Báo Đồng Nai điện tử
En

3 bức hoành phi ở đình Phú Mỹ

08:05, 06/05/2008

Đình Phú Mỹ thuộc xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là một trong những di tích được nhà nước liệt hạng. Phú Hội là một địa bàn mà những lưu dân Việt đến khai khẩn sớm. Nơi đây, người Việt trong quá trình khai khẩn đã từng bước ổn định, tạo dựng cuộc sống và xây dựng một thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng.

Đình Phú Mỹ thuộc xã Phú Hội (huyện Nhơn Trạch) là một trong những di tích được nhà nước liệt hạng. Phú Hội là một địa bàn mà những lưu dân Việt đến khai khẩn sớm. Nơi đây, người Việt trong quá trình khai khẩn đã từng bước ổn định, tạo dựng cuộc sống và xây dựng một thiết chế văn hóa để đáp ứng nhu cầu tinh thần của cộng đồng. Trong hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược, Phú Hội là cái nôi của phong trào cách mạng.

Đình Phú Mỹ (ảnh) là một trong những ngôi đình cổ ở vùng đất miệt hạ sông Đồng Nai. Kiến trúc đình xây theo lối chữ tam mà mỗi gian là một kiểu kiến trúc nhà vuông. Đình có quy mô vừa, bộ khung kiến trúc chung của đình được làm bằng các loại gỗ quý. Trong không gian thờ phụng, chánh điện được xây dựng bởi ba bức tường bao bọc đơn giản nhưng tạo nên thế thâm nghiêm. Chung quanh đình không có tường bao, tạo nên sự hài hòa, gần gũi giữa đình với người dân trong một khung cảnh đẹp của vùng làng quê. Hệ thống thờ tự tại đình Phú Mỹ rất phong phú nhưng chủ thể là thờ thần Thành Hoàng bổn cảnh - một vị thần của làng xã mà người dân tin tưởng rằng đem lại bình yên cho xứ sở. Đồng thời, đình còn là nơi để người dân thể hiện lòng biết ơn tổ tiên, các bậc tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ. Tại đình còn lưu giữ nhiều câu đối, hoành phi có nội dung ca ngợi những bậc tiền nhân có công khai hoang lập làng.

Đặc biệt, tại di tích này có 3 bức hoành phi đại tự ca ngợi công ơn Bác Hồ. Đó là nghĩa cử thiêng liêng của người dân Phú Hội đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến của người dân miền Nam diễn ra quyết liệt. Trên địa bàn Đồng Nai, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, người dân Đồng Nai vẫn một lòng  tin tưởng vào một ngày mai thắng lợi.

Đầu  tháng 9-1969, một tin buồn đến với nhân dân miền Nam: Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Ở các vùng căn cứ cách mạng, lễ truy điệu Bác được tổ chức đơn sơ nhưng trang trọng. Thế nhưng, ở vùng địch chiếm giữ, người dân phải rất khó khăn trong việc bày tỏ lòng nhớ ơn, tiếc thương với vị lãnh tụ vĩ đại của đất nước. Bằng nhiều cách, người dân Long Thành - Nhơn Trạch dùng vải trắng may trong ve áo để tang Bác. Nhiều nhà thắp nhang trên bàn thờ tưởng nhớ Bác trước cảnh an ninh chính quyền đi tuần kiểm soát gắt gao. Lòng dân hướng về Bác Hồ với niềm thương tiếc vô bờ bến.

Tại Phú Hội, các bô lão trong làng bàn nhau rước linh Bác về thờ phượng ở đình làng. Điều khó khăn nhất là làm sao qua mắt được hệ thống tề điệp và cả một tiểu đoàn lính hỗn hợp đồn trú quanh đình Phú Mỹ. Cuối cùng, các bô lão đã chọn và rút từ kinh thi ba câu thích hợp, trân trọng khắc lên ba bức hoành phi sơn son thếp vàng với nội dung:

"Hồ nhiên nhi thiên.

 Chí vọng thâm ân.

 Minh hoài hậu đức"

Ba bức hoành phi này được đem treo trong đình. Đặc biệt, các chữ  đầu  của  ba  bức  hoành  phi  ghép lại thành tên của Người: HỒ CHÍ MINH.

Người dân địa phương đến đình thắp nhang, thầm đọc ba câu kinh thi, thầm gọi tên Bác. Dù trong hoàn cảnh đất nước còn chia cắt, người dân Phú Hội vẫn một lòng tâm niệm, giữ vững niềm tin, chiến đấu kiên cường để đáp lại lòng mong muốn của Bác, góp phần chung trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất nước nhà. Ngày nay, đến thăm đình ta thấy ba bức hoành phi treo thành một hàng ngang nơi chánh điện, thực ra trước kia, để qua mắt  kẻ địch, các bô lão đã treo ba bức ở ba vị trí cách biệt.

Các cụ bô lão địa phương kể lại lễ cầu siêu Bác cũng hết sức đặc biệt. Trong hoàn cảnh cường độ cuộc chiến bước vào giai đoạn khốc liệt, bộ máy kềm kẹp khống chế nghiệt ngã, thâm độc nhưng kẻ thù không thể biết được đàng sau nghi lễ kỳ yên thông thường ấy là tấm lòng tôn vinh, tiếc thương lãnh tụ của nhân dân.

Ngay sau ngày giải phóng, ảnh Bác được rước vào chánh điện và cũng từ đó lễ vía Bác hàng năm đã trở thành truyền thống. Trải qua bao năm tháng thăng trầm của lịch sử, ngôi đình vẫn hiện diện trên vùng đất Phú Hội với ba bức hoành phi như một minh chứng hùng hồn, thiêng liêng về lòng dân Phú Hội  đối với vị lãnh tụ kính yêu của đất nước. Người dân Phú Hội nói riêng, Long Thành - Nhơn Trạch nói chung vui mừng khôn kể khi đất nước được thống nhất, họ như thấy Bác Hồ hiện diện trong ngày vui chiến thắng.

Đinh Huyền Phan

Tin xem nhiều