Báo Đồng Nai điện tử
En

Thư viện điện tử: Tiện ích cho nhiều phía

09:03, 06/03/2008

Bắt đầu triển khai từ năm 2005, đến nay đề án Thư viện điện tử (TVĐT) đã cơ bản hoàn thiện và từng bước hoạt động ổn định. Đây được xem là một bước đột phá trong công tác quản lý, tra cứu dữ liệu trong hệ thống thư viện của Đồng Nai.

Bắt đầu triển khai từ năm 2005, đến nay đề án Thư viện điện tử (TVĐT) đã cơ bản hoàn thiện và từng bước hoạt động ổn định. Đây được xem là một bước đột phá trong công tác quản lý, tra cứu dữ liệu trong hệ thống thư viện của Đồng Nai.

 

Bạn đọc đang tra cứu tên sách trên mạng thư viện điện tử tại Phòng mượn của Thư viện tỉnh.

Chị Lê Thị Dung, phụ trách Phòng khai thác thông tin của Thư viện Đồng Nai cho biết trước kia, để tra cứu danh mục sách, ngay bản thân cán bộ thư viện chứ chưa nói gì đến độc giả nhiều khi phải mất cả tháng trời để lục lọi, tìm kiếm. Thế nhưng từ khi triển khai đề án TVĐT, chỉ cần một cái click chuột, mọi người đã có thể tìm ra tên đầu sách mình muốn tìm trong tích tắc. "Trước kia, không phải cán bộ thư viện nào cũng thuộc đầu sách nên dẫn đến việc mua mới bổ sung nguồn sách dễ bị trùng lắp, đồng thời việc xử lý, phân loại sách gặp nhiều khó khăn do có quá nhiều đầu sách, nhiều thể loại. Phần mềm TVĐT hoạt động, mọi thứ trở nên đơn giản hơn rất nhiều. Cán bộ thư viện như chúng tôi vừa đỡ mất thời gian trong việc xử lý, phân loại sách mà ngay cả việc trao đổi sách cho các huyện và mua sách mới cũng rất nhẹ nhàng" - chị Dung nhấn mạnh.

Hiện nay, hệ thống phần mềm TVĐT đang lưu giữ hơn 100 ngàn tên đầu sách các loại. Từ Thư viện tỉnh, cán bộ thư viện và bạn đọc có thể truy cập, tìm kiếm thông tin từ hệ thống thư viện các địa phương khác trong tỉnh và ngược lại. "Đến thời điểm này, 10/11 huyện, thị xã và thành phố đều đã được triển khai liên thông đề án TVĐT. Chỉ còn duy nhất huyện Cẩm Mỹ là chưa xây dựng được trụ sở cho thư viện nên chưa thể nối mạng hệ thống này. Các địa phương còn lại, dù chưa phải địa phương nào cũng xây dựng được trụ sở mới khang trang, song chúng tôi cũng đã cố gắng tạo điều kiện để các thư viện này kết nối với hệ thống TVĐT trong tỉnh. Cán bộ thư viện và bạn đọc có thể tìm kiếm các tài liệu ở Thư viện tỉnh một cách dễ dàng" - ông Trần Tất Thành, Giám đốc Thư viện tỉnh nói.

Ông Thành cũng cho biết thêm, ý tưởng xây dựng đề án TVĐT đã được ấp ủ từ năm 2000. Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở vật chất lúc ấy còn hạn chế nên phải đến năm 2005, khi cơ sở thư viện mới khánh thành, đề án mới bắt đầu được triển khai. "Lúc đầu chúng tôi rất lo lắng, không biết đề án có trở thành hiện thực hay không khi trong cả nước mới có một, hai địa phương áp dụng mô hình này. Cơ sở vật chất thì tương đối an tâm nhưng về con người thì quả thật rất đáng ngại vì từ trước giờ, cán bộ thư viện đa số làm việc thủ công, chưa mấy ai rành về vi tính. Thế mà chỉ một năm sau khi triển khai dự án, chúng tôi rất mừng khi anh chị em đã tự học tập để nâng cao trình độ, đáp ứng được yêu cầu công việc mới. Ngay cả đến đội ngũ cán bộ thư viện huyện cũng tiến bộ đáng kể. Nay thì bộ máy thư viện các cấp trong tỉnh đã hoạt động khá suôn sẻ" - ông Trần Tất Thành cho biết.

Để đề án TVĐT ngày càng hoàn thiện, sắp tới, Thư viện tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư để nâng cấp phần mềm quản lý. Sẽ không chỉ có thư viện tỉnh trao đổi được thông tin, tra cứu sách với các thư viện huyện mà giữa thư viện các huyện cũng có thể trao đổi thông tin cho nhau. Một số đầu sách phổ thông cũng sẽ được số hóa để độc giả đọc và tra cứu ngay trên máy. Bên cạnh đó, việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các thư viện huyện cũng đặc biệt được chú trọng nhằm đảm bảo cho hệ thống luôn được liên thông.

Minh  Ngọc

 

Tin xem nhiều