Cù lao Phố là nơi có nhiều cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng cư dân sinh sống ở Biên Hòa. Miếu Quan Đế hay Thất phủ cổ miếu là một trong nhưng cơ sở tín ngưỡng cổ kính của người Hoa, được người dân địa phương gọi là chùa Ông. Đây là một di tích lịch sử kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Cù lao Phố là nơi có nhiều cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng cư dân sinh sống ở Biên Hòa. Miếu Quan Đế hay Thất phủ cổ miếu là một trong nhưng cơ sở tín ngưỡng cổ kính của người Hoa, được người dân địa phương gọi là chùa Ông. Đây là một di tích lịch sử kiến trúc khá độc đáo, được xây dựng vào thế kỷ XVII.
Một số sử sách cho biết, di tích là "... một miếu điện nguy nga ở phía Nam châu Đại Phố huyện Phước Chính, trông ra sông Phước Long, đền đài rộng rãi, tráng lệ với hai Hội quán Phước Châu và Quảng Đông...". Châu Đại Phố vốn là thương cảng Cù lao Phố xưa, Phước Long Giang chính là tên gọi của sông Đồng Nai trước đây và huyện Phước Chính xưa rộng lớn mà địa phận TP. Biên Hòa nay nằm trong phạm vi đơn vị hành chính này. Cộng đồng người Hoa do Trần Thượng Xuyên đến Biên Hòa có công tạo dựng nên cơ sở tín ngưỡng này. Cơ sở tín ngưỡng này do bảy phủ người Hoa; Phước Châu, Chương Châu, Quảng Châu, Triều Châu, Quỳnh Châu và Ninh Ba đóng góp công của xây dựng vào năm 1864. Với niên đại này, có thể xem chùa Ông (miếu Quan Đế) là cơ sở tín ngưỡng đầu tiên của người Hoa trên cả vùng
Tổng thể kiến trúc của di tích có kiểu hình chữ khẩu, được bố trí theo "nội công ngoại quốc". Trong chùa lưu giữ một tập hợp tượng thờ về hệ thống thần linh chính yếu của người Hoa sinh sống trên đất Biên Hòa. Đó là tín ngưỡng thờ Quan Công /Quan Thánh đế quân, thờ bà Thiên Hậu, mẹ Sanh mẹ Độ, Phúc thần, Tài thần... Nội thất chùa được trang trí với những mảng kiến trúc đa dạng như: bao lam, liễn đối, khám thờ được chạm trổ tinh tế, thể hiện những điển tích, hình ảnh của các thần linh, vật linh, cảnh trí, sinh hoạt... trong quan niệm của người Hoa. Bên cạnh đó là những mảng văn tự Hán, với trình độ chạm khắc tinh xảo, thủ pháp nghệ thuật tinh tế. Phía sau chánh điện là lầu thờ Quan Âm, được xây dựng vào năm 1927, sau này được tôn tạo mới và phối thờ nhiều tượng thờ có tính dung hợp dân gian.
Kiến trúc bên ngoài của di tích là một trong tính nghệ thuật khá độc đáo, thể hiện nét đặc trưng của cơ sở tín ngưỡng Hoa. Hai tượng ông Nhựt, bà Nguyệt đặt trên bờ nóc tiền điện là một trong những đặc trưng cơ bản tạo nên nghi dung của một ngôi chùa Hoa. Bên cạnh đó, trên mái chùa là một quần thể tượng gốm liên hoành, sắc sảo. Những mảng tượng gốm với các đề tài lễ hội tiêu biểu như hát tuồng, múa cung đình, đá cầu, chuyện tích dân gian... được thể hiện sinh động. Những mảng chất liệu bằng đá được thiết kế bằng các tượng thú, hoa văn mỹ thuật đa dạng vừa là cấu kiện của kiến trúc vừa là một tác phẩm nghệ thuật điêu khắc làm cho chùa độc đáo so với các di tích tín ngưỡng trên vùng Cù lao Phố.
Kể từ khi xây dựng đến nay, chùa Ông đã trải qua nhiều đợt trùng tu, tôn tạo. Vì vậy, những thành tố cấu kết kiến trúc di tích hiện tồn bao gồm những thành tố không đồng nhất về niên đại và cũng không thuần nhất về phong cách, kiểu thức nghệ thuật. Đó là lẽ tự nhiên của sự bảo tồn trước sự biến chuyển, đổi thay của tự nhiên, xã hội. Đó cũng chính là giá trị lịch sử đánh dấu sự tiến triển của di tích qua nghệ thuật tạo hình, điêu khắc của cư dân, của sự giao thoa văn hóa, của sự phát triển của cộng đồng cư dân một vùng đất, đã diễn ra trên phạm vi Biên Hòa xưa - Đồng Nai nay.
Đinh Huyền Dũng