Báo Đồng Nai điện tử
En

Cát Tiên - bí ẩn vùng đất thánh

09:04, 25/04/2008

Đó là tên gọi của cuộc trưng bày được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh từ ngày 22-4 đến tháng 8-2008. Trong những ngày đầu, cuộc trưng bày đã thu hút nhiều người đến tham dự, đặc biệt là giới nghiên cứu về văn hóa - lịch sử trước những thành tựu của ngành khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX.

Đó là tên gọi của cuộc trưng bày được tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh từ  ngày 22-4 đến tháng 8-2008. Trong những ngày đầu, cuộc trưng bày đã thu hút nhiều người đến tham dự, đặc biệt là giới nghiên cứu về văn hóa - lịch sử trước những thành tựu của ngành khảo cổ học Việt Nam cuối thế kỷ XX.

 

Ngẫu tượng linga-yoni (sinh thực khí) được trưng bày.

Tên gọi Cát Tiên ngày nay gắn liền với vườn quốc gia Cát Tiên mà phạm vi của nó trải rộng trên ba tỉnh vùng miền Đông Nam bộ: Đồng Nai (38.100 hécta), Lâm Đồng (30.635 hécta) và Bình Phước (5.143 hécta). Đây là vườn quốc gia có diện tích lớn nhất trong các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam. Cát Tiên được biết đến là một bảo tàng đa dạng sinh học của thế giới. Tầm quan trọng và những giá trị vốn có của Cát Tiên được ghi nhận tầm cỡ thế giới khi tổ chức UNESCO liệt vào danh mục Khu dự trữ sinh quyển thứ 411 trên thế giới vào năm 2001.

Trong phạm vi của vườn quốc gia Cát Tiên, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều di tích, di vật phản ánh một nền văn minh phát triển của những lớp cư dân cổ xưa ở xã Đức Phổ (huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng), xã Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai)... Từ phát hiện ngẫu nhiên năm 1985 đến nay, ngành khảo cổ Việt Nam đã tiến hành 8 đợt khai quật lớn trong 2 thập niên (1985 - 2006), làm phát lộ một quần thể di tích, gồm kiến trúc đền tháp và hàng ngàn hiện vật với nhiều chất liệu trải dài trên 15km thuộc tả ngạn sông Đồng Nai. Tại phòng trưng bày, những dạng thức kiến trúc đền tháp ở Cát Tiên được thể hiện bằng mô hình và hình ảnh rất sinh động. Đặc biệt, những hiện vật tiêu biểu được phát hiện qua các đợt khai quật  được trưng bày như: ngẫu tượng linga - yoni bằng nhiều chất liệu như vàng, bạc, đồng, thạch anh, đá với nhiều kích cỡ khác nhau; hàng chục mảnh kim loại vàng dát mỏng khắc vẽ các thần linh, linh vật tinh tế, sắc sảo; các tượng thần phúc, thần Ganesa, nữ thần Durga bằng đá; các bản minh văn, cột kiến trúc, mảng phù điêu đá được chạm khắc nghệ thuật; nhiều hiện vật gốm, các khuôn đúc công cụ...

 

Một phát lộ tại dấu tích kiến trúc di tích.

Các di tích, di vật Cát Tiên cho thấy đây là khu vực được xem là thánh địa tôn giáo (Bàlamôn giáo), có niên đại kéo dài từ thế kỷ IV đến thế kỷ IX. Chủ nhân của khu di tích chịu ảnh hưởng của văn minh Ấn Độ và có mối quan hệ mật thiết với văn hóa Óc Eo (Nam bộ), văn hoá Chăm Pa (Trung bộ). Sự định vị trung tâm là thánh địa Cát Tiên với quy mô đồ sộ của quần thể kiến trúc đền tháp thì những di tích phát hiện trải trên địa bàn Đồng Nai từ Rạch Đông (huyện Trảng Bom), Nam Cát Tiên (huyện Tân Phú), các cụm di tích Cây Gáo, miễu Ông Chồn (huyện Vĩnh Cửu)... là một trong những bộ phận cấu thành sự đa dạng của một nền văn minh phát triển trong thiên niên kỷ đầu công nguyên ở vùng miền Đông Nam bộ. Hội đồng Di sản quốc gia Việt Nam đang xúc tiến những bước đi cần thiết để đề nghị công nhận Cát Tiên là di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới.

Phan Đình Dũng

 

 

Tin xem nhiều