Báo Đồng Nai điện tử
En

Xây dựng gia đình văn hóa: Chú trọng nâng cao chất lượng

09:03, 03/03/2008

Lâu nay, không ít người vẫn hoài nghi giá trị thực tiễn của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cho đó chỉ là việc làm hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, đối với một số gia đình, danh hiệu "Gia đình văn hóa" chẳng có mấy ý nghĩa, nhưng với số đông hộ gia đình thì danh hiệu này chứa đựng những giá trị tinh thần đáng kể.

Lâu nay, không ít người vẫn hoài nghi giá trị thực tiễn của phong trào xây dựng gia đình văn hóa, cho đó chỉ là việc làm hình thức, không mang lại hiệu quả thiết thực. Trên thực tế, đối với một số gia đình, danh hiệu "Gia đình văn hóa" chẳng có mấy ý nghĩa, nhưng với số đông hộ gia đình thì danh hiệu này chứa đựng những giá trị tinh thần đáng kể.

 

Đón nhận danh hiệu "Ấp, khu phố văn hóa" ở huyện Cẩm Mỹ.

* Gia đình văn hóa - niềm tự hào

 

Đến nhà ông Nguyễn Đình Điền, ở phường Long Bình, TP. Biên Hòa, mọi người thấy ngay trong phòng khách có chiếc tủ kính, trong đó trưng bày nhiều hiện vật ghi nhận thành tích của gia đình ông, đặc biệt là tấm bằng "Gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc" năm 2007 do Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa Trung ương tặng. Gia đình ông Điền là một trong số 12 gia đình văn hóa của tỉnh Đồng Nai được vinh dự tham gia "Hội nghị tuyên dương gia đình văn hóa tiêu biểu xuất sắc toàn quốc" tại Hà Nội vào tháng 9-2007. Người dân tín nhiệm gia đình ông bởi vợ chồng, con cái, dâu rể đều hòa thuận. Hai ông bà đã nuôi dạy các con thành đạt, có hai công ty TNHH ăn nên làm ra, đóng góp tích cực cho các phong trào "đền ơn đáp nghĩa","xóa đói giảm nghèo"của địa phương.

Nhưng ông Điền thuộc hàng "chức sắc" ở địa phương, nhận thức tiến bộ, còn những người lao động nghèo thì sao? Mới đây, chúng tôi đến thăm một gia đình gốc Thái Nguyên, vì nghèo khó mà phải bỏ quê vào tạm trú tại phường Quang Vinh (TP. Biên Hòa). Chị vợ làm nghề buôn bán vặt, anh chồng thì đào giếng, phụ hồ, ai thuê gì làm nấy. Điều đập vào mắt chúng tôi là trên tường nhà anh chị treo khá nhiều giấy công nhận đạt chuẩn "Gia đình văn hóa". Chúng tôi thầm nghĩ, gia đình này mới tạm trú trong "xóm liều" chưa bao lâu, vậy thì họ tham gia phong trào xây dựng "Gia đình văn hóa" từ bao giờ để được phường công nhận là gia đình văn hóa? Nhưng đọc kỹ lại những tấm giấy công nhận, chúng tôi mới vỡ lẽ, hóa ra nơi cấp giấy là... tỉnh Thái Nguyên chứ không phải Đồng Nai! Thì ra, khi vào Biên Hòa, vợ chồng anh chị đã mang theo giấy công nhận "Gia đình văn hóa" và trịnh trọng treo lên tường nhà, như một niềm vinh dự của gia đình!

Chẳng phải riêng họ, nhiều gia đình nghèo, trình độ học vấn thấp cũng rất tự hào khi được công nhận danh hiệu gia đình văn hóa. Người ta treo bằng công nhận gia đình văn hóa trên tường, bên cạnh giấy khen thành tích học tập của các con, như một bằng chứng về sự tiến bộ, hạnh phúc của gia đình mình. Hiện nay các huyện Trảng Bom, Định Quán, Thống Nhất đã "phủ sóng" gần hết các hộ có gắn bảng gia đình văn hóa bằng mica. Huyện nghèo như Cẩm Mỹ chưa làm được bảng thì người dân mang sổ công nhận gia đình văn hóa ra ép plastic, nhằm giữ được lâu. Rõ ràng, tấm bảng gia đình văn hóa đã có tác động tích cực đến đời sống tinh thần của người dân. Mọi nhà tự hào hơn khi được xã hội thừa nhận là một gia đình có văn hóa.  

