Báo Đồng Nai điện tử
En

Vở kịch nói "Nhà có ba chị em" của Nhà hát tuổi trẻ, phát trên VTV1 đêm 22-3: Sẻ chia cùng phái đẹp

09:03, 24/03/2008

Phụ nữ là linh hồn, là người thắp sáng ngọn lửa tình yêu trong mỗi gia đình. Nhưng phụ nữ, tiếc thay cũng mang trong mình những khiếm khuyết "đặc thù" của phái tính, khiến cho họ đôi khi tự đánh mất hạnh phúc gia đình và trở thành nạn nhân của chính mình. Tú, Nhiên và Quỳnh - ba người phụ nữ trong vở kịch nói "Nhà có ba chị em" (biên kịch: Thu Phương, đạo diễn: NSƯT Anh Tú) - chính là những phụ nữ như thế.

Phụ nữ là linh hồn, là người thắp sáng ngọn lửa tình yêu trong mỗi gia đình. Nhưng phụ nữ, tiếc thay cũng mang trong mình những khiếm khuyết "đặc thù" của phái tính, khiến cho họ đôi khi tự đánh mất hạnh phúc gia đình và trở thành nạn nhân của chính mình. Tú, Nhiên và Quỳnh - ba người phụ nữ trong vở kịch nói "Nhà có ba chị em" (biên kịch: Thu Phương, đạo diễn: NSƯT Anh Tú) - chính là những phụ nữ như thế.

Chuyện kịch diễn ra đơn giản: một người đàn ông (Đức Khuê đóng) góa vợ, "gà trống nuôi con" một mình. Cha lo làm ăn, lại thiếu sự bảo ban săn sóc của mẹ nên ba cô con gái lớn lên thành ba nhân cách không hoàn hảo: chị cả Tú  (NSƯT Minh Hằng) ly dị chồng, mang đứa con gái (Sương) về cho ông ngoại nuôi rồi tái hôn với Sinh - một kẻ vũ phu, thô lỗ, bài bạc và ăn bám vợ. Sự nhẫn nhục đến vô lý của Tú đã vô tình tiếp tay cho thói vô trách nhiệm của Sinh, đồng thời làm bùng lên sự phản kháng mạnh mẽ của Sương - cô con gái riêng lúc nào cũng đau khổ vì khát tình yêu của mẹ. Người chị thứ hai là Nhiên (Quách Thu Phương) xinh đẹp, đa tình, không lúc nào cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Nhiên thường dằn vặt chồng (NSƯT Anh Tú) vì cho rằng anh không làm ra tiền, thiếu quan tâm săn sóc vợ, không biết ga-lăng... Bất mãn với chồng, Nhiên mơ tưởng Quân - người đàn ông mà chị ngẫu nhiên quen biết chỉ bởi anh ta rót vào tai chị những lời ngọt ngào, tình tứ trong khi thực ra, anh ta chỉ là một gã sở khanh lọc lõi. Khôn ngoan, thực tế hơn hai người chị, cô em út Quỳnh (Kim Oanh) chỉ sau 15 ngày làm quen với một Việt kiều Mỹ đã sẵn sàng  lên xe hoa với anh ta. Túi rủng rỉnh "đô", Quỳnh phó thác con thơ cho ông ngoại để được tự do bay nhảy và tin rằng mình đang sống "hợp thời " vì vừa có tình, vừa có tiền... 

Cuộc sống đầy bất trắc của ba chị em chao đảo và sụp đổ khi Tú bị Sinh lừa lấy hết tiền rồi bỏ trốn; Quỳnh phát hiện ra gã chồng Việt kiều đã có vợ con bên Mỹ, cô chỉ là kẻ "lấp chỗ trống" mỗi khi anh ta về Việt Nam. Bất ngờ hơn, Vinh cũng dứt tình với Nhiên vì không còn hy vọng người vợ mà anh hết lòng yêu thương có thể đồng cảm, chia sẻ với mình. Ba chị em gái trở thành ba "hòn vọng phu" sau một chuỗi những yếu đuối, lầm lẫn, ngộ nhận, nông nổi... Chấp nhận trả giá đau đớn, họ cùng sám hối trước mặt người cha, để rồi bảo nhau phải đứng lên, làm lại...

Vì là phụ nữ nên trong "Nhà có ba chị em", tác giả Thu Phương tỏ ra thật tinh tế khi lột tả những khía cạnh tâm lý "rất đàn bà" của từng nhân vật.  Không nhiều yếu tố gay cấn và tình huống hài nhưng "Nhà có ba chị em" vẫn hấp dẫn nhờ vở kịch đề cập đến một vấn đề luôn thời sự: hạnh phúc gia đình rất mong manh, "người nội tướng" dù mạnh mẽ vẫn là những tâm hồn dễ bị tổn thương, đổ vỡ khi rơi vào hoàn cảnh éo le, bế tắc. Đừng để phụ nữ đơn độc mà hãy cùng ghé vai gánh vác sứ mệnh làm mẹ, làm vợ của họ, hãy nâng đỡ họ - những người đáng được sẻ chia, thông cảm và yêu thương - đó là thông điệp mà vở kịch gửi đến khán giả xem truyền hình.

Hồng Ngọc

Tin xem nhiều