giá trị lịch sử cách mạng, cụm di tích này còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, nơi thờ Thành Hoàng làng và sinh hoạt cộng đồng của cư dân khu vực Long Khánh. Hàng năm, ngoài những ngày sóc vọng, đình Xuân Lộc đều tổ chức lễ Kỳ yên và lễ cúng năm bà ngũ hành. Những dịp này, đình thường mời đoàn hát về phục vụ lễ hội và biểu diễn cho bà con xem. Những ngày tổ chức lễ hội còn trong tiết Xuân nên đình tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa lân, kéo co... để dân vui xuân trẩy hội. Ngày lễ Kỳ yên cũng là dịp dân họp mặt nhau, trao đổi kinh nghiệm mùa màng, kể chuyện làm ăn, chuyện gia đình, con cái học hành đỗ đạt... Đó cũng là mối liên kết tình làng nghĩa xóm trong nhịp sống đô thị hối hả ngày nay. Ngoài chức năng là nơi sinh hoạt cộng đồng, đình còn là nơi dân Xuân Lộc gửi gắm niềm tin tâm linh của mình. Đêm giao thừa, dân có lệ đến đình cầu khấn mong một năm mới tốt đẹp và cúng tạ ân đức của thần, sau đó ra sân đình hái một chùm sung đặt lên mâm quả trên bàn thờ gia tiên.

Ngày nay, đình Xuân Lộc vẫn còn giữ được bản sắc phong thần - một giá trị văn hóa mà ít làng ở Nam bộ còn giữ được. Bản sắc phong thần Thành Hoàng và hệ thống hoành phi, liễn đối không những có giá trị nghệ thuật mà còn là cơ sở để các nhà nghiên cứu tìm hiểu về lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Xuân Lộc - Long Khánh. Đây là những giá trị văn hóa vô giá của cụm di tích để lại cho các thế hệ mai sau. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, đình Xuân Lộc - chùa Xuân Hòa đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 982/QĐ-UBND ngày 28-3-2008 của UBND tỉnh Đồng Nai.

Trong tâm thức của người dân TX.Long Khánh, chùa Xuân Hòa luôn tồn tại như một chứng nhân của quá trình khai lập làng. Nhiều người dân trân trọng và gọi chùa một cách gần gũi là "chùa làng minh". Mọi việc trong chùa đều do dân tự nguyện cắt đặt người lo liệu - một nét văn hóa tiêu biểu cho tính cộng đồng của cư dân làng Xuân Lộc xưa - Long Khánh ngày nay. Vào ngày rằm, ngày đầu tháng, chùa luôn có đông đảo phật tử dâng hương bái Phật. Hàng ngày cũng có nhiều người, kể cả các bạn trẻ đến vãn cảnh, chăm sóc cây cối, hoa kiểng trong chùa.

Gần một thế kỷ tồn tại, chùa vẫn lưu giữ được bản sắc của một ngôi chùa làng. Nếu ở hầu hết các chùa khác, mọi hoạt động đều do những tăng ni tại chùa phụ trách thì chùa Xuân Lộc hoàn toàn do dân làng điều hành và tổ chức. Mặc dù ngày nay làng Xuân Lộc đã trở thành TX.Long Khánh sầm uất, kinh tế đô thị phát triển nhanh, nhưng chùa làng vẫn còn đó, vẫn giữ trong mình những nét cổ xưa, là một giá trị tiêu biểu cho văn hóa làng Nam bộ trong quá trình đô thị hóa...

Anh Minh

  

Tin xem nhiều