 

* Bình xét gia đình văn hóa:  nơi khó, nơi dễ

 

Tiêu chí công nhận gia đình văn hóa đã được phổ biến công khai, gồm các điều khoản cụ thể. Nhưng việc bình xét, công nhận danh hiệu gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh mỗi nơi lại một khác. Có nơi tổ chức qua loa, không họp dân, không mời công an dự, hễ thấy trên địa bàn không có vụ việc nào "nổi cộm" thì viết báo cáo cho thật "xôm". Thậm chí, có nơi cán bộ đến phát sổ cho người dân rồi... bỏ luôn, không hướng dẫn đăng ký, cũng chẳng đến thu sổ về. Một vài nơi có tỷ lệ gia đình văn hóa đạt cao nhưng tệ nạn xã hội chẳng những không giảm mà còn tăng.

Trong khi đó, ở nhiều địa phương việc bình xét gia đình văn hóa diễn ra khá "gay cấn". Một cán bộ của phòng văn hóa - xã hội - một huyện miền núi có lần đã "vanh vách" kể về tình hình xây dựng gia đình văn hóa của huyện nhà làm chúng tôi giật mình. Trong số những gia đình chưa được công nhận đạt chuẩn gia đình văn hóa có cả cán bộ, công chức.  Lý do không được bình chọn rất cụ thể: bạo hành gia đình, con em trốn nghĩa vụ quân sự, nghiện ma túy, không tham gia xã hội hóa giao thông, chồng có... vợ nhỏ. Xem thế đủ thấy người dân rất quan tâm đến việc bình chọn gia đình văn hóa, nhà nào "có vấn đề" thì trong ấp, khu phố nhất định không bình chọn. Ở ấp Đức Long (xã Gia Tân II, huyện Thống Nhất), nhà nào lỡ mắc khuyết điểm như con em vi phạm luật an toàn giao thông thì bị dán cờ xanh, cờ vàng. Vì vậy mà các hộ gia đình đều cố gắng để trong nhà lúc nào cũng có cờ đỏ.

* Hướng đi của phong trào

Phong trào xây dựng gia đình văn hóa tỉnh Đồng Nai nếu xét về số lượng thì tỷ lệ các hộ gia đình đạt chuẩn cao hơn so với nhiều tỉnh thành trong cả nước: toàn tỉnh có 89% gia đình đạt chuẩn gia dình văn hóa (nhiều tỉnh chỉ đạt khoảng 70 - 75%). Tuy nhiên, chất lượng gia đình văn hóa của tỉnh chưa ổn định và chưa đồng đều giữa các khu vực. Điều này khiến những người có tâm huyết với phong trào rất băn khoăn, trăn trở. Nhưng đáng mừng là các huyện, thị sau khi đạt chỉ tiêu đã bắt đầu chú ý đến việc nâng cao chất lượng phong trào. Trảng Bom là huyện đầu tiên thực hiện khen thưởng cho các gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa (mỗi gia đình 50.000 đồng). Nhiều mô hình mới như CLB gia đình văn hóa, tổ phụ nữ phòng chống bạo hành...  đã giúp các gia đình chia sẻ kinh nghiệm phòng chống bạo hành, nuôi dạy con tốt, phát triển kinh tế gia đình. Rào cản hiện nay là các gia đình đang phải đối mặt với nhiều thách thức: sự xuống cấp về đạo đức, đời sống khó khăn, khuynh hướng thực dụng, tôn sùng lối sống cá nhân v.v... Năm 2008, chỉ tiêu tỉnh đề ra là 93% số hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hóa. Bởi vậy, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa không chỉ là trách nhiệm của các ban ấp, các tổ dân phố, tổ tự quản mà phải là trách nhiệm chung của cả cộng đồng...

Hồng Ngọc

 

Tin xem nhiều