Trong thời kỳ chống Mỹ, trên địa bàn Đồng Nai đã hình thành nhiều căn cứ kháng chiến quan trọng. Quân dân Đồng Nai đã tiến hành xây dựng những địa đạo để bám trụ, thực hiện nhiều cuộc tấn công vào kẻ thù.
Trong thời kỳ chống Mỹ, trên địa bàn Đồng Nai đã hình thành nhiều căn cứ kháng chiến quan trọng. Quân dân Đồng Nai đã tiến hành xây dựng những địa đạo để bám trụ, thực hiện nhiều cuộc tấn công vào kẻ thù.
Địa đạo Căn cứ Khu ủy miền Đông: Di tích thuộc Lâm trường Hiếu Liêm (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu). Hệ thống địa đạo nằm trên ngọn đồi đất sỏi nhiều tầng cây với diện tích 28 hécta. Địa đạo gồm có hệ thống giao thông hào, hệ thống địa đạo liên hoàn, các miệng địa đạo độc lập, hệ thống hầm trú ẩn và cơ sở làm việc của lãnh đạo Khu ủy miền Đông, cùng các cơ quan trực thuộc.
Địa đạo Suối Linh: Di tích tọa lạc tại Phân trường 3, Lâm trường Hiếu Liêm (xã Trị An, huyện Vĩnh Cửu). Hệ thống địa đạo nằm trọn trên quả đồi giữa vùng đồi núi của Chiến khu Đ với diện tích khoảng 30 hécta, độ cao trên 30m, được bao phủ bởi rừng nhiều cây cối. Di tích được cấu thành bởi hệ thống giao thông hào liên hoàn, hầm trú ẩn và địa đạo. Giao thông hào có chiều dài 260m, sâu 0,6m, rộng 0,6m, được nối thông vào lòng địa đạo, phục vụ cho việc canh gác, chiến đấu. Hệ thống địa đạo dài 383m được phân bổ chủ yếu ở hai hướng Bắc và Đông Bắc tạo thành hai trục chính hình chữ V trên diện tích của ngọn đồi. Lòng địa đạo có chiều cao trung bình từ 1,6 - 1,8m, rộng 0,8m, có hệ thống thông hơi trổ lên đất. Mặt bằng di tích còn lưu lại nhiều miệng giếng, đây là cách thức khi tiến hành phân đoạn đào địa đạo. Địa đạo Suối Linh là căn cứ đứng chân của Ban Thông tin Khu ủy miền Đông trong thời kỳ 1962 cho đến năm 1967.
Địa đạo Bùng Binh: Theo sách sử về Biên Hòa, tháng 10-1974, Tiểu đoàn đặc công (Đoàn 113) xây dựng, hình thành căn cứ Bùng Binh cách thị xã Biên Hòa 3km về hướng Bắc. Đây là hệ thống địa đạo dài 450m, rộng 1,4m, sâu 0,6m được cấu tạo với nhiều cửa chiến đấu và chống hơi ngạt. Địa đạo chứa khoảng 300 người, 2 tấn thuốc nổ, 2 tấn lương thực. Ngoài ra, lực lượng cách mạng còn triển khai 10 hầm bí mật từ căn cứ xuống sát các mục tiêu của địch ở Hốc Bà Thức, sân bay Biên Hòa để làm đường dây mật. Từ căn cứ địa đạo này, lực lượng đặc công tổ chức các đợt nắm bắt tin tức, trinh sát và tấn công vào các mục tiêu của địch trong vùng nội ô Biên Hòa.
Địa đạo Phước An: Di tích tọa lạc trong khu vực lòng chảo thuộc xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch). Vị trí địa đạo cách quốc lộ 51 về hướng Đông khoảng 10km, cách sông Nhà Bè về hướng Tây 17km và cách thị trấn Long Thành 12km về hướng Đông Bắc.
Trong thời kỳ chống Mỹ, từ năm 1962, Huyện ủy Nhơn Trạch chủ trương hình thành khu địa đạo để làm nơi đứng chân lâu dài lãnh đạo quân dân thực hiện kháng chiến. Nơi đây, Huyện ủy Long Thành, Nhơn Trạch và Đoàn 10 rừng Sác đã đứng chân, tổ chức nhiều trận đánh địch trên sông Lòng Tàu, kho đạn Thành Tuy Hạ. Đây cũng là vùng căn cứ đã góp phần cho các binh chủng Miền phát huy sức mạnh trong chiến dịch Hồ Chí Minh khi tấn công, uy hiếp địch từ hướng Đông Nam Sài Gòn...
Địa đạo Tam Phước: Di tích thuộc địa phận ấp Long Khánh 2, xã Tam Phước (huyện Long Thành). Đây là căn cứ của Huyện ủy Long Thành trong thời chống Mỹ, giai đoạn 1962 đến 1968.
Thực hiện chủ trương của Khu ủy miền Đông, Huyện ủy Long Thành chọn khu rừng Tam Phước làm căn cứ bám trụ, xây dựng hệ thống địa đạo đứng chân hoạt động. Hệ thống địa đạo được cấu thành bởi các giao thông hào, ô chiến đấu, công sự và địa đạo liên hoàn. Toàn bộ địa đạo nằm trong khu rừng chồi với nhiều tre gai dày đặc có diện tích khoảng 1 hécta. Hệ thống địa đạo liên hoàn trên trục chính từ Đông sang Tây dài 280m. Trong lòng địa đạo có nhiều đoạn gấp khúc, uốn lượn quanh co. Đường đi trong lòng địa đạo tương đối bằng phẳng và được bố trí những ngách hầm dùng làm nơi làm việc. Nét đặc trưng mang tính sáng tạo của địa đạo Tam Phước là hệ thống cửa âm thoát hiểm và hầm chông trong lòng địa đạo.
Những hệ thống địa đạo trên đã được quân dân Đồng Nai sử dụng trong các giai đoạn khác nhau của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Chính dựa vào những hệ thống địa đạo này, lực lượng cách mạng đã vượt qua những khó khăn, kiên cường bám trụ trước sức tấn công của địch để thực hiện công tác chỉ đạo, lãnh đạo quân và dân chiến đấu, góp phần thắng lợi cho đến ngày miền Nam giải phóng.
Duyên Tâm