Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai những ngày tháng 4-1975

08:04, 22/04/2008

Địa bàn Đồng Nai những ngày tháng 4-1975 rất sôi động. Trước sức tấn công của lực lượng cách mạng, một số địa bàn đã từng bước được giải phóng.

Địa bàn Đồng Nai những ngày tháng 4-1975 rất sôi động. Trước sức tấn công của lực lượng cách mạng, một số địa bàn đã từng bước được giải phóng.

 

Chiến dịch Xuân Lộc bắt đầu từ ngày 9-4 đến 21-4-1975. Cuộc chiến giữa quân cách mạng và quân lực chính quyền Sài Gòn diễn ra giằng co, quyết liệt. Sau 12 ngày đêm, chiến dịch Xuân Lộc đã đem lại kết quả. Tuyến phòng thủ thép của chính quyền Sài Gòn thiết lập ở hướng Đông Bắc bị đập tan. Quân đoàn 4 phối hợp với vũ trang địa phương tấn công, giải phóng địa bàn Long Khánh (Long Khánh lúc bấy giờ là đơn vị hành chính cấp tỉnh).

Trong thời gian diễn ra chiến dịch Xuân Lộc, ở hướng Bắc của Biên Hòa, ngày 16-4, toàn bộ chi khu, yếu khu, đồn bót, các chốt quân sự của địch ở Tân Phú với khoảng 3.600 tên địch cùng toàn bộ tề xã, ấp ở địa phương đều bị quét sạch. Địa bàn Tân Phú - Định Quán được giải phóng (tỉnh Tân Phú được Trung ương Cục miền Nam thành lập vào tháng 10-1974).

 Quân địch rút chạy theo hướng quốc lộ 1 về Biên Hòa - Sài Gòn trong cơn hoảng loạn vẫn tập trung lại để chống trả sức tấn công của quân giải phóng. Lực lượng Sư đoàn 6 với sự tăng cường của Trung đoàn 209 (Sư đoàn 7) và Trung đoàn đặc công Miền 113 tấn công chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3, Sư đoàn 18 ngụy, sân bay Biên Hòa. Quân khu Miền Đông thành lập Trung đoàn 5 phối hợp lực lượng địa phương tấn công địch ở Biên Hòa.

Ngày 25-4, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 ngụy bỏ Biên Hòa rút chạy về Gò Vấp. Ngày 26-4, quân giải phóng đánh chiếm cầu Đồng Nai. Ngày 27-4, trận tiến công Trảng Bom, Biên Hòa  đồng loạt bắt đầu. Pháo binh ta pháo kích các mục tiêu địch tại trung tâm Trảng Bom, Bàu Cá, ga Sông Mây, Suối Đĩa, Trà Cổ, Hố Nai (khu vực Trảng Bom) và sân bay, căn cứ Long Bình (khu vực Biên Hòa) để mở cửa cho các cánh quân tạo thành các mũi hiệp đồng tiêu diệt địch.

Sau một ngày tấn công, các chốt chặn của địch tại Trảng Bom nhanh chóng tan rã. Căn cứ Long Bình và sân bay Biên Hòa đến ngày 28-4, quân giải phóng đã tiến chiếm. Ngày 29-4, quân cách mạng đánh bật lực lượng quân địch ra khỏi khu vực Hố Nai.

Ngày 28-4, quân giải phóng đánh chiếm khu vực Hố Nai, chiếm một số vị trí giao thông thiết yếu ở cầu Ghềnh, cầu Hang, cầu Mới trong địa bàn Biên Hòa và cô lập thị xã Biên Hòa.

Ngày 29-4, Sư đoàn 304 Quân đoàn 2 cùng bộ đội địa phương giải phóng hoàn toàn Long Thành. Ở Biên Hòa, Tỉnh ủy Biên Hòa phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Ủy ban khởi nghĩa Khu kỹ nghệ phát lệnh và lực lượng công nhân chiếm giữ 17 nhà máy, chiếm lĩnh khu trung tâm điều hành.

Sáng 30-4, đồng chí Trương Thị Sáu đã đột nhập và treo cờ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam tại Tòa hành chính tỉnh Biên Hòa. Lực lượng quân giải phóng và bộ đội địa phương từ các hướng tấn công, tiến vào giải phóng thị xã Biên Hòa. 10 giờ ngày 30-4, toàn bộ trung tâm đầu não bộ máy của chính quyền Sài Gòn tại Biên Hòa đều bị quân cách mạng đánh chiếm. Ủy ban Quân quản Biên Hòa và Trung đoàn 5 tiến vào tiếp quản Tòa hành chính Biên Hòa trong sự đón chào, cổ vũ của hàng ngàn người dân. Tỉnh Biên Hòa được hoàn toàn giải phóng.

Phan Nguyễn

Tin xem nhiều