Báo Đồng Nai điện tử
En

Đào Trí Phú - Người tài đất Hiệp Phước

09:05, 26/05/2008

Thời Nguyễn, tỉnh Biên Hòa có trên 22 người thi đậu cử nhân, tham gia gánh vác nhiều trọng trách của chính quyền, trong đó có Đào Trí Phú. Đào Trí Phú là một nhân vật có thể nói là niềm tự hào cho vùng đất Hiệp Phước - Nhơn Trạch.

Thời Nguyễn, tỉnh Biên Hòa có trên 22 người thi đậu cử nhân, tham gia gánh vác nhiều trọng trách của chính quyền, trong đó có Đào Trí Phú. Đào Trí Phú là một nhân vật có thể nói là niềm tự hào cho vùng đất Hiệp Phước - Nhơn Trạch.

 

Ông có tên là Đào Trí Kính, sinh tại làng Phước Kiển. Lúc bấy giờ, Phước Kiển thuộc Long Thành, dinh Trấn Biên, tỉnh Gia Định. Cho đến nay chưa rõ năm sinh và năm mất của ông. Cha ông là Trung Nghị Đại Phu Thái Bộc tự Khanh, tên thụy là Hiến Tịnh, mẹ là bà Thục Nhân họ Lê. Từ nhỏ, Đào Trí Kính là người rất ham học và khi thành tài, là quan trải ba triều vua nhà Nguyễn: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức.

Năm Minh Mạng thứ 6 (1825), Đào Trí Kính dự trường thi Hương Gia Định và đậu cử nhân thứ 14/15 người lấy đậu. Thời bấy giờ, thi Hương rất khó, người dự thi phải trải qua hai kỳ sát hạch, 4 kỳ thi. Cả vùng Gia Định rộng lớn xưa, số người lấy đậu chỉ có 15. Như thế mới biết, đậu được thi Hương không dễ dàng và cho thấy sức học của Đào Trí Kính là đáng khâm phục.

Thi đậu, Đào Trí Kính được đổi tên là Đào Trí Phú và bổ làm quan. Các chức vụ Đào Trí Phú kinh qua như: Thị lang, Tham tri bộ Hộ, Khâm sai của triều đình, Tổng đốc Nam Ngãi. Ông là một vị đại thần có uy tín đối với các triều vua mà ông theo giúp. Một số tư liệu cho thấy, Đào Trí Phú có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà lúc bấy giờ trên những chức phận mà ông được giao phó; trong đó, đặc biệt là mở mang thương mại nước nhà. Trong những thời kỳ lịch sử cụ thể, Đào Trí Phú được giao những trọng trách lớn. Thời Minh Mạng, ông được cử làm Khâm sai để tiếp đón phái bộ giao thương của Hoa Kỳ khi đến Việt Nam. Thế nhưng, vì nhiều lý do khách quan, cuộc tiếp xúc bất thành, bỏ lỡ cơ hội giao thương giữa hai quốc gia vào năm 1836. Thời Thiệu Trị, Đào Trí Phú được giao làm trưởng một phái đoàn để đi tìm kiếm nguồn hàng từ các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysia, Indonesia... Có một số giai thoại nói về ông là một con người vô cùng cẩn thận, có trí nhớ tuyệt vời, chính xác, biết tiếng nước ngoài và những điều đó giúp cho ông trở thành một vị quan giỏi về kinh doanh.

Nhưng số phận của Đào Trí Phú cũng thật bi hùng. Cuối đời, ông bị kết tội mưu phản và bị giết hại. Có nhiều giả thuyết về nguyên nhân cái chết của ông. Về cái chết của ông, tác giả Lương Văn Lựu trong Biên Hòa sử lược toàn biên cho rằng: ông bị quân triều đình đuổi theo, giết hại và thủ tiêu luôn thi thể tại Diên Khánh (Nha Trang). Lời truyền khẩu của người cao tuổi tại Hiệp Phước thì cho là Đào Trí Phú bị bắt đem về Long Thành và bị hành hình "tùng xẻo" rồi chôn tại vùng đất thuộc đình Long An, huyện Long Thành. Gia tộc và những người trong làng thương tiếc, lấy hài cốt của ông đem về chôn tại khu mộ cha mẹ ông. Khu mộ được cho là song thân của Đào Trí Phú hiện tồn trên đất Hiệp Phước. Trên khu mộ này có 2 tấm bia đá ghi hai bài minh với nội dung tán tụng song thân Đào Trí Phú. Cũng có giả thuyết cho rằng, có thể khu mộ này ban đầu chôn Đào Trí Phú, nhưng nói là mộ của song thân của ông nhằm che giấu triều đình và chính quyền lúc bấy giờ (vì ông bị xem là phạm trọng tội với triều đình). Bởi vì trước khi Đào Trí Phú bị giết chưa có hai tấm bia này mà chúng chỉ được dựng lên sau này. Hai tấm bia này có thể lấy bài minh của Đào Trí Phú viết lúc còn sống, lưu lại sau này được đem khắc đá, hoặc một người nào đó biết chữ Nho đã mượn danh ông viết và dựng lên.

Nội dung bài minh khắc trên bia mộ này cho thấy rõ thêm được gia đình của Đào Trí Phú và tấm lòng của ông - người con hiếu thảo đối với mẹ hiền - với những lời lẽ chân tình, cảm động:

"... Phú tôi mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ, mỗi khi nghe cha kể về bà, lòng không khỏi đứt từng đoạn ruột. Nay nhờ cậy ở mẹ hiền mà tôi được ơn vua đoái tưởng đến, nhưng khi mối cảm khái: "Cây muốn lặng mà gió chẳng chịu ngừng", lòng luôn quặn thắt buồn thương. Nay nhân kính cẩn trùng tôn điều cáo, nên thuật chuyện bà và viết bài minh rằng:

Chòi quê lạnh lẽo, lều nhỏ trống trơn không cửa nẻo. Đám chăn trâu huyên náo, bầy con nhỏ khóc ran, lá trầu vừa lớn thì lối hoang đã thành đường mòn. Giữ nghiêm cẩn đạo vợ hiền để chồng theo chí lớn. Ôi, con đường chồng ta chinh chiến khẩn cấp mà dài lâu nên cam phận con chim thư cưu kêu trong đám dâu. Nuôi dạy ba trai, đức mẹ hiền sâu thẳm. Nghi dung mờ nhạt, nghi dung mờ nhạt rồi, gương mẹ như vàng ròng!...". (Trích dẫn theo lời dịch của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng).

Đoạn cuối cuộc đời không kém phần bi hùng trong chuỗi dài sự kiện lịch sử chưa sáng tỏ, nhưng với những gì cống hiến cho nước nhà, Đào Trí Phú đã làm rạng danh cho đất Biên Hòa xưa.

P.N. Duyên Tâm

Tin xem nhiều