Báo Đồng Nai điện tử
En

Thác Trị An xưa và nay

09:03, 24/03/2008

Một số tư liệu cho biết thác Trị An xưa ở đất Biên Hòa nổi tiếng với cảnh thác hùng vĩ. Đây là thác cuối cùng trong dòng chảy của sông Đồng Nai trước khi chảy vào vùng bình nguyên miệt hạ. Có dịp xem những bức ảnh chụp thác Trị An vào những năm đầu thế kỷ XX mới thấy được cảnh thác rộng, nước chảy cuồn cuộn.

Một số tư liệu cho biết thác Trị An xưa ở đất Biên Hòa nổi tiếng với cảnh thác hùng vĩ. Đây là thác cuối cùng trong dòng chảy của sông Đồng Nai trước khi chảy vào vùng bình nguyên miệt hạ. Có dịp xem những bức ảnh chụp thác Trị An vào những năm đầu thế kỷ XX mới thấy được cảnh thác rộng, nước chảy cuồn cuộn. Có người từng ví von hình ảnh sống động của dòng sông Đồng Nai phía trên thác Trị An như một sơn nữ hồn nhiên, tràn đầy sức sống nhảy tung tăng qua bao ghềnh thác, thung lũng, núi đồi. Đến thác Trị An như một dấu ấn mà sông bỗng hóa thân làm người phụ nữ hiền hòa, êm dịu, lặng hòa đổ vào vùng bình nguyên mênh mông với dòng nước bao dung ôm lấy những cù lao, sông rạch nên thơ...

Thác Trị An gắn liền nhiều chuyện tích dân gian thật thú vị. Ở đó, có chàng dũng sĩ diệt thú dữ cứu dân làng, gắn với một người mở đất vùng lam sơn chướng khí, chuyện tình của đôi trai gái khác sắc tộc yêu nhau... Có lẽ, cảm động nhất là chuyện về tình yêu giữa cô gái ở thượng nguồn với chàng trai miệt hạ nguồn đầy thi vị sau những trắc trở của những luật tục ràng buộc. Chuyện kể: "... Ngược dòng Đồng Nai, chàng trai miệt hạ đã lạc vào lãnh thổ của người sơn cước thượng nguồn. Chàng trai bị bắt nhưng nhờ dũng cảm và tài năng của mình đã được dân làng cho sinh sống, trú ngụ. Tại đây, tình cảm của chàng trai và con gái của vị già làng nẩy nở. Nhớ quê, chàng tìm cách đi về khi băng qua cây cầu độc đạo và đã phải ngã xuống bởi những loạt cung tên định mệnh của xứ sở người yêu. Trước tình cảnh đó, cô gái của dân làng sơn cước đã trầm mình dưới dòng nước dữ, hóa thân thành tượng đá ngày đêm khóc cho tình yêu mãnh liệt...". Nước mắt của sơn nữ như con nước ngày đêm réo rắt giữa đại ngàn. Chàng trai và cô gái đã chết nhưng tình yêu của họ bất tử. Đây là một trong những chuyện tích mang mô típ huyền thoại đẹp đẽ của tình yêu. Và ở đây cũng mang dấu ấn cho chuyện của một thời mở cõi với những cộng đồng tộc người khai khẩn vùng đất này.  

Dòng chảy Trị An trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu được chặn dòng bắt đầu hình thành nên hồ Trị An vào thập niên 80 của thế kỷ XX để có một nhà máy thủy điện Trị An lớn nhất miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ. Công trình thủy điện Trị An được khởi công ngày 22-2-1982. Đập hồ Trị An được xây dựng bằng đá hỗn hợp, có chiều dài 420m, chiều cao 40m, đỉnh đập rộng 10m. Phần đập tràn chịu lực bằng bê tông dài 150m, có 8 khoang tràn với mỗi khoang rộng 15m và 8 cửa van. Bên cạnh đó có đập Suối Rộp dài 2.750m, cao 45m và hệ thống đập đất phụ có chiều dài tổng cộng 6.263m. 

Tham gia xây dựng thủy điện Trị An có hàng triệu lượt người ở miền Nam được huy động, tham gia trên một công trình rộng lớn kéo dài nhiều năm. Công trình thủy điện Trị An mang tầm vóc quốc tế  và thắm đượm tình hữu nghị Việt Nam - Liên Xô. Một đội ngũ các chuyên gia, kỹ sư luôn bám trụ, kiên trì và đem công sức, tài trí của mình cùng đội ngũ kỹ sư, lao động người Việt Nam hoàn thành công trình. Sau 7 năm 8 tháng 10 ngày, 4 tổ máy của của nhà máy này đã hòa vào điện lưới quốc gia ngày 31-10-1989. Công trình thủy điện Trị An vừa sản xuất điện năng cho miền Nam vừa thực hiện chức năng thủy nông cho vùng miền Đông Nam bộ.

Hồ Trị An được hình thành đã trở thành nguồn tài nguyên về nhiều mặt, được khai thác phục vụ cho đời sống của người dân miền Nam. Hiện nay, với diện tích mặt nước hồ 323km2, hồ Trị An có gần 40 đảo lớn nhỏ; trong đó có một số đảo có cảnh quan thiên nhiên như: Đảo Ó, đảo Đồng Trường... đang được khai thác du lịch.

Trong quy hoạch phát triển du lịch Đồng Nai, điểm đến hồ Trị An là một trong tuyến điểm hấp dẫn với cảnh quan sinh thái, di tích của vùng rừng núi Vĩnh Cửu thuộc Chiến khu Đ xưa.

Phan Đinh Huyền

Tin xem nhiều